Nên dẹp bỏ SEA GAMES! 16

12:00 | 08/12/2013

16,809 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trải qua 27 lần tổ chức, Đại hội Thể thao các nước Đông Nam Á (SEA Games) đã thể hiện đây là sân chơi mang tính chất "ao làng cấp khu vực". Trình độ thể thao các nước Đông Nam Á không nhích lên được so với các nước khác trên thế giới – đấy là chưa nói đến chủ nghĩa hám thành tích đã che mờ tinh thần thể thao cao thượng. Vậy, Việt Nam chúng ta có nhất thiết phải tốn bao nhiêu tiền của để tham dự Sea Games nữa hay không?

SEA Games – Sau 50 năm đại hội thể thao trở thành... hội làng

 

 

Ngày 22/5/1958, các nước Đông Nam Á tham dự Đại hội thể thao châu Á (Asiad) lần thứ III ở Tokyo, Nhật Bản, Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Thái Lan đã đề xuất và được các nước Đông Nam Á nhất trí thành lập một tổ chức thể thao của Đông Nam Á với tên gọi ban đầu là Liên đoàn Thể thao Bán đảo Đông Nam Á (The South East Asian Peninsular Games Federation hay SEAP Games Federation).

Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á tổ chức đại hội thể thao khu vực nhằm mục đích tăng cường tình hữu nghị, tình đoàn kết và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước trong khu vực ASEAN; nâng cao không ngừng thành tích, kỹ thuật, chiến thuật các môn thể thao cho vận động viên để có cơ sở tham gia Đại hội thể thao châu Á và Olympic.

Ủy ban Liên đoàn SEAP Games được thành lập vào tháng 6/1959 tại Bangkok, Thái Lan. Các nước sáng lập đã thông qua điều lệ của Liên đoàn và bầu ra Ban chấp hành. Ông Parahát Saruxatiara, Chủ tịch Uỷ ban Olympic Thái Lan, được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á đầu tiên.

SEAP Games đầu tiên được tổ chức tại Thái Lan vào cuối năm 1959. Sau này, giải đấu này kết nạp đủ các thành viên và đổi tên thành SEA Games.

SEA Games được tổ chức 2 năm một lần, vào các năm lẻ xen kẽ giữa các kỳ Asiad. Toàn bộ lợi nhuận và tài chính thu được từ việc đăng cai tổ chức thuộc về nước chủ nhà....

Mục đích đề ra của SEA Games là khá tốt đẹp nhưng trong quá trình tồn tại hơn nửa thế kỷ, Đại hội thể thao này đã gần như không đạt được tiêu chí ban đầu của nó.

Đầu tiên là chuyện tổ chức giải thi đấu thể thao thành tích cao kiểu “xóm làng”. Cứ nước nào là chủ nhà, nước đó sẽ được quyền đưa các môn “tủ” vào thi đấu và đương nhiên là giành thứ hạng cao trên bảng tổng sắp.

Các môn thi đấu ở SEA Games chia thành 3 nhóm chính. Nhóm 1 là nhóm bắt buộc gồm các môn trong chương trình Olympic như điền kinh và bơi lội… và nhóm 2 là nhóm các môn thi đấu Asiad. Nhóm 3 là nhóm dành cho chủ nhà. Ở nhóm này, chỉ cần có 3 quốc gia đăng ký thi đấu với tối thiểu 3 vận động viên là có thể tiến hành. Ngược lại, các môn thế mạnh của các quốc gia khác thường bị cắt xén không thương tiếc.

Vậy nên, sân chơi SEA Games trở thành nơi cho người ta mặc cả, chia chác, xin xỏ, thỏa thuận huy chương. Mới đây, báo giới thể thao rộ lên phát biểu của ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam. Ông Giang cho biết, trong cuộc họp Hội đồng thể thao Đông Nam Á diễn ra ngày 4/9 vừa qua, chủ nhà Myanmar đòi được chia 7 huy chương vàng thì mới đồng ý đưa môn võ Vovinam của Việt Nam vào thi đấu SEA Games 27.

Nếu Thái Lan tổ chức thì sẽ “cài” vào Muay Thái, Philippines thì võ gậy, Malaysia là cầu mây, Indonesia thì là PencatSilat… mong ôm trọn bộ huy chương.

Việt Nam cũng không đứng ngoài phong trào a dua đó khi mang cả lặn chân vịt và đá cầu, Vovinam vào thi đấu…

Vậy nên trước các kỳ SEA Games, các đoàn thể thao trong khu vực lại phải họp ngày họp đêm để bàn bạc, phân bổ các môn thi đấu, chia huy chương. Từ kỳ vọng một giải đấu thể thao đỉnh cao trung thực, cao thượng, SEA Games trở thành “hội làng” không hơn không kém.

SEA Games chỉ là một sân chơi thể thao, không phải là cái gì đó ghê gớm không thể thay đổi. Mà khi sân chơi không còn thực hiện được sứ mệnh cao đẹp của nó, dẹp bỏ, thay thế là điều nên làm.

Dân hâm mộ thể thao còn nói vui: May mà trong lần đăng cai SEA Games 22, chúng ta còn chưa thèm mang các môn độc như “thọc gậy bánh xe” hay “gắp lửa bỏ tay người” vào chương trình thi đấu - nếu không thì đệ nhất thiên hạ!

 

(Còn tiếp)

H.C.T

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc