Không có Uber, Grab, taxi truyền thống vẫn ì ạch

15:16 | 30/10/2017

793 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ khẳng định, nếu không có việc thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (Uber, Grab), thì taxi truyền thống đến giờ vẫn ì ạch, không chịu chuyển mình.

Chiều 27/10, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội đã tổ chức buổi họp xem xét kiến nghị của Hiệp hội Taxi Hà Nội về hoạt động của taxi công nghệ Uber, Grab.

Theo Bộ GTVT, Đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng được triển khai tại Hà Nội, TP HCM, Khánh Hòa, Quảng Ninh từ tháng 1/2016 đến nay. Hiện có 7 đơn vị cung cấp phần mềm chính thức tham gia thí điểm và 3 nhà cung cấp phần mềm mới được chấp thuận thí điểm trên xe taxi. Đến nay đã có 905 đơn vị vận tải với 29.810 xe tham gia đề án thí điểm.

khong co uber grab taxi truyen thong van i ach
Taxi ứng dụng công nghệ - ảnh MH.

Chính sự gia tăng nhanh chóng, vượt xa so với quy hoạch về số lượng xe đã dẫn đến việc Hiệp hội Taxi Hà Nội kiến nghị dừng hoạt động Uber, Grab. Bên cạnh đó, Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng chỉ ra hàng loạt sai phạm của Uber, Grab khi hoạt động tại Việt Nam, như: chưa thống kê đầy đủ số lượng xe; gây thất thu thuế và ngân sách; chưa đặt máy chủ tại Việt Nam; dữ liệu chưa kết nối với hệ thống giám sát của Bộ GTVT…

Trước sự phát triển nhanh chóng của taxi công nghệ đã dẫn đến những tranh cãi về sự cạnh tranh công bằng giữa hai loại hình vận tải là taxi công nghệ và taxi truyền thống. Trong khi Uber, Grab đang mở rộng thị trường, tăng số lượng xe thì nhiều hãng taxi truyền thống đang phải vật lộn để tồn tại. Nhằm bắt kịp với xu thế, ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, các doanh nghiệp taxi truyền thống đã đầu tư ứng dụng phần mềm kết nối vận tải.

Một vấn đề mà taxi truyền thống "ganh tỵ" với taxi Uber và Grab đó chính là sự linh hoạt điều chỉnh về giá cước của taxi công nghệ trên cơ sở thỏa thuận giữa bên cung cấp dịch vụ với khách hàng. Chính sự linh hoạt của taxi công nghệ khiến taxi truyền thống không thể cạnh tranh hay theo kịp.

“Các doanh nghiệp taxi truyền thống chấp nhận cạnh tranh, nhưng phải bình đẳng trong quản lý về áp thuế giữa 2 loại hình này, khống chế về số đầu xe đang kinh doanh, đăng ký giá và chịu sự quản lý giá...” - ông Đỗ Quốc Bình nói.

Tại buổi họp, ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho hay, taxi Uber và Grab đã tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách trong việc đi lại và được nhiều người lựa chọn. Sự ưu việt của nó đã thúc các doanh nghiệp taxi phải chuyển mình. Điển hình như những hãng taxi lớn như Mai Linh, Vinasun… cũng đã tham gia thí điểm và được hưởng toàn bộ điều kiện như taxi Grab, Uber.

Sau khi lắng nghe ý kiến các bên tham gia buổi họp, Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định, nếu không có việc thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (Uber, Grab), thì taxi truyền thống đến giờ vẫn ì ạch, không chịu chuyển mình.

Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, Hiệp hội Taxi Hà Nội cần tập hợp các doanh nghiệp taxi truyền thống lại để bàn tính về xu thế, đổi mới cũng như phương hướng thay đổi trong bối cảnh hiện tại nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đối mặt với thách thức.

“Về cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ GTVT sẽ tiếp tục làm việc với các hiệp hội, doanh nghiệp Uber, Grab để cố gắng lắng nghe, tìm các giải pháp cho tương lai của đơn vị vận tải” - Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.

khong co uber grab taxi truyen thong van i ach
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ GTVT cũng đề nghị Hiệp hội Taxi Hà Nội không can thiệp quá sâu vào lĩnh vực chuyên môn của các cơ quan quản lý Nhà nước đang làm như cơ quan thuế. Nếu cần thiết, Hiệp hội có văn bản gửi, các cơ quan chức năng sẽ họp và trả lời. Hiệp hội kiến nghị, Bộ GTVT sẵn sàng tiếp doanh nghiệp để trả lời những gì được và nếu chưa được sẽ tiếp thu, góp ý sẽ ghi nhận.

Về kiến nghị cấp hạn ngạch số lượng xe Grab, Uber, Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định: Các hiệp hội vận tải và địa phương đổ lỗi cho Bộ GTVT là đẩy số lượng xe gia tăng nhanh chóng ở địa phương là không đúng. Bộ GTVT quy hoạch giao thông vận tải cho toàn ngành theo giai đoạn. Sau quy hoạch chuyên ngành, các địa phương sẽ có quy hoạch giao thông vận tải gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đó. Khi số lượng xe đã vượt quy hoạch sẽ gây nên vấn đề ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, vượt quá quy hoạch thì địa phương phải có biện pháp khống chế lại, vì đó là thẩm quyền của địa phương chứ không phải là Bộ GTVT. Bộ chỉ đưa ra chủ trương, định hướng và không thể can thiệp sâu vào số lượng bao nhiêu xe của địa phương.

Với tư cách là đơn vị tổ chức buổi họp, ông Lê Hồng Tịnh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội cho rằng, trong sự phát triển của xã hội, loại hình phương tiện nào tiên tiến được người dân chấp nhận thì sẽ tồn tại, còn không thay đổi sẽ bị đào thải.

“Bộ GTVT quyết định cho thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng vừa qua là tốt, đáng ra phải cho thời gian ít nhất 3-5 năm” - ông Lê Hồng Tịnh nói.

Thừa nhận sự thiếu bình đẳng giữa hai loại hình taxi này, ông Lê Hồng Tịnh cho biết, Nhà nước phải tạo ra môi trường bình đẳng cho mọi loại hình kinh doanh. Uber, Grab có lợi thế là đi vào đường cấm taxi, trong khi taxi truyền thống bị ràng buộc là chưa bình đẳng.

Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các đơn vị, cơ quan chức năng để có báo cáo Chính phủ, Quốc hội để sửa đổi các văn bản luật liên quan sao cho phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong thời kỳ mới, đặc biệt khi chính sách có bất cập thì phải sửa đổi nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn.

Thiên Minh