Hội Toán học chính thức đề xuất hoãn thi trắc nghiệm Toán

09:02 | 25/09/2016

277 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hội Toán học Việt Nam đã có ý kiến chính thức gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc triển khai hình thức thi trắc nghiệm đối với môn Toán trong kỳ thi THPT 2017.

Trước đó, vào đầu tháng 9, Bộ GD&ĐT đã công bố Dự thảo phương án thi THPT Quốc gia năm 2017. Kỳ thi 2017 sẽ có 5 bài thi bao gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

Trong số đó, chỉ bài thi môn Ngữ văn thực hiện theo hình thức tự luận, các bài thi còn lại theo hình thức trắc nghiệm. Dự thảo việc thí sinh làm bài thi trắc nghiệm môn Toán đã gây ra không ít tranh luận trong xã hội.

Dựa trên những nghiên cứu, phân tích của mình, BCH Hội Toán học đề nghị Bộ GD&ĐT hoãn việc áp dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan, tiếp tục thi tự luận đối với môn Toán trong kì thi xét tốt nghiệp THPT, tuyển sinh Đại học và Cao đẳng năm 2017.

Đồng thời tiến hành những nghiên cứu hệ thống, khoa học, bao gồm:

Tổ chức các Hội thảo quốc gia nhằm phân tích những luận cứ khoa học của việc nên hay không nên thi trắc nghiệm môn Toán; đánh giá hiệu quả thực tiễn của kì thi trắc nghiệm Toán tại một vài nơi của Việt Nam trong những năm qua.

Trên cơ sở kết quả các Hội thảo quốc gia, sẽ quyết định có nên chuyển đổi thi môn toán từ tự luận sang trắc nghiệm hay không. Trong trường hợp giả định có chuyển đổi, cần một thời gian chuẩn bị hợp lý.

hoi toan hoc chinh thuc de xuat hoan thi trac nghiem toan
Thí sinh dự thi THPT Quốc gia

BCH Hội Toán học Việt Nam đã đưa ra 3 lý do để đề xuất hoãn thi trắc nghiệm môn Toán trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017:

Thứ nhất: Đối với môn Toán, thi tự luận có ưu điểm vượt trội trong đánh giá tư duy và năng lực giải quyết vấn đề của học sinh, mặc dù kết quả thi có thể phụ thuộc ít nhiều vào chủ quan người chấm.

Thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan tránh được yếu tố này, nhưng lại có nhiều hạn chế trong việc đánh giá tư duy và năng lực tổng hợp, phân tích, sáng tạo của thí sinh. Đặc biệt, thi theo hình thức trắc nghiệm có tính phân loại không cao, nhất là khi ngân hàng đề thi chưa đảm bảo chất lượng, chưa được thử nghiệm trên số mẫu đủ lớn, trong một thời gian đủ dài, nhằm hình thành một hệ thống câu hỏi tốt, có khả năng phân loại thí sinh.

Thứ hai: Để có đủ cơ sở khoa học và sức thuyết phục, các kỳ thi trắc nghiệm toán đã được thực hiện ở một vài nơi của Việt Nam cần được đánh giá công bằng về tính khoa học và hiệu quả thực tiễn, phân tích lý do vì sao phải chuyển đổi từ thi tự luận sang thi trắc nghiệm môn toán...

Các nghiên cứu đánh giá khoa học, hệ thống, chính thức về thi tự luận và thi trắc nghiệm cần được công bố rộng rãi để nhân dân biết, hiểu, và hy vọng được họ ủng hộ. Việc chuyển đổi ngay khi chưa có các thông tin cần thiết này, chưa có sự chuẩn bị về tâm lý, cũng như chưa dành một thời gian đủ lớn để xử lý các vấn đề tồn đọng sẽ tạo thành mối quan ngại lớn, gây xáo trộn trong việc học tập của học sinh, trong tâm lý của phụ huynh học sinh, và có thể gây hoang mang trong toàn xã hội.

Thứ ba: Năm 2017, nhiều khả năng hầu hết các trường đại học (trừ số ít các trường năng khiếu như nghệ thuật, thể thao...) sẽ vẫn sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia để tuyển sinh vào đại học và cao đẳng, mà không tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng. Thi trắc nghiệm (môn toán), đặc biệt ở đặc thù hiện nay của Việt Nam, chưa có khả năng phân loại cao. Việc sử dụng kết quả của nó để tuyển sinh vào đại học, cao đẳng là một điều đáng lo ngại, có nhiều khả năng gây mất công bằng cho thí sinh.

Bên cạnh đó, BCH Hội Toán học Việt Nam còn đề nghị có cuộc đối thoại giữa các cấp lãnh đạo có quyền ra quyết sách và BCH Hội nhằm mục tiêu cao nhất là các đổi mới trong kì thi tốt nghiệp THPT Quốc gia nói riêng, trong giáo dục Việt Nam nói chung.

Lan Phương