Kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2015):

Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 (Phần 3)

10:24 | 24/03/2015

3,225 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vào thời điểm đối thoại căng thẳng giữa Phran-xít và đại sứ Martin, Vũ Trung Hương, đại tá trung đoàn trưởng trung đoàn 2 sư 3 bộ binh, dẫn đám tàn quân chạy về tới căn cứ Non Nước.

>> Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 (Phần 2)

>> Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 (Phần 1)

Trên trời trực thăng ào ào bay về phía Nam, dưới đất thủy quân lục chiến chen nhau lội xuống tàu ra biển. Súng ống thủy quân lục chiến vứt lại cả đống trên bờ biển, cả những vũ khí hiện đại như hỏa tiễn TOW, đại bác không giật 90 ly, hồng ngoại tuyến X.202…

Giữa quang cảnh hỗn loạn ấy, Hương lên máy PRC.25 kêu cứu. Cuối cùng bắt liên lạc được với Nguyễn Duy Hinh, thiếu tướng tư lệnh sư 3. Hinh quát trong máy báo cho Hương biết sẽ có tàu đến đón và cho địa điểm tàu ủi bãi bốc quân. Hương chờ tới 13 giờ chiều vẫn không thấy tàu đến, tàu của thủy quân lục chiến lại đậu quá xa, lính liều mạng bơi ra, biển động chết đuối không biết bao nhiêu mà kể. Ba lô quần áo bị sóng biển đánh dạt vào bờ cả đống. Mãi tới 17 giờ chiều ngày 29/3, qua ống nhòm Hương phát hiện được một tàu loại giang vận HQ.403 cập bãi cách xa chừng 4 ki-lô-mét. Hương và đám tàn quân chạy thục mạng tới. Nhưng tàu đậu xa, neo lại đứt, sóng rất mạnh, tàu hết trôi ra lại ủi vào làm trôi rất nhiều binh lính…

Nhờ có chiếc xe bọc thép lội nước M.113, Hương mới trèo được lên tàu HQ.403 – Đây là chiếc tàu hải quân cuối cùng rời Đà Nẵng, gia nhập đoàn tàu di tản đang nối nhau trên hành trình tháo chay về phương nam. Cũng trong cảnh hỗn loạn cuối cùng ấy, phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại và tướng Bùi Thế Lân, phó tư lệnh Quân đoàn I tiền phương bị bỏ lại văn phòng bộ tư lệnh hải quân vùng I tại Tiên Sa. Thoại và Lân đã phải vượt bộ qua dẫy núi phía sau mới tới được bờ biển. May có một tầu nhỏ hải quân do Hồ Văn Kỳ Tường, em trai Thoại là chỉ huy hải khu Đà Nẵng chạy ngang, phát hiện ra nên ghé vào chở Thoại và tướng Lân đi. Còn tướng Khánh tháo chạy hốt hoảng đã không chuẩn bị đủ xăng bay ra xa, phải đáp trực thăng ở bãi cát Sơn Trà rồi lội ra tầu HQ 404 cùng Trưởng về Sài Gòn…

Sau mấy ngày lênh đênh trên biển, chiếc tàu chiến HQ.404- loại tàu chỉ huy và một số tàu của hải quân, cập bến cảng Bạch Đằng ( Sài Gòn ). Đám tướng tá Quân đoàn I thất trận, mệt mỏi và đói khát lếch thếch lên bờ. Trưởng đi theo sau mấy chuẩn tướng, thiếu tướng của mình. Trưởng cố đóng vai một viên tướng uất hận vì thất trận, lê từng bước lên bến. Hai lính cận vệ xốc nách dìu hai bên khiến cho khổ người cao gầy và khuôn mặt của Trưởng càng thêm thiểu não. Về Sài Gòn  Trưởng được bổ nhiệm vào bộ tư lệnh hành quân lưu động ở Bộ tổng tham mưu. Tại đây Trưởng gặp phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, tư lệnh hải quân vùng I duyên hải và chuẩn tướng Nguyễn Đức Khánh, tư lệnh sư đoàn 1 không quân tại Đà Nẵng đang ngồi viết bản tự khai và chuẩn tướng Lâm Quang Thi, phó tư lệnh Quân đoàn I thì bị phạt quản thúc về tội bỏ Huế. Tướng Thi là người kiên quyết bảo vệ Huế, chỉ chịu rút quân khỏi Huế khi có lệnh của Thiệu vậy mà bây giờ lại bị quản thúc. Hôm sau, trong buổi họp Bộ tổng tham mưu, Trưởng đứng lên chất vấn Cao Văn Viên ; “Việc phạt tướng Thi và hai tướng Thoại và Khánh đều không đúng. Họ chỉ là thuộc cấp của tôi. Họ chỉ làm theo lệnh của tôi. Họ không có tội gì cả. Nếu có phạt thì xin hãy phạt tôi đây này!".

