Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực: Có thực quyền hay không?

09:06 | 09/07/2011

529 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ ngày 1/7, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (Luật BVQLNTD),  được kỳ vọng là "tấm lá chắn" bảo vệ người tiêu dùng (NTD) chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, liệu tấm lá chắn đó có thực sự bảo vệ được NTD hay không vẫn là câu hỏi đặt ra khi nhiều NTD vẫn chưa hiểu hết những quyền lợi của mình.

Khi chưa có luật, NTD bị xâm phạm dưới mọi hình thức

Hiện nay quyền lợi của NTD đang bị xâm phạm khá phổ biến và rộng rãi trên nhiều lĩnh vực. Nhiều trường hợp người dân mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nhưng đành cam chịu. Nếu tìm gặp doanh nghiệp bán hàng cũng không được xử lý một cách thỏa đáng và luôn chịu phần thiệt. Vì thế, NTD còn e ngại, chưa có thói quen khiếu kiện khi quyền lợi của mình bị xâm hại, “ngậm đắng nuốt cay” chịu đựng sự kém tôn trọng đó và luôn phải mua hàng trong tâm thế “may – rủi”.

Chị Trần Thu Hà (quận Hoàn Kiếm) cho biết, gia đình chị thường hay mua đồ tại thị trường bán lẻ, thỉnh thoảng đồ mua về mới dùng đã hỏng, có lần bị ngộ độc nhẹ vì thực phẩm kém chất lượng, dù bực mình nhưng nghĩ đến việc đi thắc mắc, kiện tụng quá phiền hà nên đều cam chịu bỏ qua.

Thạch rau câu - món ăn ưa thích của trẻ em - phát hiện có chứa chất tạo đục DEHP Ảnh: Như Ý

Bà Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương cho biết, việc vi phạm quyền lợi NTD ở Việt Nam đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ với nhiều hình thức khác nhau, từ thấp đến cao, từ đơn giản đến tinh vi. Thời sự nhất hiện nay là câu chuyện về các loại thực phẩm chứa chất DEHP gây rối loạn nội tiết… Tuy nhiên, NTD Việt Nam lại sẵn sàng bỏ qua, nếu có phản ánh thì rất ít.

Theo Hiệp hội Bảo vệ NTD, trung bình những năm gần đây, Hội đã phải tiếp nhận và giải quyết trên 1.000 khiếu nại các loại. Nhưng có tới 80% số vụ được giải quyết bằng phương pháp hòa giải. Như vậy, quyền lợi NTD có được bảo vệ thỏa đáng hay không vẫn phải chờ doanh nghiệp tự nguyện. Đó là lý do tại sao khi bị thiệt hại, NTD ngại đến các cơ quan chức năng để giải quyết.

Số liệu khảo sát xã hội học do Viện Khoa học Pháp lý thực hiện mới đây cho thấy, có đến 65% số người được hỏi khẳng định bị thiệt hại do hàng hóa dịch vụ không đảm bảo chất lượng. Thế nhưng, để khởi kiện, NTD phải chứng minh được lỗi của nhà sản xuất, chứng minh thiệt hại cũng như mối quan hệ nhân quả. Nhưng trong các vụ việc gần đây như gian lận xăng dầu, nước tương chứa 3MPCD, hay mới đây là các loại thạch có chứa chất tạo đục DEHP… việc bắt NTD phải chứng minh thiệt hại là một điều khó khăn, ngang với việc “bắc thang lên hỏi ông giời”. Tuy nhiên, từ tháng 7 này mọi chuyện sẽ khác, NTD sẽ được hưởng nhiều “quyền năng” hơn khi Luật BVQLNTD có hiệu lực sẽ trở thành một công cụ hữu hiệu cho NTD trong việc bảo vệ mình. Đây là một trong những luật được Quốc hội thông qua với tỉ lệ cao nhất, cho thấy vấn đề vi phạm quyền lợi NTD đang là vấn đề rất bức xúc.

Những điểm mới trong luật có thực sự trở thành quyền năng?

