Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng pháp luật phải chủ động, kiến tạo cho phát triển
Luật pháp phải công bằng, minh bạch, không phục vụ lợi ích nhóm
Phát biểu tại tổ, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ, thể chế hiện nay vẫn là điểm nghẽn lớn, làm chậm tiến trình phát triển quốc gia. Vì vậy, cần có sự chuyển biến căn bản trong tư duy xây dựng pháp luật - không còn chỉ dừng lại ở việc kiểm soát, quản lý xã hội mà phải hướng đến phục vụ người dân, chủ động kiến tạo môi trường thuận lợi cho phát triển.
![]() |
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 9, chiều 17/5. |
Tổng Bí thư lưu ý, luật pháp phải đi trước, có tính dự báo cao và linh hoạt để kịp thời đáp ứng những thay đổi nhanh chóng trong thực tiễn. Những quy định đưa ra cần có tầm nhìn dài hạn, mang tính khuyến khích, tạo động lực đổi mới sáng tạo, thay vì tư duy cấm đoán cũ kỹ.
Tổng Bí thư cũng khẳng định, pháp luật không được phép trở thành công cụ phục vụ cho bất kỳ nhóm lợi ích nào, mà phải công bằng, minh bạch, tạo thuận lợi tối đa cho mọi tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp. Cần thiết phải phân cấp, phân quyền rõ ràng gắn với trách nhiệm cá nhân; loại bỏ cơ chế xin - cho và các biểu hiện của lợi ích cục bộ, đặc quyền, lợi ích nhóm.
Một trong những trọng tâm trong phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm là vấn đề huy động nguồn lực xã hội. Tổng Bí thư nhấn mạnh, đất nước có nguồn lực xã hội rất lớn, đặc biệt là từ người dân, cộng đồng doanh nghiệp, người Việt Nam ở nước ngoài. Nhưng do thể chế, quy định còn bất cập nên chưa khơi thông được dòng chảy này.
Tổng Bí thư cho rằng, chính sách quốc tịch cần thể hiện sự trân trọng đối với những người mang dòng máu Việt, có tâm huyết, tài năng và sẵn sàng đóng góp cho đất nước - kể cả người nước ngoài. Phải có những quy định mở để thu hút, tôn vinh và khuyến khích họ cống hiến.
Cải cách thực chất để khơi thông điểm nghẽn về đầu tư, đấu thầu, tài chính
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đưa ra nhiều nhận định sâu sắc liên quan đến các dự luật về đầu tư, đấu thầu, tài sản công, tín dụng… Tổng Bí thư chỉ rõ, dù nguồn lực phát triển rất lớn nhưng vướng mắc trong cơ chế thực thi khiến vốn đầu tư không được giải ngân hiệu quả. Việc đấu thầu hiện nay, thay vì thúc đẩy hiệu quả, lại gây chậm tiến độ, làm giảm chất lượng, thậm chí phát sinh tiêu cực khi các nhà thầu không trực tiếp thực hiện mà bán lại nhiều lần.
“Đấu thầu để ngăn chặn tiêu cực nhưng thực chất ngăn chặn được không? Hay là thông thầu, bán thầu hết rồi? Ông thầu rất to nhưng ra làm đường có thấy ông làm đâu, bán đến F9, F10 rồi. Đó có phải mục tiêu đấu thầu đâu..”, Tổng Bí thư nói.
Về khu vực kinh tế tư nhân, Tổng Bí thư nhận định hiện nay vẫn còn sự phân biệt, chưa tạo điều kiện thuận lợi để họ phát huy tối đa tiềm lực. Nhiều doanh nghiệp có vốn, có nhiệt huyết nhưng lại gặp rào cản khi tham gia các dự án công. Điều này làm mất cơ hội huy động một nguồn lực lớn từ khu vực tư nhân và từ nguồn vốn đầu tư gián tiếp quốc tế.
Đối với hệ thống tài chính, tín dụng, Tổng Bí thư lưu ý phải tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn phục vụ sản xuất, thay vì bị đẩy vào “tín dụng đen” vì quy trình vay vốn chính thống quá phức tạp. Đồng thời, cần đảm bảo quyền lợi chính đáng của người gửi tiền và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn xã hội, tránh để nguồn lực nhàn rỗi, lãng phí.
"Trong bối cảnh hiện nay không thể chờ mọi thứ hoàn hảo mới hành động. Cần kiên quyết sửa đổi những quy định gây cản trở, bất hợp lý, vừa làm vừa tiếp tục hoàn thiện để kịp nắm bắt cơ hội phát triển trong thời đại mới", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Huy Tùng
-
Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng pháp luật phải chủ động, kiến tạo cho phát triển
-
Hoàn thiện chính sách đấu thầu nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo
-
Đại biểu Quốc hội: Phân cấp cho cấp xã là không khả thi
-
Cần cơ chế hậu kiểm đủ mạnh để phát triển bền vững kinh tế tư nhân
-
[VIDEO] Đưa Nghệ An trở thành cực tăng trưởng của cả nước