Phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật: Phải quy trách nhiệm cụ thể

07:00 | 02/11/2013

2,869 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH cho thấy, số vụ việc phạm tội đã chững lại, tuy nhiên tính chất nghiêm trọng của mỗi vụ việc có dấu hiệu gia tăng. Trước các vụ vi phạm, phải quy trách nhiệm cụ thể, đó là ý kiến của ĐBQH.

Năng lượng Mới số 270

Làm rõ tình trạng bảo kê, bao che

Không chỉ Báo cáo của Chính phủ, các báo cáo của cả Tòa án Nhân dân Tối cao lẫn Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đều đề cập đến tình trạng “bảo kê, bao che” cho tội phạm. Đây là vấn đề gây bức xúc nhất trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp và là phần được nhiều ĐBQH đề cập trong phiên thảo luận tổ chiều ngày 29-10.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, đã xuất hiện nhiều yếu tố tác động làm gia tăng các loại tội phạm. Cụ thể, số vụ án khởi tố mới tăng 1,23% so với năm 2012. Tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến theo chiều hướng phức tạp, tính chất nghiêm trọng hơn. Hoạt động của các băng, nhóm tội phạm dưới dạng bảo kê, siết nợ thuê, cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản, tổ chức các hoạt động cờ bạc, cá độ bóng đá, tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn và các khu vực, địa bàn giáp ranh ở một số địa phương. Xảy ra nhiều vụ giết người với hành vi dã man, gây bức xúc trong dư luận. Tội phạm đánh bạc tăng 16,66% về số vụ, diễn biến phức tạp, nhất là các sới bạc hoạt động chuyên nghiệp, quy mô lớn gắn với hoạt động cho vay nặng lãi, cầm cố tài sản với lãi xuất cao, xảy ra ở nhiều địa phương. Các tội xâm phạm trật tự, quản ký kinh tế tăng 5,19% về số vụ, 7,53% về số bị can so với năm 2012, nổi lên trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Tội phạm về tham nhũng đã phát hiện, khởi tố, điều tra tăng 12,9% về số vụ; 15,56% về số bị can.

10 tháng đầu năm, tội phạm đánh bạc tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm trước

Tội tham ô, môi giới hối lộ và nhận hối lộ được phát hiện ở nhiều lĩnh vực tập trung trong quản lý tài sản công, đầu tư công, quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản và cả trong lĩnh vực y tế. Vi phạm pháp luật về môi trường nổi lên là các hoạt động xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường của các cơ sở sản xuất, làng nghề; nhiều khu, cụm công nghiệp chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm xuất hiện ở nhiều nơi… đã quá rõ ràng, vấn đề là chúng ta chờ đến bao giờ và khi nào mới chịu xử lý mà thôi?

Trả lời báo giới bên hành lang Quốc hội, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận, khi nước ta gia nhập nền kinh tế thị trường, vấn đề tội phạm cũng trên phức tạp, đặc biệt là tội phạm băng nhóm, có tính chất xã hội đen, tội phạm ma túy, tội phạm ở tuổi vị thành niên... “Trên tinh thần xử lý nghiêm, chúng ta kiên quyết, liên tục, chống bảo kê, bao che tội phạm ở mọi cấp, ngành. Thực hiện nghiêm túc chỉ thị 48 của Bộ Chính trị, nơi nào tội phạm hoành hành thì ở đó cấp ủy, chính quyền địa phương, trước hết ngành công an phải chịu trách nhiệm trước Đảng, nhân dân và chính quyền”, Phó thủ tướng đặt vấn đề.

Phó thủ tướng cũng khẳng định, các địa phương cần nhân rộng mô hình tốt, mở nhiều đợt tấn công tội phạm trên nhiều giác độ khác nhau; quyết liệt, đồng bộ hơn nữa trong công tác phòng chống tội phạm để người dân yên tâm cùng xây dựng xã hội an toàn... Đây cũng là xu hướng quan trọng mà Đảng, Nhà nước đang chỉ đạo hiện nay đối với công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Phó mặc cho lực lượng công an?

Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống tội phạm - Bộ Công an cho rằng, phòng chống tội phạm là công việc lâu dài. Khi đất nước hội nhập quốc tế sâu, rộng và nhanh, đã làm nẩy sinh nhiều loại tội phạm, tội danh mới. Việc chậm chạp bổ sung tội danh vào Bộ Luật hình sự cũng là nguyên nhân khiến các ngành tư pháp gặp lúng túng trong xử lý trách nhiệm công dân.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, dường như nhiều lãnh đạo địa phương chưa ý thức được vị trí của phòng, chống tội phạm trong công tác điều hành. “Dường như họ bỏ mặc tội phạm cho ngành công an. Lãnh đạo địa phương chỉ nghĩ đến tăng trưởng “nóng”, nguồn vốn, dự án, ngân sách, đầu tư nước ngoài, thu thuế, thành tích… và quên rằng có ổn định xã hội mới mong địa phương cất cánh”. Một lần nữa Trung tướng Đỗ Kim Tuyến khẳng định, nếu chỉ có những chương trình quốc gia của Chính phủ mà không nhận được sự đồng tình, giúp đỡ của nhân dân thì mọi việc cũng không thể có kết quả như mong muốn. Nhóm giải pháp đồng bộ, toàn diện đã bước đầu thay đổi suy nghĩ của nhân dân đối với công tác phòng chống tội phạm.

Đứng ở vị trí cơ quan dân cử, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chỉ ra quản lý Nhà nước đang tồn tại rất nhiều vấn đề, người vi phạm thì bị xử lý nhưng trách nhiệm người quản lý lại xem xét không rõ và đây cũng chính là kẽ hở để tội phạm lộng hành. “Trong các đại án tham nhũng, kinh tế lớn gây bức xúc thời gian qua, nếu không có sự thông đồng, móc ngoặc giữa cơ quan quản lý thì làm sao có chuyện con tàu giá 100 triệu bị đội lên 130 tỉ, gấp 1.300 lần, làm gì có chuyện ụ nổi có 2,3 triệu USD bị thổi giá tới 9 triệu USD”, ông Lưu nói.

Trong khi đó, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền và Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an TP Hà Nội cùng bày tỏ quan điểm về hiện tượng cán bộ công chức Nhà nước vi phạm pháp luật. Theo các ĐBQH, chính thái độ “lơ” pháp luật của những đối tượng này đã góp phần không nhỏ vào tình trạng “nhờn thuốc”. “Trong báo cáo của mình, Chính phủ đã quên mất việc thống kê trong năm qua, có bao nhiêu lượt cán bộ công chức Nhà nước vi phạm pháp luật. Trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị khi để xảy ra tình trạng cán bộ dưới quyền mình vi phạm pháp luật, vi phạm hành chính”, Phó chủ nhiệm Quyền nói.

“Muốn hiệu quả đấu tranh của các cơ quan chuyên trách trong cũng như ngoài khối tư pháp được nâng cao, hệ thống chính trị của chúng ta phải trong sạch hóa những người đứng trong hàng ngũ của mình. Không thể để tình trạng chính cán bộ Nhà nước lại vi phạm pháp luật được.” Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, khó khăn trong nỗ lực trở lại với cuộc sống cộng đồng khiến các đối tượng phạm tội “mất” đất sống và đành phải tái phạm. “Giải quyết vấn đề sâu xa, nguyên nhân cơ bản - đó là kinh tế xã hội. Đó còn là suy thoái đạo đức lối sống xã hội. Khi mâu thuẫn trong xã hội được giải quyết xung đột thì tức là đạo đức, lối sống cần phải chỉnh đốn lại!”.

Giám đốc Công an TP Hà Nội còn dẫn chứng, hiện cả nước có trên 500 nghìn người có tiền án, tiền sự mỗi năm. Cứ 3-5 năm, số tội phạm mới lại tăng thêm 40%, trong đó 34-37% tội phạm được trẻ hóa. Như vậy, 10 năm nữa sẽ có 1 triệu người có t tiền án, tiền sự. Thiếu tướng Chung cho biết, những người phạm tội rất khó xin việc, ngay cả trong cơ sở sản xuất tư nhân, buôn bán nhỏ tại địa phương. “Để phòng chông cái gốc của tội phạm, chúng ta phải có cái nhìn khác, bao dung hơn với người từng phạm tội. 1 triệu người này bị đẩy sang 1 bên, như vậy là không thể hợp lý với một xã hội công bằng - văn mình?”.

Riêng với công tác phòng, chống tham nhũng, các ĐBQH đề cập khá dè dặt, phần vì nói nhiều nhưng chưa chuyển biến, phần vì cho rằng Đảng và Nhà nước quan tâm, nhưng còn chờ chuyển động thực chất.

Lê Tùng