Theo quy định mới của Luật BVQLNTD, trước những vụ việc như như gian lận xăng dầu, nước tương chứa 3MPCD hay mới đây là các loại thạch có chứa chất tạo đục DEHP…, NTD sẽ được miễn nghĩa vụ chứng minh lỗi trong vụ án. Nghĩa vụ chứng minh không có lỗi sẽ thuộc về nhà sản xuất. Cùng với đó, còn có những điều khoản tạo thêm quyền lợi cho NTD như: Việc khởi kiện sẽ được giải quyết trong tòa án 1 cấp với thủ tục rút gọn. Cụ thể, trong 3 ngày, kể từ khi nhận được đơn khởi kiện, tòa án nhân dân cấp huyện có trách nhiệm thụ lý vụ án, trong vòng 10 ngày phải đưa ra xét xử công khai.

Luật cũng bổ sung một số quyền quan trọng khác cho NTD, trong đó có quyền được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Đây là vấn đề đang gây rất nhiều bức xúc cho NTD khi thông tin cá nhân bị rò rỉ, thậm chí bị người cung cấp hàng hóa, dịch vụ lợi dụng, “bán đứng” vì mục đích thương mại như thư rác quảng cáo qua e-mail; tin nhắn quảng cáo, tiếp thị qua điện thoại… Trong khi đó, người cung cấp hàng hóa, dịch vụ lại bị ràng buộc nhiều nghĩa vụ, điều kiện khắt khe hơn. Nổi bật là quy định về hợp đồng giao kết với NTD. Lần đầu tiên, luật thẳng tay bác bỏ, không thừa nhận những thỏa thuận bị cho là bất lợi đối với NTD. Ví dụ: Các thỏa thuận làm loại trừ trách nhiệm của bên cung cấp hàng hóa; hạn chế, triệt tiêu quyền khiếu kiện của NTD; cho phép bên cung cấp hàng hóa được đơn phương thay đổi điều kiện hợp đồng đã thỏa thuận trước… Những thỏa thuận như trên, theo quy định, sẽ bị vô hiệu khi có tranh chấp…

Bên cung cấp hàng hóa, dịch vụ còn bị cấm thực hiện một số hành vi, trong đó đáng chú ý là hành vi quấy rối NTD; lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của NTD hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để ép buộc giao dịch… Cụ thể là không được tiếp thị hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của NTD từ hai lần trở lên hoặc có hành vi khác gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của NTD.

Quy định này sẽ làm cho nhiều NTD vui mừng vì từ nay họ không còn bị “tra tấn” bởi những kiểu tiếp thị thiếu văn hóa như qua điện thoại (kể cả vào lúc ngủ trưa), phát tờ rơi trên các giao lộ, mở loa to…

Với một số điều khoản như vậy, đúng là NTD đang có nhiều quyền năng hơn, vì theo đó các quy định trong luật sẽ tạo điều kiện cho NTD trong việc giải quyết tranh chấp liên quan đến hàng hóa, dịch vụ. Đây được cho là những điểm vàng của Luật BVQLNTD. Cụ thể, luật không chỉ cho phép các tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD được quyền tự khởi kiện vụ án vì lợi ích công cộng mà còn được Nhà nước hỗ trợ kinh phí khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ người tiêu dùng (pháp luật hiện hành chỉ cho phép các tổ chức này khởi kiện khi được người tiêu dùng ủy quyền và kinh phí tự lo)…

Ngoài ra, một số phương thức giải quyết tranh chấp cũng được luật mở ra một cách rõ ràng: thương lượng; hòa giải, trọng tài; thủ tục xét xử rút gọn tại tòa án… Đặc biệt, khi tiến hành vụ kiện dân sự NTD không phải đóng tạm ứng án phí; chỉ cần cung cấp chứng cứ mà không phải chứng minh lỗi của bên cung cấp hàng hóa (nghĩa vụ chứng minh thuộc về bên cung cấp hàng hóa)…

Cùng với đó, ở Điều 8 Luật cũng quy định rõ ràng 8 quyền của NTD thể hiện rõ ràng những quyền lợi của mình và có thể dựa vào đó để tự bảo vệ của mình nếu như gặp phải những trường hợp vi phạm nghiêm trọng. Điều này sẽ trở thành “quyền năng” thực thụ của NTD.

Có "bảo vệ” được không?

