Phòng chống HIV/AIDS

Đạt mục tiêu 90-90-90 không dễ

12:58 | 10/12/2017

1,067 lượt xem
|
Mục tiêu 90% người nhiễm HIV biết tình trạng của mình, 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV), 90% số người đang điều trị có tải lượng HIV thấp vào năm 2020 thực sự là một thách thức đối với công tác phòng chống dịch HIV/AIDS. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Đình Cảnh, Phó cục trưởng Cục Phòng chống HIV, Bộ Y tế để tìm hiểu về vấn đề này.  

PV: Thưa ông, ông có thể cho biết tình hình HIV/AIDS ở nước ta hiện như thế nào?

dat muc tieu 90 90 90 khong de
Ông Hoàng Đình Cảnh

Ông Hoàng Đình Cảnh: Trong 9 tháng năm 2017, cả nước phát hiện mới 6.883 người nhiễm HIV, chuyển sang giai đoạn AIDS 3.484 người, số người nhiễm HIV tử vong 1.260 người. Ước tính cả năm 2017 sẽ có khoảng 9.800 người nhiễm HIV mới được phát hiện và có khoảng 1.900 người nhiễm HIV tử vong. Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV, nữ chiếm 22%, nam chiếm 78%, lây truyền qua đường tình dục chiếm 58%, lây truyền qua đường máu chiếm 32%, mẹ truyền sang con chiếm 2,6%. Đáng chú ý là 40% người nhiễm HIV mới tuổi từ 30-39; 30% người nhiễm trong độ tuổi 20-29.

Dịch HIV/AIDS vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong cộng đồng, những nơi được đầu tư mạnh của các tổ chức quốc tế vẫn còn có thể phát hiện thêm nhiều người nhiễm HIV. Dự báo vẫn còn nhiều người nhiễm HIV không thuộc nhóm nguy cơ cao, do đó không được phát hiện sớm. Các trường hợp này thường chẩn đoán ở giai đoạn muộn.

PV: Theo ông vì sao đại dịch HIV/AIDS vẫn diễn biến phức tạp như vậy?

Ông Hoàng Đình Cảnh: Mặc dù dịch HIV/AIDS ở Việt Nam tiếp tục có xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn chưa đảm bảo tính bền vững và vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát là do mức độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn rất hạn chế, trong khi việc lây nhiễm có sự đan xen giữa các hành vi của nhóm người nghiện chích ma túy và nhóm phụ nữ bán dâm, nhóm nam có quan hệ tình dục với nam, chuyển giới... Bơm kim tiêm, bao cao su lại mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu và nay tiếp tục cắt giảm. Điều trị methadone mới chỉ đạt được 65,7% chỉ tiêu Chính phủ giao. Điều trị ARV mới đáp ứng được 58,1% số người nhiễm HIV được phát hiện. Dịch vụ ở miền núi, vùng sâu, vùng xa còn khó tiếp cận.

Khó khăn lớn nữa là trong những năm gần đây kinh phí từ ngân sách Nhà nước cấp cho các chương trình phòng, chống AIDS liên tục bị cắt giảm nên những tỉnh không có dự án quốc tế tài trợ thiếu hụt kinh phí trầm trọng cho việc triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Ở các khu vực này chủ yếu là cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS thụ động tại các bệnh viện. Do đó, các hoạt động can thiệp giảm tác hại, tư vấn xét nghiệm HIV, huy động và kết nối, chuyển gửi điều trị ARV hầu như không được triển khai tại cộng đồng. Trong thời gian từ năm 2018, các tổ chức quốc tế sẽ cắt giảm việc tài trợ cho phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam và chỉ hỗ trợ chúng ta về kỹ thuật, thì các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, đặc biệt việc đảm bảo điều trị cho bệnh nhân AIDS sẽ còn khó khăn nữa.

dat muc tieu 90 90 90 khong de
Điều trị cho bệnh nhân HIV

PV: Phải chăng vì tình hình này mà Tháng Hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm nay đang diễn ra chúng ta lấy chủ đề: Xét nghiệm sớm - Hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020?

Ông Hoàng Đình Cảnh: Chương trình phối hợp của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã phát động mục tiêu 90-90-90 ở cấp độ toàn cầu nhằm tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Các mục tiêu này có liên quan mật thiết với nhau. Từ tiếp cận với những người có nguy cơ cao và bạn tình của họ để tư vấn, dự phòng lây nhiễm HIV và tạo cơ hội cho họ tiếp cận các dịch vụ xét nghiệm HIV. Khi một người được chẩn đoán nhiễm HIV cần được kết nối với dịch vụ điều trị ARV và duy trì tốt việc tuân thủ điều trị. Nếu đạt được 3 mục tiêu quan trọng này thì chúng ta có thể phát hiện được hầu hết những người nhiễm HIV trong cộng đồng; điều trị được hầu hết những người nhiễm HIV với kết quả điều trị tốt, giảm tối đa khả năng lây nhiễm HIV cho người khác, người đã nhiễm HIV có cuộc sống khỏe mạnh. Từ đó có thể cải thiện được tình hình phức tạp của dịch HIV/AIDS nêu trên, đồng thời đạt được mục tiêu to lớn hơn là kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Tuy nhiên, điều tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa về giải pháp phải là xét nghiệm HIV sớm để biết tình trạng nhiễm HIV chính là tiền đề để đạt được các mục tiêu 90-90-90 mà Việt Nam đang hướng tới.

PV: Bên cạnh xét nghiệm sớm, theo ông, chúng ta còn cần làm gì để vừa giải quyết được khó khăn vừa đạt mục tiêu mà Liên Hiệp Quốc đã đề ra?

Ông Hoàng Đình Cảnh: Hiện nay, toàn quốc có 1.345 cơ sở y tế cung cấp dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV, có 128 phòng xét nghiệm HIV được phép khẳng định các trường hợp HIV dương tính tại 63 tỉnh, thành phố và 1.250 phòng xét nghiệm sàng lọc HIV ở tất cả 100% số huyện trên toàn quốc. Để thuận tiện cho việc chẩn đoán nhiễm HIV, chúng ta phải tăng cường xây dựng các phòng xét nghiệm khẳng định HIV tuyến huyện cho các tỉnh trọng điểm bao gồm: TP Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Sơn La, Điện Biên, Nghệ An, Yên Bái, Lào Cai. Đồng thời với việc tiếp tục mở rộng tư vấn, xét nghiệm HIV tại cộng đồng tại 15 tỉnh, thành phố, triển khai thí điểm tự xét nghiệm HIV bằng nước bọt thông qua các tổ chức cộng đồng. Việc triển khai thí điểm xét nghiệm HIV tại cộng đồng đã tạo điều kiện mở rộng và đa dạng hóa mô hình xét nghiệm HIV và giúp người có nguy cơ lây nhiễm HIV có cơ hội tiếp cận dịch vụ xét nghiệm HIV. Hoạt động này cũng huy động các tổ chức cộng đồng tham gia vào quá trình giám sát phát hiện thêm người nhiễm HIV, hỗ trợ người nhiễm HIV tham gia điều trị ARV sớm...

PV: Xin cảm ơn ông!

Tính đến cuối tháng 9-2017, cả nước có 208.371 người nhiễm HIV hiện còn sống. Số liệu này so với ước tính người nhiễm HIV trong cộng đồng chiếm 75%. Như vậy, để đạt được mục tiêu 90% người nhiễm HIV biết tình trạng HIV của mình chúng ta còn rất nhiều việc phải làm.

Nguyễn Bách

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc