Vẫn lo tín dụng đen hoành hành

11:00 | 03/09/2013

708 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mặc dù đã được cảnh bảo rất nhiều nhưng thời gian gần đây, không chỉ ở các vùng nông thôn mà ngay cả ở các khu đô thị, thành phố lớn, vỡ nợ tín dụng đen vẫn xảy ra.

"Bóng" tín dụng đen có nguy cơ phình to.

Sau “bão” tín dụng đen nổ ra cuối năm 2012 tại một loạt các địa phương trong cả nước như Hà Nội, Gia Lai, Phú Thọ… thời gian gần đây, hết Lạng Sơn lại đến Hà Nội, những vụ vỡ nợ lên tới hàng trăm tỉ đồng tiếp tục nổ ra, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại nhiều địa phương. Một con số thống kê của Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) cho thấy, từ năm 2010 đến tháng 12/2012, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 4.500 vụ vỡ nợ tín dụng đen (trung bình mỗi năm cả nước xảy ra khoảng 1.500 vụ - PV).

Đây là một con số hết sức báo động nếu nhìn lại hậu quả mà những vụ vỡ nợ tín dụng đen mang lại. Mới đây nhất có thể kể tới vụ vỡ nỡ 600 tỉ đồng ở Lạng Sơn chẳng hạn. Vì tin tưởng vào cái “mác” quá đẹp của Nguyễn Văn Trung và Tạ Bích Liên, nhiều người không chỉ mang tất cả tài sản, của cải của mình giao cho 2 đối tượng này mà còn vay mượn, huy động của gia đình, bạn bè… Và hậu quả thì đã rõ, có người đã phải đối diện với nguy cơ mất trắng tới cả trăm tỉ đồng.

Mới đây, tại Hà Nội, một vụ việc tương tự cũng xảy ra và đối tượng chính là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của một trường dân lập. Cái mác đẹp này đã giúp cho bà Trương Thị Hải Yến “câu” được 286 tỉ đồng và 18 sổ đỏ…

Đó chỉ là một trong rất nhiều những vụ việc nổ ra được phản án trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian gần đây và nó cho thấy cái “họa” khôn lường của hiện tượng này. Dư luận đã được chứng kiến một loạt vụ vỡ nợ tín dụng đen là vậy, các cơ quan thông tấn, báo đài cũng không ít lần lên tiếng đề cập tới câu chuyện này và đưa nhiều lời cảnh báo, tuy nhiên, tín dụng đen lại vẫn đang âm thầm hoành hành. Và theo nhận định của Cơ quan Cảnh sát điều tra, hiện tượng này đang có nhiều biến tướng hết sức phức tạp, là mối họa gây bất ổn tại nhiều vùng quê.

Không chỉ người dân mà cả các ngân hàng cũng có thể là "miếng mồi" cho tín dụng đen (Ảnh minh họa)

Vì sao lại có hiện tượng này?

Tín dụng đen có thể hiểu nôm na là hình thức cho vay với lãi suất cao, thời gian cho vay ngắn và là “tiền tươi thóc thật”. Và có lẽ bởi cách vận hành rất đơn giản này, tín dụng đen lại đang nhận được sự quan tâm của không chỉ người cho vay mà cả những đối tượng muốn được vay và đang đi vay.

Có một thực tế là thị trường tín dụng đen giờ không chỉ là nơi các hộ gia đình kinh doanh cá thể mà cả nhiều công ty, doanh nghiệp cũng đang có gắng tìm cách hướng đến để xoay sở vốn duy trì sản xuất.

Trong những bài viết trước, PetroTimes đã nhiều lần đề cập tới vấn đề lưu thông vốn trong nền kinh tế, đặc biệt là hiện tượng ngân hàng thì thừa tiền còn doanh nghiệp thì đói vốn. Và để duy trì hoạt động, không ít doanh nghiệp, bên cạnh các biện pháp như phát hành cổ phiếu, huy động vốn của cán bộ, công nhân viên ngay trong công ty, để giải quyết nhu cầu trước mắt, họ sẵn sàng tìm đến tín dụng đen.

Theo chia sẻ của T – một trong những nhân vật có số, có má trong giới cho vay nặng lãi ở khu vực Trúc Bạch, Hà Nội – thì thời gian gần đây, bên cạnh các hộ gia đình kinh doanh cá thể, anh cũng nhận được không ít lời đề nghị cho vay từ phía các công ty, doanh nghiệp. Họ sẵn sàng trả cho chúng tôi có khi lên tới 3.000 - 5.000 đồng/triệu/ngày cho nhiều khoản vay “nóng” trong ngày hoặc 1 đến 2 ngày.

Tìm hiểu về hiện tượng tại một số doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Hà Nội, chúng tôi cũng được biết, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, doanh thu sụt giảm, nhiều công ty tuy đã “tinh giảm biên chế” xong vẫn phải duy trì một bộ máy đủ dùng nên chi phí tiền lương hàng tháng cũng mất tới vài chục triệu đồng/tháng. Con số này nếu vào thời kỳ làm ăn kinh doanh tốt có thể chẳng là gì nhưng vào thời kỳ “thóc cao gạo kém” như hiện nay, nó lại là cả một câu chuyện, làm đau đầu nhức óc nhiều chủ doanh nghiệp.

“Nhiều doanh nghiệp giờ “ăn đong từng bữa”, sống lay sống lắt nhưng vẫn phải cố duy trì hoạt động bởi phần vì đã chót đầu tư vào dự án nọ, dự án kia rồi nên chẳng thể “dứt áo ra đi được” – Giám đốc một công ty xây dựng đề cập.

Ở một góc độ khác, trong lúc các kênh đầu tư khác của thị trường như bất động sản, tài chính – ngân hàng, chứng khoán… đều đang gặp khó, còn lãi suất tiết kiệm, gửi ngân hàng được điều chỉnh xuống thấp khiến không ít nhà đầu tư “siêu lòng” trước tín dụng đen, đặc biệt tại các khu vực nông thôn, nơi thói quen cũng như kiến thức đầu tư của người dân còn rất hạn chế.

Nói vậy để thấy rằng, tín dụng đen dù đã được cảnh báo nhưng vì nhiều nguyên nhân, khách quan có, chủ quan cũng có mà nó vẫn có đất sống, thậm chí còn phát triển lên một mức độ mới hơn, cao hơn và đang len lỏi cả vào hệ thống tài chính – ngân hàng. Vụ Huỳnh Thị Huyền Như – quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ (Ngân hàng Công thương, chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh) là một ví dụ điển hình. Và theo nhận định của Cơ quan Cảnh sát điều tra thì bản chất của vụ án là một vụ vỡ nợ tín dụng đen và đối tượng hướng tới của Như cũng không chỉ đơn thuần là các hộ gia đình cá nhân, các doanh nghiệp mà có cả ngân hàng.

Thanh Ngọc