Mặc dù Luật BVQLNTD đã chính thức có hiệu lực, nhưng nhiều chuyên gia vẫn quan ngại, để luật có thể thực thi một cách đầy đủ thì vấn đề không đơn giản chút nào. Có khá nhiều quy định trong luật cần hướng dẫn cụ thể, thế nhưng đến nay các văn bản như vậy vẫn chưa được ban hành. Như việc Luật có quy định từ các bộ, ban, ngành đến UBND các cấp sẽ xử lý và với người dân, việc họ tìm đến UBND các cấp để tiếp nhận thông tin và xin giải quyết. Đây chính là nơi mà người dân tiếp cận nhiều nhất và được bảo vệ thực tế nhất. “Tuy nhiên, liệu việc thực hiện xuống UBND các cấp đã được tiến hành đến đâu? Cho đến thời điểm này chưa thấy xuất hiện một phòng, ban nào sẽ tiếp nhận”, bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi, Chủ nhiệm CLB Phụ nữ với tiêu dùng trăn trở.

Cũng theo bà Chi, hiện nay nhiều người dân chưa biết hết những quyền của mình được quy định trong Luật. Bởi mỗi địa phương, mỗi nơi và mỗi đối tượng NTD đều ở những trình độ văn hóa khác nhau. Những người ở trình độ văn hóa cao, công nhân viên chức có thể tự tìm hiểu luật qua sách, báo. Nhưng nhiều đối tượng NTD ở nông thôn dường như vẫn chưa được tuyên truyền cũng như biết đến Luật này. Bà Chi cho rằng, nên có một địa chỉ để người dân trực tiếp đến khiếu nại. Nếu chỉ dựa vào Hội Bảo vệ quyền lợi NTD hay Ban Bảo vệ quyền lợi NTD sẽ không thể đủ nhân lực và thẩm quyền để giải quyết mọi sự vụ.

Ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, ngoài việc đưa ra những văn bản quy phạm pháp luật tiếp theo để trình Chính phủ, Cục cũng hình thành trung tâm tiếp nhận giải đáp, tư vấn xử lý các khiếu nại của NTD. Qua website có đường dây nóng của Cục Quản lý cạnh tranh, NTD có thể kết nối với Trung tâm Tư vấn của các đơn vị xây dựng đặc biệt là Trung tâm 041081 của thành phố Hà Nội. Qua đó, NTD có nhiều kênh tiếp nhận hơn, làm tăng chất lượng bảo vệ NTD. Cùng với đó, chắc chắn việc hoàn thiện những văn bản dưới luật cũng như những kênh liên lạc đang được hình thành sẽ khiến cho NTD có nơi để “kêu oan”. Đáng nói hơn, khi Luật ra đời, những doanh nghiệp sẽ ít cơ hội hơn để “gian lận” hay có những hành động làm phiền đến NTD.

Còn với bà Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương nhận định: Khi luật có hiệu lực thì không có nghĩa là tất cả mọi thứ đều tốt đẹp, tất cả những điều quy định của luật sẽ được thực hiện 1 cách nghiêm túc… thế nhưng, để luật có hiệu quả đi vào cuộc sống thì tất cả chúng ta đều phải hiểu, phải đọc để hiểu luật từ các cơ quan chức năng thi hành luật, đến các nhà sản xuất, nhà phân phối và cả NTD cần phải hiểu làm thế nào để bảo vệ quyền của mình và tích cực trong việc bảo vệ quyền lợi của mình. Đấy cũng là cơ sở để ngăn chặn những doanh nghiệp làm ăn không chân chính, người ta có thể lợi dụng cái dễ dãi của NTD, dễ bỏ qua quyền lợi của NTD để họ có thể tiếp tục vi phạm pháp luật.

Việc ban hành Luật BVQLNTD là một dấu mốc quan trọng trong việc đảm bảo quyền lợi của 86 triệu người tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, nếu người dân không nhận thức rõ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì hiệu quả của luật cũng sẽ không cao. Cùng với đó là sự hỗ trợ của các hội người tiêu dùng và của các tổ chức xã hội trong việc tuyên truyền, thực thi luật trong đời sống. Mặc dù vẫn còn rất nhiều những quan ngại, nhưng tất cả đều hy vọng rằng, khi Luật BVQLNTD có hiệu lực sẽ thực sự trở thành tấm lá chắn hữu hiệu bảo vệ cho một cuộc sống xã hội bền vững và an toàn.

Theo Năng lượng Mới