Khi tướng về hưu làm “cò” vũ khí…

06:28 | 21/09/2013

4,357 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với nhiều tướng hưu Mỹ, việc cởi bộ quân phục về làm thường dân không có nghĩa họ “rửa tay gác kiếm” hoàn toàn. Theo ghi nhận mới nhất, có đến 34 trong 39 tướng ba sao và bốn sao (gần 90%) của quân đội Mỹ nghỉ hưu năm 2007 nay đang làm “cò” vũ khí, kiếm được trung bình 100.000-200.000USD/năm. Trong một số trường hợp, một tướng ba sao có thể kiếm được khoảng 1.600USD/ngày (chưa kể các khoản phí khác)…

“Đắt sô” làm “cò”

Sau buổi lễ chính thức giã từ binh nghiệp với 35 năm khoác áo Không quân Hoa Kỳ, tướng Gregory “Speedy Martin trở về doanh trại để thay bộ đồ thể thao golf. Ông đang chuẩn bị hưởng thú nghỉ ngơi với tư cách tướng bốn sao về hưu, bắt đầu từ năm 2005. Tuy nhiên, chẳng lâu sau, tướng hưu Martin nhận một cuộc điện thoại. Đó là viên giám đốc điều hành Northrop Grumman, đề nghị Martin làm tư vấn cho hãng sản xuất oanh tạc cơ tàng hình B-2 này. Vài tuần sau, Martin lại nhận được cuộc điện thoại thứ hai.

Lần này là Lầu Năm Góc đề nghị ông tham gia một ban tuyệt mật nghiên cứu kỹ thuật chiến đấu cơ tàng hình tương lai của không quân. Có thể hiểu tại sao Martin “đắt sô” như vậy. Bốn năm trước, ông chính là người chịu trách nhiệm tất cả chương trình vũ khí của Không quân Mỹ, trong đó có B-2.

Tướng Richard Myers - nguyên Chủ tịch Bộ Tư lệnh liên quân Hoa Kỳ 

Thế là Martin gật đầu, đồng ý cùng lúc “đánh” cả “hai sô”. Gregory “Speedy Martin không là trường hợp duy nhất. Theo điều tra của USA Today Boston Globe, hầu hết trong 750 viên tướng về hưu trong hai thập niên qua đều ít nhiều kéo dài sự nghiệp nhà binh với tư cách cố vấn quốc phòng sau khi chính thức nghỉ hưu. Từ năm 2004 đến 2008, 80% tướng hưu ba sao và bốn sao đều trở thành nhà tư vấn quốc phòng hoặc giám đốc điều hành các hãng vũ khí, so với không đến 50% một thập niên trước (1994-1998).

Trong nhiều trường hợp, việc chuyển từ vị trí quân đội sang công nghiệp quốc phòng diễn ra gần như chẳng có giai đoạn “quá độ”. 34 trong 39 tướng ba sao - bốn sao “giải nghệ” năm 2007, tức gần 90%, hiện đều tái xuất hiện với nhiều nhiệm vụ khác nhau liên quan quốc phòng. Và nhiều người trong số họ có thể kiếm gấp đôi hoặc gấp ba tiền lương hưu - theo thượng nghị sĩ Dân chủ Jack Reed, người từng tốt nghiệp Học viện quân sự West Point…

Trước khi giải ngũ năm 2000, Trung tướng bộ binh William H. Campbell là người chịu trách nhiệm giám sát tất cả hệ thống thông tin của bộ binh Mỹ. Năm 2002, Campbell bắt đầu làm Phó chủ tịch cấp cao tại BAE Systems, một trong những nhà cung cấp vũ khí chủ yếu cho bộ binh Hoa Kỳ và là công ty quốc phòng chính tham gia thương vụ đấu thầu phát triển loại thế hệ chiến xa mới.

Trong e-mail trả lời tờ Boston Globe, Campbell khẳng định rằng chẳng có xung đột lợi ích nào nảy sinh khi ông làm việc cho BAE Systems - có nghĩa ông chẳng hề đóng vai làm “cò” để dụ Lầu Năm Góc ký hợp đồng với BAE Systems. Nhóm cố vấn BAE Systems còn có cựu Trung tướng Joseph L. Yakovac, người trước đây chịu trách nhiệm một chương trình nghiên cứu chiến xa (nhưng thất bại khiến 14 tỉ USD mất trắng). Cùng làm việc với Yakovac trong đề án chiến xa tương lai còn có cựu Thiếu tướng John Barley...

Tướng Bryan “Doug” Brown nguyên Tư lệnh trưởng Bộ Tư lệnh các chiến dịch đặc biệt

Danh sách các tướng hưu làm “tư vấn quốc phòng” còn dài. Chẳng hạn John H. Tilelli, nguyên Phó chủ tịch Bộ Tư lệnh liên quân Hoa Kỳ, nghỉ hưu năm 2000. Hiện thời, Tilelli làm Giám đốc Cypress International, nơi đang giành thầu thiết kế thế hệ chiến xa mới. Ngoài ra, còn có Knowledge International LLC, nơi kiếm được 500 triệu USD/năm, tính đến cuối năm 2012.

Trên danh nghĩa, Knowledge International LLC thuộc Tập đoàn đầu tư Emirates Advanced Investments của Tiểu vương quốc Arập thống nhất nhưng ban cố vấn chiến lược của họ đều là các ông tướng hưu Mỹ như Bryan “Doug” Brown (Tư lệnh trưởng Bộ Tư lệnh Các chiến dịch đặc biệt), James Conway (nguyên Tư lệnh trưởng Quân đoàn Thủy quân lục chiến; nhân vật có vai trò đáng kể trong cuộc chiến Iraq 2003) và thậm chí đại tướng Stanley McChrystal (Chỉ huy trưởng lực lượng NATO tại Afghanistan)…

Trong khi đó, tướng hưu William S. Wallace (từng chỉ huy Bộ tư lệnh huấn luyện và học thuyết vào năm 2008) hiện là nhà tư vấn cho bộ phận các hệ thống quân sự trên bộ thuộc Công ty vũ khí General Dynamics, cũng là nơi lăm le giành gói thầu chiến xa tương lai. Wallace nói rằng, ông chẳng thèm dùng những mối quan hệ cũ để mang lại lợi ích cho công ty mình đang hưởng lương.

Tuy nhiên, cựu trung tướng không quân Kenneth E. Eickmann (nghỉ hưu năm 1998), người từng làm việc với các công ty quốc phòng trong những dự án vũ khí, nói rằng: “Tôi luôn cảm thấy không thoải mái với mấy ông tướng hưu làm việc cho công ty quốc phòng. Thỉnh thoảng tôi có cảm giác họ lợi dụng mối quen biết cũ để buộc tôi phải làm điều gì đó”. Tướng hưu bốn sao William Buck Kernan cũng có ý kiến tương tự…

Chuyện hậu trường của “tướng về hưu”

Khó có thể không nghĩ rằng các tướng hưu một khi “làm công ăn lương” cho các công ty quốc phòng lại không tận dụng các mối quan hệ cũ để mang hợp đồng về cho công ty mình. Trường hợp Humvee là một ví dụ. Trước xu hướng thắt chặt chi tiêu do ngân sách teo tóp, có ý kiến rằng quân đội Mỹ không nên mua mới dàn xe Humvee mà thay vào đó là sửa lại xe cũ. Tuy nhiên, theo cố vấn - tướng hưu Jack Keane - bộ binh Mỹ nhất thiết phải được hỗ trợ dàn Humvee mới toanh. Được xem là một trong những tướng hưu có sức ảnh hưởng mạnh nhất hiện nay với vị trí trong ban cố vấn cao nhất Lầu Năm Góc (Ban Chính sách quốc phòng), Jack Keane còn là… nhà tư vấn của AM General, nơi chuyên sản xuất xe quân dụng Humvee! Nói với tướng Peter Chiarelli (viên chức thứ hai trong Bộ Tư lệnh Bộ binh Hoa Kỳ), Jack Keane cho rằng quân đội Mỹ nên duy trì “quan hệ chiến lược” với AM General, nơi từng tung ra những đoàn xe Jeep quân sự suốt từ thời Thế chiến thứ II đến những năm tháng lăn lộn trên chiến trường Việt Nam…

Jack Keane thậm chí tác động chương trình mua mới Humvee với một số thành viên Quốc hội, dù ông không là nhà vận động hành lang có đăng ký (có giấy phép hợp pháp hoạt động trong lĩnh vực vận động hành lang). Jack Keane nói rằng, ông chẳng cần đăng ký giấy phép lobby bởi ông không bỏ ra hơn 20% thời gian của mình để liên lạc với Quốc hội như theo luật lobby quy định. Jack Keane cho biết, mình chỉ giúp khách hàng (AM General) liên lạc đúng với những người thật sự có quyền quyết định (trong dự án Humvee) tại Lầu Năm Góc và Capitol Hill. Ngoài Jack Keane, AM General còn chi cho Spectrum Group (hãng tư vấn quốc phòng cũng quy tụ nhiều viên tướng hưu) khoảng 20.000USD/tháng để giúp gõ cửa chính xác địa chỉ cần lobby. Giúp chạy chọt cửa sau cho AM General còn có tướng hưu Paul J. Kern - thành viên Ban Khoa học quốc phòng của Lầu Năm Góc. Nghỉ hưu năm 2005, Kern từng làm Chủ tịch AM General từ năm 2009-2010. Với chiến dịch lobby rầm rộ của AM General, cuối cùng, tháng 7/2010, Quốc hội đã bác yêu cầu dùng hơn nửa tỉ đôla để sửa chữa - tái sử dụng dàn Humvee cũ mà phải trang bị nguyên một dàn mới tinh!...

Tướng về hưu John H. Tilelli hiện là Giám đốc Cypress International

Theo nhà sản xuất Northrop Grumman, trực thăng do thám điều khiển từ xa Fire Scout có thể giúp quân đội phát hiện chính xác mục tiêu ngay cả khi đối phương nấp trong rừng rậm. Nó có thể dò những nơi mà (máy bay không người lái) Predator không thể tìm. Tuy nhiên, trước khi sản xuất Fire Scout hàng loạt, Northrop cần phải thuyết phục quân đội Mỹ đã. Để làm điều đó, Northrop cậy đến Burdeshaw Associates Ltd. Thành lập năm 1979, Burdeshaw là một trong những hãng tư vấn quốc phòng tiên phong trong việc thuê tướng hưu. Không chỉ tổ chức loạt cuộc họp gồm những người có vai trò quyết định, Burdeshaw còn được Northrop thuê soạn một kịch bản “khái niệm tác chiến” cho Fire Scout với nội dung trình bày chi tiết rằng nó hoạt động như thế nào, được sử dụng ra sao, trong môi trường nào, với sứ mạng gì... Đó là cơ sở dữ liệu quan trọng để ban tham mưu vũ khí Lầu Năm Góc nghiên cứu từ đó quyết định đầu tư hay không. Với kịch bản “khái niệm tác chiến” được diễn giải quá bùi tai, quân đội Mỹ quyết định ký hợp đồng 10 năm với Northrop và chi 109 triệu USD cho dự án 8 chiếc Fire Scout đầu tiên.

Những mặt trái  khó lường

Các công ty quân sự tư nhân luôn vận động Quốc hội Mỹ để tìm kiếm tiếng nói ủng hộ cho các “thương vụ chiến tranh”; chẳng hạn họ đã thành công trong việc thúc ép Chính phủ Mỹ tháo bỏ lệnh cấm vận nhằm vào doanh nghiệp Mỹ trong việc hỗ trợ quốc phòng cho Equatorial Guinea - một quốc gia Tây Phi vốn tai tiếng với vô số vụ vi phạm nhân quyền. Chẳng trách tại sao một số ý kiến chẳng hạn Daniel Nelson (cựu Giáo sư quan hệ quân sự - dân sự thuộc Trung tâm Nghiên cứu an ninh Marshall - châu Âu của Bộ Quốc phòng Mỹ) nhận xét rằng, mô hình tư nhân hóa quân sự là “thảm họa cho dân chủ”. Chương trình tư nhân hóa quân sự thật ra bắt đầu từ thời Tổng thống George H. Bush (Bush bố). Sau cuộc chiến Vùng Vịnh 1991, Bộ trưởng Quốc phòng Dick Cheney đã chi cho Brown & Root Services (phân nhánh của Halliburton) gần 9 triệu USD để nghiên cứu cách mà các công ty quân sự tư có thể hỗ trợ quân đội Mỹ trên mặt trận. Việc sử dụng mô hình công ty quân sự tư tiếp tục bùng nổ thời Bill Clinton và tăng cực nhanh thời George W. Bush, đặc biệt sau sự kiện khủng bố Mỹ 11/9/2001, bất chấp nhiều sự cố liên quan xảy ra ngày càng nhiều.

Năm 2001, công ty quân sự tư Aviation Development Corp đảm nhiệm công tác tình báo cho CIA tại Nam Mỹ đã “tưởng nhầm” một máy bay bình thường là chuyên cơ ma túy của bọn buôn lậu. Thông tin sai lệch đã khiến không quân Peru bắn cháy chiếc máy bay nạn nhân, làm chết một nhà truyền giáo Mỹ và cô con gái 7 tháng tuổi! Trong nhiều trường hợp, các công ty quân sự tư tìm cách tách họ khỏi lớp áo nhà binh bằng cách quảng cáo như là công ty thuần túy an ninh. Tuy nhiên, mức độ hoạt động của họ lại khác hẳn.

Military Professional Resources Inc (MPRI) chẳng hạn, công ty này có đến 12.500 cựu binh đầy kinh nghiệm về đủ lĩnh vực, từ vũ khí hạt nhân đến chiến thuật tấn công bằng tàu ngầm. MPRI cung cấp nhân sự cho các trung tâm tuyển lính của Bộ binh Mỹ; huấn luyện sĩ quan tác chiến; bảo đảm an ninh các căn cứ Mỹ ở Hàn Quốc; và thậm chí nhận thầu huấn luyện - cố vấn cho các quân đội nước ngoài từ Kuwait, Balkans đến Nam Phi. MPRI từng được lãnh đạo bởi Carl Vuono, nguyên Tư lệnh trưởng bộ binh Mỹ thời cuộc chiến Vùng Vịnh 1991; với các trợ lý gồm là tướng Crosbie Saint, nguyên Tư lệnh trưởng quân đội Mỹ tại châu Âu; tướng Harry Soyster, nguyên Tư lệnh trưởng Cơ quan quân báo Bộ quốc phòng…

Cao Minh