Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và biển Hoa Đông:

“Không chấp” các nước nhỏ!

04:00 | 13/03/2014

7,280 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tuyên bố tại cuộc họp báo hôm 8/3 của Ngoại trưởng Trung Quốc đang khiến dư luận quan tâm và bình luận sau khi ông Vương Nghị cho rằng, các tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng sẽ không có chỗ cho sự thỏa hiệp với Nhật Bản và Bắc Kinh không bao giờ chấp nhận yêu cầu “vô lý” từ các quốc gia nhỏ hơn! Điều này đồng nghĩa với việc, Trung Quốc quyết tâm bảo vệ từng tấc đất của mình bằng mọi giá!

Năng lượng Mới số 303

Ngày 9/3, người phát ngôn của Tổng thống Philippines Benigno Aquino, ông Herminio Coloma lập tức “phản pháo”, theo đó Manila cũng có quyền bảo vệ từng tấc đất của nước này. Trước đó (7/3), Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương cho biết, Bắc Kinh sẵn sàng phối hợp với ASEAN để đưa ra Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), nhưng…

Trung Quốc muốn thương đàm để ký với ASEAN về COC?

Tờ The Economic Times của Ấn Độ vừa trích lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương cho rằng, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với ASEAN để thực thi toàn diện và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và từng bước thúc đẩy tham vấn về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) để giải quyết tranh chấp về lãnh thổ và lãnh hải với các nước láng giềng ở Biển Đông. Ông Tần Cương đưa ra tuyên bố này trước cuộc họp nhóm công tác hỗn hợp lần thứ 10 giữa Trung Quốc với ASEAN về việc thực thi DOC sẽ được tổ chức ngày 18/3 tại Singapore. Tuy nhiên, Trung Quốc tuyên bố: phản đối sự can thiệp của bên thứ ba trong vấn đề này.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto

Theo giới truyền thông, Trung Quốc có yêu cầu riêng đối với COC vì Ngoại trưởng Vương Nghị từng khẳng định “sự đồng thuận thông qua đàm phán”, cũng như “làm tất cả các bên thoải mái về tư tưởng” về vấn đề này. Điều này đồng nghĩa với việc các nước có quan hệ hữu hảo với Bắc Kinh không nên bị gây áp lực ủng hộ COC. Ông Vương Nghị cũng nhấn mạnh, ASEAN và Trung Quốc không đạt được tiến triển về COC là do có sự can thiệp từ bên ngoài (ám chỉ Mỹ).

Ngày 6/3, Đài Tiếng nói dân chủ Burma (Myanmar) cho biết, Hội nghị tư lệnh quân đội ASEAN không chính thức ở Naypyitaw (Myanmar) đã ra tuyên bố chung khẳng định: môi trường an ninh Đông Nam Á vẫn tương đối ổn định, nhưng các mối đe dọa an ninh tiếp tục gây thách thức cho hòa bình và ổn định. Và Tư lệnh quân đội các nước Đông Nam Á đều nhắc lại tầm quan trọng của việc có được COC để giảm thiểu căng thẳng ở Biển Đông. Tổng tham mưu trưởng quân đội Myanmar, tướng Aung Hlaing cho biết, hội nghị nhất trí cần thúc đẩy tiến trình đàm phán và ký COC để đảm bảo duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Phát biểu của tướng Aung Hlaing cho thấy, nước Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2014 đang cố gắng tìm kiếm ứng xử trung hòa giữa các bên tranh chấp tại Biển Đông.

