Hôm nay, Quốc hội thảo luận về Cảng hàng không quốc tế Long Thành

06:50 | 04/06/2015

911 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong phiên làm việc sáng nay (4/6), thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng trình bày Báo cáo về dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Sau đó, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư trên…

Đây là một trong những nội dung nổi bật trong chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII.

Bản thân Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng từng giành hẳn phiên họp thứ 35 với nội dung chính là tập trung cho ý kiến về chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quốc tế (HKQT) Long Thành. Tại phiên họp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu một lần nữa khẳng định việc đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành là cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh sân bay Tân Sơn Nhất đang trở nên quá tải.

Theo Thường trực Ủy ban Kinh tế, phương án trước đó là mở rộng và cải tạo Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, nâng công suất khai thác lên 50 triệu khách/năm với vốn đầu tư lên tới 9,1 tỉ USD đã bị gạt bỏ, bởi tổng mức phải đầu tư không nhỏ (giải tỏa, đền bù, tái định cư…). Đồng thời nhìn về dài hạn, nếu nhu cầu vượt quá 50 triệu khách/năm (sau nâng cấp-PV) thì cũng không thể tiếp tục mở rộng vì dư địa phát triển đã hết.

Có ý kiến đề nghị nếu cần thiết phải sử dụng đến 5.000 ha đất thì Chính phủ trình Quốc hội cơ chế thu hồi đất một lần để tạo quỹ đất thực hiện quy hoạch cả 3 giai đoạn.

Phối cảnh Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Giải trình bổ sung về báo cáo đầu tư Dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho biết trong giai đoạn lập Báo cáo tiền khả thi, khái toán chi phí được lập trên cơ sở suất đầu tư nên độ chính xác chưa cao. Giá trị khái toán tại thời điểm báo cáo Quốc hội cho cả Dự án là  18,7 tỷ USD, trong đó Giai đoạn 1 là 7,8 tỷ USD (tương đương khoảng 164.589 tỷ đồng).

Sau khi rà soát và tính toán chi tiết hơn trên nguyên tắc áp dụng đơn giá của các dự án có quy mô và yêu cầu kỹ thuật tương tự đã và đang triển khai trên thế giới cũng như trong khu vực, giá trị khái toán rà soát lần này là 15,8 tỷ USD, trong đó Giai đoạn 1 là 5,2 tỷ USD (tương đương khoảng 109.970 tỷ đồng).

Về diện tích đất sử dụng cho Dự án, sau khi rà soát lại báo cáo đầu tư, nhu cầu sử dụng đất cho Dự án là 2.750 ha (chỉ tính diện tích đất cần thiết cho các hạng mục hàng không thiết yếu của cảng hàng không, sân bay), không bao gồm diện tích đất cho quốc phòng (khoảng 1.050 ha) và đất dành cho các hạng mục phụ trợ và đầu tư xây dựng khu công nghiệp hàng không (khoảng 1.200 ha).

Đối với định hướng sử dụng Cảng HKQT Tân Sơn Nhất sau khi có Cảng HKQT Long Thành, Báo cáo đầu tư cho rằng phương án 5 (Cảng HKQT Long Thành: 90% quốc tế + 20% nội địa; Cảng HKQT Tân Sơn Nhất: 10% quốc tế + 80% nội địa) được xem là có tính khả thi cao bởi vừa tiếp tục khai thác cơ sở vật chất hiện có tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, đồng thời trong giai đoạn ban đầu khi giao thông tiếp cận bằng đường sắt tới Cảng HKQT Long Thành chưa được đầu tư hoàn thiện, nếu chuyển toàn bộ sang khai thác Cảng HKQT Long Thành sẽ gây áp lực lớn lên nhu cầu vận tải từ Cảng HKQT Long Thành về trung tâm TP Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, Cảng HKQT Long Thành cùng với Cảng HKQT Tân Sơn Nhất sẽ khắc phục được tình trạng quá tải tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất và đáp ứng nhu cầu tăng cao về giao thông hàng không của khu vực. Đồng thời, với 20% các chuyến bay nội địa được phục vụ tại Cảng HKQT Long Thành sẽ chủ yếu là các chuyến bay chuyển tiếp để tạo thuận lợi cho hành khách. Cho ý kiến về báo cáo trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu nhận định: “Báo cáo như thế là khả thi, có thể làm được”.

Khi đặt ra đây là 1 sân bay trung chuyển quốc tế, các chuyên gia nêu ra sân bay này sẽ trung chuyển cho 3 nước Indonesia, Philippines, Australia, nhưng đối với 2 Indonesia, Philippines lại quá gần, như vậy đặt ra là vai trò của sân bay này thế nào khi có khả năng sẽ chỉ trung chuyển cho một nước là Australia. Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh rằng, chức năng trung chuyển ở đây là trung chuyển các nơi đến sân bay Long Thành và từ Long Thành đi các nơi chứ không chỉ có 3 nước nêu trên.

Lê Tùng

(Năng lượng Mới)