Phòng họp lặng ngắt. Đại tướng Cao Văn Viên nhìn qua trung tướng Trần Văn Đôn vừa bỏ dở chuyến công du, từ Pháp về, mới đảm nhận chức tổng trưởng quốc phòng. Đôn, Viên chưa kịp nói gì thì tướng Lê Nguyên Khang , phụ tá hành quân của đại tướng tổng tham mưu trưởng đã bực dọc thốt lên: “Anh em chúng tôi không có tội tình mẹ gì cả!". Thấy lời nói  của tướng bại trận chẳng còn có tác dụng gì, ngay sau đấy Trưởng cáo bệnh chui vào nằm bẹp trong Tổng y viện cộng hòa. Sau mấy bữa bày trò tuyệt thực để tô vẽ cho hình ảnh "một viên tướng sẵn sàng tuẫn tiết "của mình, Trưởng lại nốc rượu và ăn uống như thường. Mỗi khi có quan chức nào của sứ quán Mỹ hoặc Bộ tổng tham mưu vào thăm, là y như rằng Trưởng lại bưng mặt khóc tu tu. Trưởng đả kích Thiệu đã ra lệnh lung tung làm rối loạn sự chỉ huy của Bộ tư lệnh Quân đoàn I trong những ngày tháng cuối cùng của Đà Nẵng. Thiệu không thèm để ý đến Trưởng. Thiệu đang điên đầu lo đối phó với những thảm bại mới trên chiến trường. Thế nhưng Cao Văn Viên với tác phong quan dạng của mình - tác phong của một "viên tướng sa lông" lúc nào cũng muốn nêu cao quân phong quân kỷ, đã bắt Trưởng và tất cả các tướng, tá của Quân đoàn I, Quân đoàn II chạy thoát về Sài Gòn phải làm "phúc trình "để truy cứu trách nhiệm. Ra lệnh vậy thôi nhưng Viên chẳng có thời gian đâu mà đọc những bản phúc trình dài dòng của Ngô Quang Trưởng, trung tướng,tư lệnh Quân đoàn I; Lâm Quang Thi, chuẩn tướng, tư lệnh phó quân đoàn I; Nguyễn Đức Khánh, chuẩn tướng, tư lệnh sư đoàn 1 không quân; phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, tư lệnh hải quân vùng I duyên hải; đại tá Nguyễn Thanh Trí, tư lệnh phó sư đoàn thủy quân lục chiến; Phạm Văn Phú, thiếu tướng, tư lệnh Quân đoàn II; chuẩn tướng Phạm Duy Tất, chỉ huy trưởng biệt động quân Quân khu II… và cả lô tướng,tá thuộc các quân, binh chủng của Quân đoàn I, Quân đoàn II bại trận chạy về Sài Gòn trình diện, nộp Bộ tổng tham mưu xếp dày cộp trong cặp hồ sơ. Đánh chiếm Bộ tổng tham mưu quân đội Sài Gòn trưa 30/4/1975 ta đã thu được toàn bộ hồ sơ, tài liệu của Cao Văn Viên, trong đó có hàng chục bản tường trình của tướng lĩnh quân đội Sài Gòn bại trận. (Đấy chính là một phần trong rất nhiều tài liệu nguyên bản quan trọng thu được của địch giúp tác giả xây dựng cuốn sách này - NV).

Trong phần nhận xét tổng quát kết thúc bản phúc trình, Nguyễn Đức Khánh đã thẳng thắn nêu lên tám nguyên nhân chính dẫn đến thảm họa của sư đoàn I không quân ở Đà Nẵng:

Thứ nhất: Trước 28/3, phi trường Đà Nẵng rất rối loạn vì dân tị nạn và lính đào ngũ đã gây ra. Bộ tư lệnh sư đoàn I không quân đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng không đạt được kết quả khả quan.

Thứ hai: Số đông quân nhân đã hiểu lầm lệnh di tản phi cơ nên oán hận cấp chỉ huy,cho rằng cấp chỉ huy đã giấu không cho họ biết lệnh di tản.

Thứ ba: Phi trường đã bị pháo kích nặng nề nên hoạt động của không quân rất khó khăn, phương tiện liên lạc bị thiệt hại nhiều.

Thứ tư: Thời tiết xấu,không thể sử dụng không quân để chống trả địch được nhiều.

Thứ năm: Lệnh di tản không phổ biến được vì mất liên lạc với các quân nhân trực thuộc. Vì vậy không một quân nhân nào của sư đoàn I không quân di chuyển được ra bãi biển Nam Ô để lên tàu di tản.

Thứ sáu: Không thiết lập được cầu hàng không để di tản vì địch có tiền sát viên hướng dẫn pháo kích.

Thứ bẩy: Phút chót không trình được lệnh di tản với trung tướng tư lệnh trưởng không quân được vì hệ thống liên lạc bị đối phương pháo kich hư hỏng nặng.

Thứ tám: Đã cố gắng hết sức liên hệ với các cấp chỉ huy bạn để tìm cách đối phó, phối hợp di tản các quân nhân của sư đoàn I không quân. Nhưng do thời tiết quá xấu, không gặp ai và do thời gian quá eo hẹp nên không thực hiện được. Trong tồng số 6.700 quân nhân của sư đoàn I không quân, chỉ có chưa đầy 2.000 người di tản được khỏi Đà Nẵng. Nhiều máy bay, trong đó có cả máy bay phản lực oanh kích phải bỏ lại phi trường… ".

Riêng Ngô Quang Trưởng đã dành khá nhiều tâm sức để đúc kết bản phúc trình. Mặc dầu thảm bại nhục nhã, chỉ có chạy dài cũng không xong và Quân đoàn I đã bị xóa sổ, Ngô Quang Trưởng vẫn tự mê hoặc mình. Trưởng thấy có nhiệm vụ phải đứng trên cương vị tư lệnh một quân đoàn lớn nhất, tư lệnh một quân khu quan trọng nhất của quân lực Việt Nam cộng hòa để đúc kết chiến tranh. Mãi đến ngày 10/4/1975, Trưởng mới nộp cho tướng Viên bản phúc trình dai dằng dặc với đầu để khá lâm ly: "Phúc trình ủy khúc các sự kiện xảy ra tại Quân khu I trong giai đoạn di tản chiến thuật hồi tháng 3/1975".

Thế nhưng bản phúc trình của Trưởng chẳng có đúc kết gì hết. Trưởng không dám thừa nhận những sai lầm của mình cùng sự kém cỏi của sĩ quan, binh lính dưới quyền. Trưởng trút bỏ tất cả những đổ vỡ của vùng I cho hoàn cảnh bất lợi của chiến trường, cho tương quan lực lượng quá chênh lệch. Sau khi điểm lại diễn biến từng ngày của chiến trường vùng I, kể từ ngày 13/3/1975 - Ngày mà Trưởng được Thiệu triệu về Sài Gòn dự phiên họp hạn chế của "hội đồng an ninh quốc gia", bàn về việc phòng thủ tại Quân khu I, Trưởng kết thúc bản phúc trình của mình bằng bằng một giọng cải lương, lâm ly tưởng như trong những dòng đúc kết ấy có cả những giọt nước mắt lã chã của Trưởng: "…Công việc hàng ngày đều được báo cáo đầy đủ về Sài Gòn để trình lên tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và đại tướng Cao Văn Viên. Những biến cố quan trọng tôi đích thân tường trình lên tổng thống và đại tướng Tổng tham mưu trưởng và chỉ chịu ngừng khi hệ thống liên lạc bị pháo kích làm ngưng trệ hoàn toàn…

Để kết thúc bản phúc trình này, tôi xin xác nhận là chỉ huy các cấp tại Quân đoàn I, Quân khu I đã cố gắng đến hơi sức cuối cùng, nhưng vì có thể phạm phải một vài lỗi lầm chiến thuật, hoặc vì không thể hình dung được đúng mức vấn đề trọng đại trong khi phải vội vã thi hành nhiệm vụ hoặc vì không có may mắn khi thi hành nên đã phải gánh chịu những hậu quả buồn thảm…

Với tất cả sự thành thật tôi đúc kết bản phúc trình này và với tư cách tư lệnh Quân đoàn I, Quân khu I, tôi nhận lãnh tất cả trách nhiệm về những gì đã xảy ra trong phạm vi thẩm quyền".

Sài Gòn, nước Mỹ và phương Tây chấn động với tin Đà Nẵng sụp đổ. Bí thư báo chí Nhà Trắng ngày 30/3, một ngày sau khi Đà Nẵng thất thủ thông báo với các nhà báo rằng: "Tổng thống G. Pho coi Đà Nẵng thất thủ là một tấn thảm kịch lớn của nhân loại". Tại cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc ngày 2/4/1975, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Xơ-le-xinh-giơ miêu tả tình hình quân sự ở Nam Việt Nam là "nghiêm trọng và bi đát", các phòng tuyến bảo vệ Sài Gòn sẽ bị thử thách nghiêm trọng trong vài tuần nữa và tổn thất trang bị của quân Sài Gòn ở Quân đoàn I và vùng I có thể lên tới 1 tỷ đô la Mỹ. "Các quan chức của chính phủ Hoa Kỳ ở tất cả các cấp bậc đã kinh hoàng trước sự thất thủ của Đà Nẵng, sự tan rã đột ngột của tình hình tại Nam Việt Nam" (BBC sáng 2/4/1975). 

Ngày 31/3, trong xã luận với nhan đề "Nỗi thống khổ của một dân tộc", báo Le Monde viết: "...Gần một triệu sinh linh bị ném lên các nẻo đường của Nam Việt Nam, người ta xông lên các máy bay vận tải để chiếm chỗ, liều mạng bám vào những thành xe ca-mi-ong đã chất đầy người, đám đông xô đẩy dẫm đạp nhau tại các cầu tàu… Quang cảnh đó làm thức dậy tấn thảm kịch của lương tri thế giới tưởng không bao giờ có thể nguôi đi nổi… Bộ máy chính quyền Sài Gòn sụp đổ từng mảnh lớn khi mà các viên chức từ bỏ nhiệm sở, khi mà quân đội đại bại hoảng loạn chạy qua các thành phố, làng mạc với binh lính thất thần, nhếch nhác chỉ còn mong sao cứu được mạng sống của chính mình… Sự lúc nhúc hốc hác của dân tị nạn và lính đào ngũ cùng sự tan rã của Nam Việt Nam (chính quyền Sài Gòn) sẽ còn mãi như một trong những cảnh thương tâm nhất của thế kỷ. Nó biến thành trò cười trước lịch sử…”.

Xã luận báo Daily Mail ngày 1/4 thì đưa ra lời cảnh báo: “Sau khi Đà Nẵng thất thủ, Sài Gòn bị đe doạ trực tiếp. Sắp đến lúc Hoa Kỳ phải nhận một trong những cái tát nảy lửa nhất của lịch sử nước Mỹ. Đâu đâu các nước bạn của Hoa Kỳ cũng phát sợ và những nước kẻ thù của Hoa Kỳ thì châm biếm Hoa Kỳ là con hổ giấy. Sự đảo lộn ghê gớm ấy chỉ cần có mấy tháng là đã xảy ra rồi. Sự sụp đổ của Đà Nẵng là một thảm hoạ của loài người. Nhưng đấy còn là một lời cảnh báo rằng, chúng ta ở Tây Âu phải tự lo lấy việc phòng thủ riêng của chúng ta"…

* Ghi chú: Đánh chiếm Bộ tổng tham mưu quân đội Sài Gòn ta thu được:

- Tập công điện của Nguyễn Văn Thiệu và Cao Văn Viên gửi Ngô Quang Trưởng và điện trả lời của Trưởng về quá trình tử thủ và thất thủ tại Huế, Đà Nẵng và toàn Quân đoàn I, Quân khu I.

-  Phúc trình của trung tướng Ngô Quang Trưởng, tư lệnh Quân đoàn I về việc rút Huế, rút Đà Nẵng.

- Phúc trình của chuẩn tướng Lâm Quang Thi, tư lệnh Bộ tư lệnh tiền phương Quân đoàn I ở Huế về việc rút Huế.

- Phúc trình của phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, tư lệnh hải quân vùng I duyên hải.

- Phúc trình của chuẩn tướng Nguyễn Đức Khánh, tư lệnh sư đoàn 1 không quân ở Đà Nẵng.

- Tài liệu lưu giữ tại Trung tâm Thông tin Tư liệu Thông tấn xã Việt Nam gồm: "Đọc báo Sài Gòn" các số 063, 064, 065, 070/ /TTX - tháng 3/1975, 071, 072/TTX - tháng 4/1975; "Tài liệu tham khảo đặc biệt" các số  070, 071, 072, 073, 074/TTX- tháng 3/1975, 075, 076, 077/TTX- tháng 4/1975.

Tập công điện chỉ huy tác chiến của Bộ tổng tham mưu quân đội Sài Gòn về toàn bộ quá trình tử thủ rồi thất thủ tại Huế, Đà Nẵng, những bản phúc trình của các tướng lĩnh chóp bu Quân đoàn I trên đây, cùng với lời khai sau này của đại tá Nguyễn Thành Tri, tư lệnh phó sư đoàn thuỷ quân lục chiến; đại tá Nguyễn Khoa Bảo, tham mưu trưởng sư đoàn 2 bộ binh; đại tá Vũ Trung Hương, trung đoàn trưởng trung đoàn 2, sư đoàn 2 bộ binh; tài liệu "Đọc báo Sài Gòn" và "Tài liệu tham khảo đặc biệt" lưu giữ tại Trung tâm Thông tin Tư liêu TTXVN; nội dung trả lời phỏng vấn của nhiều nhân vật chủ chốt của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu cả về dân sự và quân sự về quá trình sụp đổ do Viện nghiên cứu chiến lược  RAND (Hoa Kỳ) công bố cùng các tài liệu thu thập được trong qúa trình tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh  đã giúp tác giả xây dựng chương “Huế ngợp thở" và chương “Đà Nẵng điên loạn và sụp đổ" trong cuốn sách này -NV.

 

 

Trần Mai Hạnh