Sai phạm trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, ngân hàng... gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 21/11, Quốc hội thảo luận về các báo cáo công tác của TANDTC, Viện KSNDTC; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.
Tình hình tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu còn diễn biến rất phức tạp
Tại Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, đối với công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, Chính phủ triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp nhằm kiềm chế sự gia tăng của tội phạm về trật tự xã hội; tổ chức tấn công, trấn áp quyết liệt các loại tội phạm; tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm đạt 81,61%; trong đó án rất nghiêm trọng đạt 93,2%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,62%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Tuy nhiên, số vụ phạm tội về trật tự xã hội tăng 18%, trong đó nhiều loại tội phạm tăng cao và có xu hướng phức tạp trở lại.
Về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Chính phủ tiếp tục rà soát, khắc phục sơ hở, thiếu sót để phòng ngừa tội phạm; chủ động nhận diện, phát hiện phương thức, thủ đoạn phạm tội mới. Phát hiện, điều tra xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt. Tuy nhiên, tình hình tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu còn diễn biến rất phức tạp; số vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế được phát hiện nhiều hơn 11,69%, số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ được phát hiện nhiều hơn 51,63%.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cũng cho biết tình hình tội phạm tiếp tục diễn biến phức tạp và tăng so với năm 2022, xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, như: đối tượng thành lập các doanh nghiệp lấy danh nghĩa công ty kinh doanh dịch vụ tài chính, công ty luật, công ty mua bán nợ để thực hiện hành vi đòi nợ trái pháp luật; một số vụ án về kinh tế, tham nhũng, chức vụ với tính chất nghiêm trọng, phức tạp, có tổ chức gây hậu quả đặc biệt lớn đã được phát hiện và khởi tố tại các tỉnh, thành phố trên cả nước...
"Tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm đạt 81,61%; trong đó án rất nghiêm trọng đạt 93,2%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 96,62%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Tuy nhiên, số vụ phạm tội về trật tự xã hội tăng 18%, trong đó nhiều loại tội phạm tăng cao và có xu hướng phức tạp trở lại" - Bộ trưởng Tô Lâm cho biết. |
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhận định, dự báo trong thời gian tới tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm trên không gian mạng, tội phạm phi truyền thống; các tranh chấp dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại kể cả có yếu tố nước ngoài ngày càng phức tạp, đa dạng. Trong khi đó, một số quy định của pháp luật trong các lĩnh vực này còn chưa hoàn thiện, còn một số bất cập.
Báo cáo thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, năm 2023, lực lượng Công an đã triển khai nhiều biện pháp để phát hiện, xử lý nhanh chóng những điểm nóng; kịp thời truy bắt các đối tượng khủng bố, chống chính quyền nhân dân; xử lý nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp;
Báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về công tác của các tòa án, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu rõ, năm 2023, mặc dù số lượng vụ án đã được thụ lý tăng so với năm 2022, các Tòa án đã phối hợp với Viện kiểm sát đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án, đặc biệt là các vụ án lớn, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Các Tòa án đã xét xử, giải quyết đạt 98%, vượt 10% so với yêu cầu của Quốc hội. Tuy nhiên, còn một số trường hợp áp dụng hình phạt chưa tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; một số trường hợp vi phạm thời hạn gửi bản án, quyết định cho Viện Kiểm sát.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Ảnh: quochoi.vn |
Báo cáo trước Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, trong năm 2023, Công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả hơn, để lại dấu ấn tốt, củng cố thêm niềm tin của Nhân dân, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2023.
Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động ngân hàng, đăng kiểm, y tế... gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; có sự câu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hoá với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Bên cạnh đó, quy định của pháp luật trên một số lĩnh vực còn sơ hở, bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung, nhất là lĩnh vực đất đai, đấu giá, đấu thầu, định giá, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ vẫn chưa nhiều chuyển biến, có ít vụ việc được phát hiện qua tự kiểm tra; vẫn xảy ra các vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan có chức năng PCTN, tiêu cực, gây dư luận không tốt; công tác giám định, định giá tài sản, cung cấp thông tin, tài liệu trong một số vụ án, vụ việc còn chậm, chất lượng còn hạn chế; thu hồi tài sản mặc dù tăng cao so với giai đoạn trước nhưng giá trị tài sản phải thu hồi còn tồn đọng lớn.
Đại biểu nêu nguyên nhân và giải pháp ngăn ngừa tội phạm gia tăng
Phát biểu ở phiên thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí với các báo cáo trình bày, đánh giá cao việc Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục, chủ động nắm bắt, phân tích, dự báo tình hình, triển khai nhiều phương án, kế hoạch phòng, ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật. Tuy nhiên các đại biểu cũng chỉ ra nhiều thực trạng, phân tích nguyên nhân cũng như đề ra các giải pháp để phòng chống tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật.
Đại biểu Hoàng Quốc Khánh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu cho rằng, số vụ án được phát hiện tăng so với cùng kỳ, nhất là các loại tội phạm ẩn, phải áp dụng các biện pháp nghiệp vụ như tội phạm tham nhũng chức vụ, nhận hối lộ, tội phạm về ma túy. Đặc điểm các loại tội phạm này là càng đẩy mạnh công tác đấu tranh thì số vụ án phát hiện càng tăng, qua đó góp phần kiềm chế các loại tội phạm.
Đại biểu Hoàng Quốc Khánh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu |
Tuy nhiên, bức tranh chung về tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2023 tăng cả về số vụ, số người chết và thiệt hại tài sản, trong đó, một số loại tội phạm tăng mạnh như giết người, cướp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cho vay nặng lãi… Các loại tội phạm này không chỉ gây bất an trong nhân dân, mà còn thể hiện những hạn chế nhất định trong công tác phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật.
Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, đại biểu cho biết, sau đại dịch Covid-19, đời sống còn nhiều khó khăn khiến thu nhập của một số bộ phận nhân dân giảm sút. Tuy nhiên, còn một số nguyên nhân khác như: đánh giá dự báo tình hình chưa tốt, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức, thực hiện hiệu quả còn thấp. Đặc biệt, khâu cảnh báo phương thức, thủ đoạn phạm tội cho người dân còn hạn chế. Đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ nguyên nhân làm gia tăng tội phạm để từ đó có phương pháp phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị cần có biện pháp hiệu quả để phòng ngừa tình trạng lừa đảo, giả mạo cơ quan chức năng, các tổ chức tín dụng, các cơ quan nhà nước để chiếm đoạt tiền của người dân, đặc biệt ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số. Tình hình sử dụng mạng xã hội và các phương tiện công nghệ để thực hiện lừa đảo cũng đang ngày một gia tăng. Đại biểu đề nghị cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện tốt công tác dự báo tính hình, đổi mới phương thức cảnh báo hành vi, thủ đoạn các loại tội phạm để người dân biết và chủ động hơn trong việc đấu tranh với tội phạm.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Đình Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum nhận thấy, tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp, tội phạm trên không gian mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao gia tăng với nhiều phương thưc tinh vi, nguy hiểm. Nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, sự sâu sát của lực lượng Công an, ngành kiểm sát và tòa án, nhiều chỉ tiêu quy định tại Nghị quyết 96 của Quốc hội đã được thực hiện đạt và vượt, đặc biệt việc đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, kịp thời xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng kinh tế lớn đã củng cố thêm niềm tin của cử tri và nhân dân về kết quả thực thi pháp luật.
Trước diễn biến tình hình tội phạm có xu hướng gia tăng, phức tạp hiện nay, đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị cần tập trung thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn hành vi phạm tội của các đối tượng. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các cấp chính quyền phải thực sự vào cuộc cùng với cơ quan bảo vệ pháp luật tổ chức thực hiện hiệu quả, đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp đấu tranh, phòng ngừa và xử lý tội phạm.
Trong phòng ngừa tội phạm, cần chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật, quyết liệt phổ biến để người dân hiểu phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm mới, tội phạm sử dụng công nghệ cao, phải làm cho người dân hiểu, cảnh giác, tự bảo vệ mình và tích cực đấu tranh tố giác hành vi vi phạm tội phạm.
Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Đình Thanh đề nghị cần tập trung rà soát, xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng, mâu thuẫn, khiếu kiện kéo dài, nhất là các vụ việc tranh chấp đất đai, khiếu kiện, thắc mắc về vấn đề giải tỏa đền bù, tái định canh, tái định cư khi thực hiện các dự án, không để phát sinh vụ việc phức tạp.
Đồng thời kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật phục vụ công tác phòng, chống và xử lý tội phạm theo hướng sát với yêu cầu thực tế, tạo điều kiện thuận lợi hơn để lực lượng chuyên trách của các cơ quan bảo vệ pháp luật tập trung tấn công, xử lý tội phạm đạt hiệu quả cao. Khắc phục cho được tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm.
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận nêu rõ, trong Báo cáo của Chính phủ cũng đã nêu khá là rõ về những tồn tại và khó khăn. Tuy nhiên, qua tiếp xúc cử tri và tổng hợp ý kiến của cử tri và nhân dân cho thấy, cử tri còn băn khoăn, lo lắng và trăn trở về thực trạng tham nhũng, tiêu cực, vẫn còn tham nhũng vặt, nhũng nhiễu đối với các doanh nghiệp và người dân, thậm chí tham nhũng, tiêu cực xảy ra ngay ở một số người làm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và trong một số cơ quan thanh tra, kiểm tra và điều tra xét xử.
Để thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong năm 2024 và những năm tiếp theo, đại biểu đề xuất bổ sung thêm một số giải pháp. Cụ thể là phát huy vai trò của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong công tác phòng, chống tham nhũng.
"Thực tiễn đã chỉ ra rằng, ở đâu người đứng đầu có trách nhiệm cao, gương mẫu, sâu sát trong công tác quản lý, cương quyết với những sai phạm thì ở đó công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện tốt hơn và ngược lại. Bởi vậy, phát huy vai trò của người đứng đầu đối với nhiệm vụ này là vấn đề cấp bách hiện nay" - đại biểu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo Đại biểu cần có cơ chế, chế tài bảo đảm cho việc giám sát, phản biện xã hội có hiệu lực trên thực tế và tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan chức năng. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chế độ tiền lương hợp lý, nâng cao mức sống của người lao động. Đặc biệt, trong quá trình xử lý những người vi phạm, cần có sự phân loại đối tượng như: đối tượng chủ mưu, cầm đầu thì cần phải có biện pháp xử lý nghiêm minh; còn đối với những người mà vi phạm do thực hiện theo sự chỉ đạo của người đứng đầu, của cấp trên thì cần phải được xem xét, có chính sách khoan hồng…
Hải Minh
-
Cần chính sách rõ ràng cho năng lượng gió ngoài khơi
-
Cấp bách hoàn thiện hệ thống pháp luật ngành điện
-
Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Điện lực (sửa đổi)
-
Cần sửa đổi, hoàn thiện Luật số 69 để doanh nghiệp Nhà nước hoạt động hiệu quả hơn
-
Nguồn lực cho chiến lược tăng trưởng xanh chưa rõ ràng
-
Cần chính sách rõ ràng cho năng lượng gió ngoài khơi
-
Cấp bách hoàn thiện hệ thống pháp luật ngành điện
-
Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Điện lực (sửa đổi)
-
Cần sửa đổi, hoàn thiện Luật số 69 để doanh nghiệp Nhà nước hoạt động hiệu quả hơn
-
Đột phá mở đường, huy động những nguồn lực mới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc