Phòng, chống HIV/AIDS: Nguồn lực lớn từ khu vực tư nhân

07:00 | 19/09/2019

761 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, thời gian tới, khi các nguồn viện trợ quốc tế cho Việt Nam giảm dần thì sự tham gia của khu vực tư nhân và cộng đồng trong việc phòng, chống HIV/AIDS vô cùng quan trọng.

Tại Hội thảo “Sự tham gia của khu vực tư nhân trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam” do Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) và USAID/PATH Healthy Markets phối hợp tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, ngoài gần 140.000 bệnh nhân đang điều trị HIV/AIDS tại các cơ sở y tế công, ước tính có khoảng 10.000 bệnh nhân khác đang điều trị HIV/AIDS tại các cơ sở y tế tư nhân, trong đó có những cơ sở y tế tư nhân điều trị HIV/AIDS sử dụng thuốc ARV từ nguồn bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, có tới 70% của hơn 3.000 bệnh nhân đang điều trị dự phòng tiền phơi nhiễm (PrEP) tại các sở y tế tư nhân.

nguon luc lon tu khu vuc tu nhan
Cấp thuốc ARV cho người nhiễm HIV ở Hà Nội

Các doanh nghiệp tư nhân trong nước đã tham gia tích cực vào việc cung ứng thuốc, sinh phẩm xét nghiệm và vật dụng phòng chống HIV/AIDS. Tính đến nay, các doanh nghiệp trong nước đã cung ứng 100% nhu cầu thuốc Methadone điều trị cho người nghiện. Thuốc ARV sử dụng nguồn bảo hiểm y tế cũng đã được các doanh nghiệp dược phẩm trong nước cung ứng. Vật phẩm can thiệp giảm hại như bơm kim tiêm, bao cao su cũng được mua trong nước…

Có thể thấy, khu vực tư nhân tham gia vào công tác phòng, chống HIV/AIDS rất hiệu quả. Thứ trưởng Trương Quốc Cường khẳng định: “Vai trò của khu vực tư nhân trong công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam là vô cùng quan trọng, nhất là trong thời gian tới, các nguồn viện trợ quốc tế trong lĩnh vực này giảm dần”.

Ngoài gần 140.000 bệnh nhân đang điều trị HIV/AIDS tại các cơ sở y tế công, ước tính có khoảng 10.000 bệnh nhân khác đang điều trị HIV/AIDS tại các cơ sở y tế tư nhân, trong đó có những cơ sở y tế tư nhân điều trị HIV/AIDS sử dụng thuốc ARV từ nguồn bảo hiểm y tế.

Song song với các cơ sở tư nhân đang điều trị cho các bệnh nhân nhiễm HIV và tiền phơi nhiễm còn có sự tham gia của mạng lưới đồng đẳng viên, tổ chức dựa vào cộng đồng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Nguyễn Hoàng Long cho biết, hiện nay mạng lưới đồng đẳng viên, tổ chức cộng đồng đã và đang tham gia tích cực vào việc tiếp cận các đối tượng có nguy cơ cao, tuyên truyền, vận động họ đi xét nghiệm HIV. Từ năm 2015 đến nay, hơn 150.000 người đã được xét nghiệm HIV thông qua các tổ chức cộng đồng và các doanh nghiệp xã hội.

Ông Nguyễn Hoàng Long đánh giá: “Các tổ chức cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp các vật dụng can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV như phân phát bơm kim tiêm, bao cao su. Hiện nay, hơn 50% số vật dụng can thiệp được cấp phát thông qua mạng lưới đồng đẳng viên và các tổ chức cộng đồng”.

Đồng quan điểm, Giám đốc Dự án Healthy Markets Kimberly Green cho biết, năm 2014, khoảng 80% các quỹ tại Việt Nam đến từ các nhà tài trợ nước ngoài, nhưng nay đã đến lúc Việt Nam phải khuyến khích huy động nguồn tiền trong nước, nhất là từ sự tham gia đóng góp của khu vực tư nhân, cộng đồng. Bởi, sự tham gia của khu vực tư nhân, cộng đồng rất quan trọng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, góp phần tăng sự lựa chọn cho người bệnh, đồng thời giúp mở rộng điều trị HIV/AIDS.

Phân tích những lợi thế của của khu vực tư nhân trong việc phòng, chống HIV/AIDS, ông Nguyễn Hoàng Long cho hay, vì người nhiễm HIV vẫn bị kỳ thị trong xã hội, nên nếu y tế tư nhân tham gia sẽ có thuận lợi hơn, dễ tiếp cận với người nhiễm HIV, bởi họ gần dân hơn, bảo mật thông tin tốt, quy trình thủ tục đơn giản. Chính nhờ có được sự tin tưởng từ cộng đồng, y tế tư nhân có thể cung cấp những dịch vụ linh hoạt phù hợp dựa trên sự thấu hiểu và không phán xét. Điều này đã góp phần lớn vào việc tăng phát hiện và giảm lây truyền HIV.

Hiện nay, để giải quyết đại dịch HIV, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, theo các chuyên gia, cần phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức cộng đồng. Đây chính là phương thức tối ưu dẫn đến thành công của chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Do đó, trong tương lai, khu vực tư nhân và cộng đồng chính là thành phần then chốt và sẽ là nguồn lực chính khi các nhà tài trợ quốc tế không còn tham gia tài trợ cho các chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam.

Hướng đến mục tiêu chấm dứt HIV/AIDS vào năm 2030, ông Nguyễn Hoàng Long cho rằng, Việt Nam phải có sự tham gia của y tế tư nhân với cơ chế rõ ràng và nguồn tài chính lâu dài. Để tạo thuận lợi cho y tế tư nhân tham gia vào lĩnh vực này, Nhà nước phải ban hành các hướng dẫn chuyên môn, tăng cường năng lực thông qua tập huấn và giám sát, kiểm tra; cung cấp những điều kiện cần thiết như thuốc, sinh phẩm, vật dụng…

Nguyễn Anh