Giám đốc Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam Trần Thị Kim Liên:

Muốn nâng cao chất lượng giáo dục, phải biết hi sinh lợi ích kinh tế

07:00 | 01/04/2013

920 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Sau 5 năm, chương trình “Học kỳ trong quân đội” (HKTQĐ) do Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam (TTTTNMN) khởi xướng và tổ chức đã trở nên quen thuộc với học sinh các lứa tuổi khắp cả nước nhờ hình thức sinh động, hấp dẫn. Phóng viên Petrotimes đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Kim Liên, Giám đốc TTTTNMN về chương trình giáo dục này.

PV: Năm nay, ngoài HKTQĐ, trung tâm còn có chương trình hoạt động gì nổi bật nữa không, thưa bà?

Bà Trần Thị Kim Liên: Là đơn vị trực thuộc Trung ương Đoàn, trung tâm chúng tôi cũng hoạt động trên cơ sở định hướng chung của Ban Bí thư. Năm nay có diễn đàn định hướng cho đoàn viên thanh niên toàn hệ thống nhiều vấn đề liên quan đến văn hóa ứng xử nơi công sở, trang phục cho đến trang trí phòng làm việc.

Về các chương trình kỹ năng sống, kỹ năng xã hội, trung tâm vẫn tiếp tục nghiên cứu khảo sát xây dựng một số mô hình chất lượng cao hơn, hiệu quả hơn. Sau HKTQĐ, một loạt chương trình như: “Một ngày để sống”, “Học làm người có ích”, “Một ngày làm nông dân”… đều hướng tới mục tiêu góp phần rèn luyện cho các em biết sống để yêu thương, biết chia sẻ, tiết kiệm, sống mạnh mẽ, có trách nhiệm, có niềm tin, có nghị lực và biết ước mơ…

PV: Khi không còn thu hút bởi tính mới lạ của những ngày đầu, HKTQĐ được phát triển theo hướng nào để chất lượng hơn mà vẫn thu hút học viên?

Bà Trần Thị Kim Liên: Hiện nay trung tâm vẫn đang tiếp tục chương trình HKTQĐ với nội dung và phương pháp tổ chức mới giống như HKTQĐ nâng cao, chương trình thiếu nhi lớp Lê Văn Tám, Kim Đồng, Nguyễn Bá Ngọc, Trần Quốc Toản... Bên cạnh đó cũng xây dựng nhiều chủ đề mới như: “Ở nhà một mình”, “3h khác biệt”, “Mùa hè đỏ lửa” là những chương trình năm nay mới triển khai, theo format được nghiên cứu từ thực tế để phù hợp tâm lý của các em.

Ngoài ra, chọn các địa điểm mới, chưa từng thực hiện cũng là cách để tạo sức hấp dẫn cho HKTQĐ. Hình thức thực hiện cũng luôn luôn thay đổi, mỗi năm một kịch bản không năm nào giống năm nào để đem đến cảm giác mới lạ cho học sinh.

Bà Trần Thị Kim Liên

PV: Làm sao để phụ huynh tin tưởng trung tâm mà đem con giao cho trung tâm trong cả chục ngày liền thưa bà?

Bà Trần Thị Kim Liên: Đúng. Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng. May mắn là trung tâm có lực lượng phụ trách đông nên vẫn có thể đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các khóa học. 5 năm qua chưa bao giờ để lại hậu quả rủi ro tai nạn hay mất an toàn.

Ngay cả trong sinh hoạt hằng ngày cũng không để các em bị sứt tay sứt chân. 28 em tham gia “Một ngày để sống” mà có tới 15 phụ trách đi cùng. Vì để đảm bảo an toàn tuyệt đối cũng như chất lượng thực sự, 2 năm gần đây trung tâm không còn nhận quá đông học sinh như trước nữa. Mỗi khóa HKTQĐ chỉ tối đa 100 em trở lại. Đồng thời, tăng thêm chi phí cho các điều phối viên của chương trình, để họ có trách nhiệm và tâm huyết hơn với công việc này.

PV: Với học phí khởi đầu đã xấp xỉ 4 triệu đồng/khóa. Đó là số tiền không nhỏ. Liệu có ngại rằng, HKTQĐ dần sẽ trở thành chương trình giáo dục dành cho con nhà giàu?

Bà Trần Thị Kim Liên: HKTQĐ mở rộng cửa với tất cả những ai có nhu cầu gửi con theo học. Để tạo điều kiện cho các gia đình khó khăn, trung tâm luôn có chính sách hỗ trợ đặc biệt, cũng như tổ chức những chương trình riêng cho các đối tượng đặc thù. Ví dụ gia đình khó khăn chỉ cần xin giấy chứng nhận của phường, xã mang đến là sẽ được miễn giảm học phí. Hay gia đình có nhiều học sinh tham gia cũng sẽ được hưởng chính sách này. Học sinh cũ quay lại trường giảm 15%. Năm ngoái, riêng tiền miễn giảm học phí ở trung tâm đã lên tới con số 500 triệu đồng…

PV: Thế thì có thể lỗ to…?

Bà Trần Thị Kim Liên: Tôi có quan điểm không thương mại hóa giáo dục. Kinh doanh cũng tốt, nhưng không đúng định hướng của Trung ương Đoàn. Bởi vậy trung tâm vẫn miễn phí toàn bộ cho những gia đình cần hỗ trợ. Cho con đi học kỹ năng sống, phụ huynh không bị áp lực về học phí, đảm bảo chăm lo chu đáo từng bữa ăn giấc ngủ để phụ huynh yên tâm giao con cho mình. Trung tâm thu lại bằng cách khai thác mặt bằng, cơ sở vật chất và dịch vụ. Chúng tôi xác định tinh thần làm giáo dục là không được tính đến chuyện lãi lỗ. Nhất là các chương trình liên quan đến kỹ năng sống. Muốn nâng cao chất lượng thì phải hy sinh.

Các phụ huynh rất yên về độ an toàn đối với con em mình khi tham gia học kỳ trong quân đội

PV: Qua HKTQĐ nói riêng, các chương trình khác của trung tâm nói chung, chị và các cộng sự muốn tạo lập một nền tảng giáo dục như thế nào cho học sinh?

Bà Trần Thị Kim Liên: Góp phần tạo nên một lớp trẻ có đạo đức lối sống có cách nhìn nhận về con người mới, con người hiện đại vừa giỏi kỹ năng vừa phải có đạo đức. Rất nhiều phụ huynh chia sẻ rằng, cuộc sống hiện đại có nhiều tác động xấu, ảnh hưởng của xã hội vào con người rất nhanh và lớn, họ chỉ mong con không bị sa ngã, không bị hư hỏng, thậm chí không thờ ơ với gia đình.

Bây giờ, nỗi lo của phụ huynh không chỉ có nghĩa là hạnh kiểm kém, học kém, hay đến mức phạm tội, mà còn có nỗi lo con thờ ơ với gia đình, không quan tâm đến bố mẹ, sống lạnh lùng vô cảm. Đây là mối lo rất thực tế. Không chỉ người nghèo khổ mà người giàu bây giờ cũng rất khổ. Người Việt Nam mình cần con cái, sợ cô đơn. Nên trong tất cả các chương trình của trung tâm đều có nội dung quan trọng là giáo dục tình cảm gia đình. Bởi thế, nhiều em đi về mới hiểu và biết quan tâm đến bố mẹ anh chị em trong nhà.

PV: Xin hỏi bà câu cuối cùng, làm sao để không áp đặt tư duy của bà lên lớp trẻ thời nay?

Bà Trần Thị Kim Liên: Phải đặt mình vào vị trí độ tuổi hiện nay để hiểu các em. Nếu cách giáo dục mà rời xa thực tế xã hội thì sẽ không được các em chấp nhận. Thực tế xã hội cũng là một vấn đề quan trọng để định hướng các em theo kịp thời đại, trên cơ sở truyền thống của một quốc gia dân tộc. Tôi cho rằng, dù là thế hệ nào, tư duy theo lối nào thì người lớn vẫn luôn phải nêu gương cho lớp trẻ, không nói một đằng làm một nẻo.

Nếu dạy các em không gian dối mà mình gian dối thì các em sẽ không nghe. Giả sử có ai đó dạy con thất bại thì nguyên nhân là không hiểu con, nói con không nghe hoặc không làm gương. Tôi đã từng răn dạy một em nhỏ là ai nói dối khi chết đi sẽ bị ngâm vạc dầu. Bạn biết em đó trả lời thế nào không? “Con mà ngâm vạc dầu thì mẹ con phải ngâm 3 cái vạc dầu mới đúng, mẹ con nói dối hơn con nhiều”. Nghe mà rùng mình.

Tôi cho rằng, gia đình vẫn là số 1 rồi mới đến nhà trường và xã hội. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận thời nay dạy con khó hơn nhiều, vì thế bố mẹ cũng cần làm gương cho con, để con thấy gia đình là một điểm tựa tinh thần của mình. Tránh những trường hợp trẻ lãnh cảm tự kỷ, vào trung tâm ở rồi một mực không muốn về nhà nữa. Những trường hợp đó theo tôi là rất đáng tiếc.

PV: Xin cảm ơn bà!

Thành Lê (thực hiện)