Ngày 7/3, trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Manila và Washington đã tổ chức Đối thoại chiến lược song phương lần thứ tư trong 2 ngày 6 và 7/3 tại Washington DC (Mỹ). Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc họp, Mỹ và Philippines đều nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc gìn giữ hòa bình và ổn định trong khu vực, tôn trọng luật pháp quốc tế, ủng hộ tự do hàng hải và hàng không, nhất trí giải pháp hòa bình đối với tranh chấp trên Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế. Đồng thời hy vọng sớm hoàn tất COC giữa ASEAN và Trung Quốc, cũng như phản đối các biện pháp đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng tại Biển Đông hoặc gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino

Ngày 6/3, H Reuters dẫn lời quan chức chính quyền tỉnh Hải Nam cho biết, tàu tuần tra Trung Quốc đang thực thi quy định cản trở tàu nước ngoài hoạt động trên Biển Đông. Sau chỉ đạo của Bí thư tỉnh ủy Hải Nam La Bảo Minh, tàu tuần duyên tỉnh Hải Nam liên tục cản trở và bắt giữ tàu cá các nước trên Biển Đông. Theo ông La Bảo Minh, việc này xảy ra nếu không hằng ngày thì cũng hằng tuần và đây là lần đầu tiên một quan chức cấp cao Trung Quốc công khai tuyên bố về việc thực thi quy định bị dư luận trong và ngoài khu vực phản đối. Bí thư tỉnh ủy Hải Nam La Bảo Minh cho rằng, tàu tuần tra Trung Quốc đã nỗ lực “đàm phán hòa bình” với các tàu cá nước ngoài, mà theo Trung Quốc là đã phớt lờ lệnh cảnh báo trước đó. Ngoài những nước hữu quan, Mỹ, Philippines và Nhật Bản cũng lần lượt lên án lệnh cấm đánh bắt cá phi lý mà Trung Quốc ngang nhiên áp đặt lên Biển Đông.

Các nước quan ngại về ngân sách quốc phòng mới của Bắc Kinh

Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear vừa bày tỏ quan ngại về các ý định của Trung Quốc sau khi Bắc Kinh tuyên bố sẽ tăng chi phí quân sự năm 2014 ở mức 12,2% (gần 132 tỉ USD). Đài Loan cũng tuyên bố, mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc không giảm đối với vùng lãnh thổ này. Cơ quan Phòng vệ Đài Loan tuyên bố, sẽ tiếp tục thuyết phục Mỹ bán tàu ngầm, nhưng cũng xem xét khả năng tự đóng loại tàu này. Được biết, ngày 14/3, Đài Loan sẽ hạ thủy tàu tuần tra 500 tấn được trang bị tên lửa siêu thanh Hùng Phong 3, được coi là “sát thủ tàu sân bay” và có kế hoạch đóng từ 8-12 chiếc thuộc loại này. Ngày 17/3, Đài Loan sẽ nhận 6 trực thăng tấn công AH-64E Apache và đây là một phần trong hợp đồng đặt mua 30 trực thăng Mỹ trị giá 2 tỉ USD.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga

Ngày 6/3, Hãng Bloomberg bình luận, Trung Quốc đang tăng cường chi tiêu cho vũ khí công nghệ cao và nâng cao năng lực sẵn sàng chiến đấu với trọng tâm nhằm vào yêu sách lãnh thổ với Nhật Bản và các nước láng giềng Đông Nam Á. Giới phân tích cho rằng, chi tiêu quốc phòng thực tế của Trung Quốc cao hơn nhiều so với mức công bố. Cũng trong ngày 6/3, tờ Thời báo Hoàn Cầu khẳng định, kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng của Bắc Kinh không nên bị coi là bằng chứng của “mối đe dọa Trung Quốc ngày càng gia tăng”, đồng thời nhấn mạnh: Trung Quốc sẽ không ngừng tăng cường chi tiêu quân sự.

Trước đó (5/3), nữ phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki đã hối thúc Trung Quốc tăng cường tính minh bạch xung quanh các hoạt động và năng lực quân sự của nước này. Thượng nghị sĩ Mỹ Richard Blumenthal, thành viên Ủy ban vũ trang của Thượng viện Mỹ cho rằng, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc là “một phần của bức tranh mà chúng ta phải luôn ghi nhớ khi rà soát một cách chiến lược những vấn đề then chốt như năng lực tàu ngầm và năng lực mạng, những mảng mà Trung Quốc đã tăng chi tiêu rất mạnh”. Không chỉ Nhật Bản, mà Philippines và một số nước khác trong khu vực có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc cũng muốn Bắc Kinh minh bạch hơn về chi tiêu quốc phòng. So với các nước trong khu vực, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc gấp 3 lần Ấn Độ và nhiều hơn các nước láng giềng cộng lại (như Nhật Bản, Hàn Quốc…).

Trả lời phỏng vấn trong chương trình “Tin tức chuyên sâu” (Shinzo News) của Đài BS-Nitere, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto cho rằng, Hàn Quốc cần nhượng bộ Nhật Bản trong bối cảnh căng thẳng hiện nay.

Trước đó (4/3), tại Tokyo, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida và Đại sứ Mỹ Caroline Kennedy đã ký văn bản trao đổi thỏa thuận, theo đó Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ giúp Bộ Quốc phòng Nhật Bản nghiên cứu chế tạo các tàu tác chiến tốc độ cao ven bờ loại nhỏ. Điều này đồng nghĩa với việc Tokyo đã đạt được thỏa thuận quan trọng với Washington vì theo Hiệp ước tương trợ quốc phòng đã ký, Mỹ sẽ giúp Nhật Bản nghiên cứu đóng tàu tác chiến ven bờ được trang bị trực thăng vũ trang.

Nhà nghiên cứu về an ninh Trung Quốc đến từ Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm Mathieu Duchatel nhận định, Trung Quốc đã báo hiệu rằng sẽ không tránh khỏi lập trường cứng rắn hơn trong các tranh chấp ở khu vực. Trang mạng Kinh tế tài chính (Trung Quốc) từng dẫn tuyên bố của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khi trả lời phỏng vấn Hãng CNN cho biết, Trung Quốc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cần xây dựng lòng tin với các nước khác, chứ không phải gây ra căng thẳng; đồng thời nhấn mạnh, khuếch trương quân sự không có lợi cho tương lai của Trung Quốc. Trước đó, Channel News Asia từng dẫn lời Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng, trong 50 năm tới, châu Á sẽ đóng vai trò lớn hơn nhiều trong các vấn đề quốc tế và công nghệ sẽ thay đổi khó tưởng tượng được.

Ngày 4/3, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố “Báo cáo đánh giá quốc phòng 4 năm”, trong đó tái khẳng định cam kết tiếp tục tăng cường sự hiện diện quân sự tại Châu Á - Thái Bình Dương. Theo đó, 60% chiến hạm của hải quân Mỹ, bao gồm 5 tàu sân bay, 65 tàu và quá nửa số tàu ngầm hạt nhân sẽ được bố trí ở khu vực này trước năm 2020. Và đây là minh chứng cho thấy quyết tâm “xoay trục” sang Châu Á - Thái Bình Dương của Washington. Trong “Báo cáo đánh giá quốc phòng 4 năm”, Lầu Năm Góc cho rằng, căng thẳng liên quan đến tranh chấp lãnh thổ và tài nguyên thiên nhiên tại Châu Á - Thái Bình Dương đang ngày càng gia tăng, nguy cơ xảy ra xung đột cao. Do đó, Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường sự hiện diện ở Châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là tại Nhật Bản. Bởi Tokyo và Bắc Kinh đang có tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Mối quan tâm chung của dư luận

Ngày 6/3, Đối thoại Delhi VI (Đối thoại ASEAN - Ấn Độ lần thứ sáu) đã khai mạc tại New Delhi (Ấn Độ) với chủ đề “Thực hiện tầm nhìn ASEAN - Ấn Độ vì hợp tác và thịnh vượng”. Phát biểu tại đối thoại, Ngoại trưởng Ấn Độ Salman Khurshid nhấn mạnh, đây là lúc thích hợp nhất để củng cố luật pháp quốc tế về an ninh hàng hải. Tờ Phil Star (Philippines) dẫn lời Thư ký Bộ Ngoại giao Ấn Độ Shri Anil Wadhwa cho biết, New Delhi lo ngại tranh chấp ở Biển Đông sẽ ảnh hưởng đến giao thương đường biển, nên mong muốn các nước trong khu vực tôn trọng các công ước quốc tế về biển và giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa bình. Theo ông Shri Anil Wadhwa, Ấn Độ ủng hộ tính trung tâm của ASEAN và ASEAN đang đi đúng hướng khi đàm phán với Trung Quốc để ký COC.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị

Trước đó, Đài Tiếng nói nước Nga có bài “Hải quân Trung Quốc qua lại Ấn Độ Dương và hiện đại hóa của lực lượng chiến lược Ấn Độ”. Theo đó, Trung - Ấn đã bước vào một giai đoạn mới trong cuộc chạy đua hạt nhân sau khi 2 nước gia tăng các cuộc thử nghiệm để đưa vào sử dụng tên lửa đạn đạo và tàu ngầm hạt nhân. Và cuộc đua này càng trở nên quyết liệt trong tương lai khi Trung Quốc có khả năng sở hữu tàu sân bay thực sự, còn Ấn Độ đẩy nhanh phát triển hạm đội tàu ngầm hạt nhân và tàu chiến có thể lắp tên lửa hành trình hạng nặng.

Ngày 6/3, Hãng Channel News Asia dẫn lời của Thiếu tá Gregory Fabic, người phát ngôn của hải quân Philippines khẳng định, nước này sẽ chi 500 triệu peso (khoảng 11,2 triệu USD) nhằm nâng cấp một căn cứ hải quân hướng ra Biển Đông để có thể đón thêm nhiều tàu mà Manila chuẩn bị mua để bảo vệ chủ quyền. Theo đó, sẽ nâng cấp một cảng tại vịnh Ulugan vì đây là căn cứ quân sự của Philippines nằm gần Biển Đông nhất. Dự kiến, Tổng thống Benigno Aquino sẽ tới thăm căn cứ này hôm 20/5 và phát lệnh nâng cấp. Theo một chương trình được thiết kế để nâng cấp năng lực quân sự, Manila sẽ mua nhiều tàu hải quân để tạo ra “sự răn đe đáng tin cậy”, nhằm bảo vệ sự toàn vẹn chủ quyền của Philippines. Dự kiến, Hải quân Philippines sẽ mua thêm 6 tàu để bảo vệ hiệu quả bờ biển.

Theo giới truyền thông, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel sẽ thăm Nhật Bản vào thượng tuần tháng 4 để thảo luận các vấn đề an ninh như thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc phòng song phương, phương án thực hiện kế hoạch tái bố trí căn cứ không quân Futenma của hải quân Mỹ tại tỉnh Okinawa… với Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera. Dự kiến lãnh đạo quân đội 2 nước sẽ thảo luận về biện pháp đối phó với việc Trung Quốc đơn phương thiết lập ADIZ bao trùm cả chuỗi đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông. Chuyến đi này sẽ diễn ra sau khi ông Chuck Hagel tham dự hội nghị bộ trưởng quốc phòng với các nước ASEAN tại Hawaii vào đầu tháng 4. Và được coi là chuyến đi tiền trạm chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Nhật Bản vào cuối tháng 4.

Tokyo vừa quyết định điều máy bay quân sự để đối phó với 3 máy bay quân sự của Trung Quốc (1 Y-8 và 2 H-6) bay gần không phận Nhật Bản  rồi bay ra Thái Bình Dương trước khi quay trở về hướng Trung Quốc sáng 9/3. Trước đó, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết, ngày 23/2 có 3 tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc đi vào vùng lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Đây là vụ xâm phạm lãnh hải lần thứ 5 trong năm 2014 và là lần thứ 79 kể từ khi Nhật Bản quốc hữu hóa 3/5 đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 9/2012.

Trước đó (21/2), một máy bay tác chiến điện tử Tu-154 và một máy bay hậu cần Y-12 của Trung Quốc đã đi vào ADIZ của Nhật Bản, nhưng đã bị chiến đấu cơ F-15J ngăn chặn. Ngày 22/2, Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Fukuoka (Nhật Bản) cho biết, chiếc tàu đăng ký ở tỉnh Chiết Giang đã bị bắt tối 21/2 ở ngoài khơi thành phố Goto, Nagasaki với lý do “nhật ký hoạt động không thật”.


Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc