Arập Xê út "liều lĩnh" với Syria

15:04 | 14/02/2016

5,457 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tổng thống Syria al-Assad phải bị hạ bệ bằng vũ lực trong trường hợp giải pháp giải quyết khủng hoảng Syria bằng chính trị thất bại. Tuyên bố bất thường của Ngoại trưởng Arập Xê út có nguy cơ đẩy Trung Đông chìm thêm vào bất ổn. Vì sao Arập Xê út lại có những hành động và phát ngôn “liều lĩnh” như hiện nay?
phan ung bat thuong cua arap xe ut voi syria
Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Dzhubeyr cho rằng, Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải bị hạ bệ bằng vũ lực

Sự liều lĩnh của Arập Xê út

Ngày 13/2, trả lời phỏng vấn hãng tin CNN, Ngoại trưởng Arập Xê út, Adel al-Dzhubeyr cho biết: “Tôi không nghĩ rằng ông Assad sẽ ra đi. Riyadh chủ trương một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Syria. Tuy nhiên, nếu giải pháp trên thất bại, thì nguyên nhân chính nằm ở chính quyền Syria và các đồng minh của họ”.

Ngoại trưởng Arập Xê út cũng khẳng định, Riaydh sẵn sàng đưa quân vào Syria để chiến đấu chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), tuy nhiên, lực lượng quân đội Arập Xê út sẽ chỉ hoạt động trong đội hình liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu.

Các chuyên gia cho rằng đây là phản ứng mang tính bất thường, bột phát, không được thẩm định nghiêm túc của vương triều Arập Xê út. Thực tế này cho thấy những chuyển biến khó lường đoán trong bộ máy chính quyền Arập Xê út, có thể dẫn đến những khủng hoảng hết sức nghiêm trọng cho chính bản thân quốc gia này và cho khu vực.

Nhiều đánh giá thậm chí đi đến kết luận Arập Xê út là một cội nguồn khiến khu vực Trung Đông chìm thêm vào bất ổn, có chuyên gia cho rằng cần phải tính đến khả năng chế độ Ryad sụp đổ. Đầu tháng 12/2015, tức hơn hai tuần sau loạt khủng bố tấn công Paris, báo chí Đức và nhiều nước giới thiệu bản báo cáo “bất thường” của cơ quan tình báo Đức (BND), lên án chính sách can thiệp phiêu lưu quân sự và chính trị của thái tử kế vị số hai, bộ trưởng Quốc phòng Arập Xê út Mohammed Ben Salman, (bản tin Reuters ngày 2/12/2015), đoạn tuyệt với truyền thống đối ngoại thận trọng của cố quốc vương Abdallah (trong số các can thiệp mang tính phiêu lưu, báo cáo nói trên nêu ra chiến dịch can thiệp quân sự tại Yemen-mà nhiều chuyên gia cho rằng Ryad không thể giành chiến thắng - và hậu thuẫn dành cho các lực lượng thánh chiến tại Syria).

Tờ báo tài chính Anh Financial Times, số ra ngày 7/12/2015, nêu giả thiết “nếu vương triều Wahhabite tan vỡ?” (Wahhabisme là tư tưởng làm nền tảng cho chế độ quân chủ Hồi giáo theo hệ phái Sunni của Arập Xê út và một số quốc gia Arập khác). Financial Times ghi nhận hình ảnh ngày càng xấu đi của Arập Xê út trong mắt truyền thông phương Tây.

Hồi cuối tháng 9/2015, Middle East Eye – một trang mạng thời sự độc lập Anh– đăng tải thông tin về lời kêu gọi thay đổi lãnh đạo tại Arập Xê út (của một thành viên hoàng gia xin ẩn danh), nhằm tránh cho vương triều tan vỡ. Cũng trên trang mạng này, nhà báo, nhà chính trị học Anh Nafeez Ahmed có bài phân tích: “Sự sụp đổ của Arập Xê út là không thể tránh khỏi”. Bên cạnh nguyên nhân dự trữ ngoại tệ bốc hơi do dầu hỏa mất giá, chính quyền Arập Xê út còn phải đối mặt với một loạt các thách thức trong nước như nạn thất nghiệp dâng cao, các nhu yếu phẩm chính yếu ngày càng trở nên đắt đỏ (như thực phẩm, nước sạch), do Arập Xê út chịu ảnh hưởng mạnh của biến đổi khí hậu.

Bài “báo động về khả năng phá sản của Arập Xê út: chế độ Xê Út có kháng cự được lại cơn sốc?” trên báo Atlantico (ngày 28/10/2015), cho biết, theo một báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), với đà sụt giảm hiện nay khối dự trữ ngoại tệ khổng lồ của quốc gia này “chỉ trụ lại được trong vòng 5 năm nữa. Tình trạng này sẽ để lại hậu quả nặng nề cho toàn khu vực”. Nhà chính trị học Pháp Frédéric Encel, chuyên gia về khu vực Trung Đông, cho rằng “chúng ta đang chứng kiến (…) những năm cuối cùng của chế độ Xê Út”.

phan ung bat thuong cua arap xe ut voi syria
Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir trong cuộc phỏng vấn độc quyền với CNN

Iran- nỗi ám ảnh của Arập Xê út

Trong những ngày đầu năm 2016, cộng đồng quốc tế nín thở trước căng thẳng dâng cao tại Trung Đông, có thể bùng phát thành xung đột vượt tầm kiểm soát giữa Arập Xê út và Iran, hai cường quốc khu vực, sau khi Arập Xê út thi hành án tử hình một giáo sĩ hệ phái Shia, nhà tranh đấu dân chủ chủ trương bất bạo động, rất có uy tín (ông Nimr Baqer al-Nimr).

Theo nhiều chuyên gia, xét về toàn cục, mâu thuẫn lâu đời giữa Iran - trụ cột của hệ phái Hồi giáo Shia - với Arập Xê út - quốc gia dầu lửa số một thế giới, được coi là một thành trì của hệ phái Sunni, đã bước sang một khúc quanh mới sau khi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và lục cường được ký kết. Nếu như quan hệ giữa Iran với phương Tây đang bình thường hóa trở lại, với việc cấm vận lần lượt được dỡ bỏ và Teheran bắt đầu được coi là một đối tác thực sự trong nhiều hồ sơ khu vực, thì Arập Xê út cảm thấy bị Mỹ bỏ rơi, bị đối thủ Iran lấn át.

Nhà báo Olivier Da Lage, tác giả cuốn “Géopolitique de l’Arabie Saoudite/Địa chính trị Arập Xê út” nhận xét: “Trong suốt nhiều thập niên, chúng ta chứng kiến một Arập Xê út thụ động, chỉ phản ứng lại trước các biến cố hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của quốc gia này. Tuy nhiên, từ một năm trở lại đây, chúng ta thấy một Arập Xê út hết sức tích cực trên mọi mặt trận. Iran suýt nữa đã bị rơi vào chiếc bẫy trong vụ sứ quán Arập Xê út bị tấn công. Điều này khiến chúng ta nhớ đến hình ảnh một nước Iran bị cô lập, vào thời điểm Teheran bắt đầu trở lại hội nhập với quốc tế.

Teheran đã xin lỗi Arập Xê út, nhưng không ai nói về điều này. Lời xin lỗi được đưa ra một cách kín đáo. Arập Xê út tất nhiên là không muốn tỏ ra hài lòng. Tôi cho rằng, chúng ta đang chứng kiến tình trạng Arập Xê út đang vội vã trong hành động, không hề tính trước hệ quả. Sở dĩ như vậy vì nhiều lý do khác nhau, nhưng tất cả đều có một nguyên nhân chính. Một mặt, đó là nỗi sợ Iran, đây là một nỗi sợ có thực, mặt khác, đó là một thái độ mặc cảm đối với chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Obama, để lại một khoảng trống chiến lược, mà Arập Xê út buộc phải tự lấp đầy, buộc Arập Xê út phải đứng ra lãnh đạo thế giới Hồi giáo Sunni”.

Nhà báo Olivier Da Lage rút ra một điểm tiêu biểu trong cách hành xử của chính quyền Arập Xê út trong một năm vừa qua: “Khi chúng ta nói đến chiến lược của Arập Xê út thì có thể nói đây là một diễn đạt rất mâu thuẫn, vì những gì đã diễn ra cho thấy Arập Xê út hành động không mấy bài bản. Ví dụ như trong liên minh chống tổ chức khủng bố IS, mà Riyad tuyên bố thành lập hồi tháng 12/2015, gồm 34 quốc gia, đã có ba bốn nước không hề được tham khảo ý kiến trước khi tên được đưa vào liên minh. Đó là Pakistan, Liban, Indonesia, Malaysia. Rõ ràng là việc này tạo ra những cảm giác không tốt đối với các bên. Rõ ràng chúng ta đứng trước một phương thức hành động gây bất ổn, không chỉ với khu vực nói chung, mà cả đối với chính Arập Xê út”.

Vẫn nhà báo Olivier Da Lage lý giải về nguồn gốc bên trong của các quyết định phiêu lưu của chính quyền Arập Xê út: “Arập Xê út từ một năm rưỡi nay đã duy trì một chính sách xuất khẩu dầu mỏ với sản lượng lớn, để duy trì thị phần của mình, một chính sách mà nước này có từ lâu (từ những năm 1980). Mục tiêu của Arập Xê út là dùng biện pháp này để đánh bại Iran, Nga, Mỹ, nhưng điều này không có hiệu quả như Arập Xê út dự tính.

Arập Xê út bắt đầu lãnh hậu quả, cho dù nước này tưởng tượng là trữ lượng dầu lớn sẽ cho phép họ đứng vững. Những cải cách chính sách có thể gây ra những biến động rất quan trọng trong một xã hội rất mong manh. Chúng ta có thể suy đoán rằng, một trong các nguyên nhân đã dẫn đến việc hành quyết giáo sĩ Nimr Baqer al-Nimr, một lãnh đạo của hệ phái Shia, là nhằm để đánh lạc hướng công luận trong nước về các vấn đề xã hội và kinh tế mà Arập Xê út phải đối mặt hiện nay”.

Nếu như Arập Xê út cố tình làm căng, đặc biệt trong cuộc khủng hoảng liên quan đến vụ hành quyết giáo sĩ Nirm, về phía Iran, nhà xã hội học Azadeh Kian ghi nhận một phản ứng chừng mực: “Iran đã nhiều lần chìa tay ra với Arập Xê út, đặc biệt là ngoại trưởng Iran, nhưng phía chính quyền Arập Xê út đã từ chối giảm căng thẳng. Cụ thể trong trường hợp này, có thể nói chính quyền Teheran hành động theo một lô-gic giảm căng thẳng, tìm cách bình thường hóa quan hệ với các nước trong khu vực, nhằm tìm một giải pháp cho khủng hoảng Syria. Bởi cuộc khủng hoảng này bắt đầu gây khó khăn cho giới cầm quyền Iran”.

Đứng từ phía chính quyền Arập Xê út, câu hỏi cần đối xử như thế nào với Iran, sau khi thỏa thuận hạt nhân được ký, thật khó trả lời. Nhiều nhà quan sát so sánh vị thế tương đối bị cô lập của Arập Xê út hiện nay với Iran sau cuộc cách mạng Hồi giáo 1979.

Cuộc chiến vương quyền tại Arập Xê út

Về nội tình của vương triều Arập Xê út, tuần báo L’Express (số 3368) có bài “Cuộc cách mạng trong cung đình hoàng gia Xê út”, điểm lại những thay đổi lớn trong năm qua : “Kể từ khi Washington và Teheran xích lại gần nhau, Arập Xê út cảm thấy bị đối thủ khu vực Iran vây hãm, và bị đồng minh Mỹ phản bội. Vua Salman đã quyết định trả đũa bằng việc dựa vào hai người thuộc gia tộc, cháu và con trai. Quyết định này làm đảo lộn thế cân bằng của một vương triều vốn rất kị những thay đổi bất ngờ”.

Trong bài trả lời phỏng vấn tuần báo Le Nouvel Observateur (ngày 21/1/2016) – với tiêu đề “Ai thực sự là người lãnh đạo Arập Xê út?”, nhà chính trị học Stéphane Lacroix nêu bật tính chất gia đình của chế độ chính trị Arập Xê út (khi “những người thuộc gia tộc Xê Út nắm gần như toàn bộ quyền lực. Đây là quốc gia duy nhất mang tên của một gia tộc (gia tộc Xê Út/Saud)”). Theo Stéphane Lacroix, “trước đây để có được một quyết định, người ta phải tham khảo ý kiến của hàng chục hoàng thân. Người ta tránh đưa ra một quyết định (đơn phương) nhất có thể”, trong khi đó, “hiện nay, chúng ta đang ở trong một tình trạng ngược lại”. Nhà báo David Rigoulet Roze thì ghi nhận: “Có một sự căng thẳng rất lớn trong hoàng gia Arập Xê út. Rõ ràng là việc quốc vương mới đăng quang, và cuộc chơi hoán đổi vị trí diễn ra trong suốt năm ngoái, đặc biệt với việc tân quốc vương bổ nhiệm con trai làm người kế vị số hai, và Ben Nayef làm người kế vị số một. Có thể thấy quyền lực được tập trung toàn bộ vào tộc họ Sudaïri. Cả hai ông hoàng đều thuộc về tộc họ này. Các tộc họ khác bị đặt vào tình trạng bị gạt ra bên lề. Kể cả tộc họ của cố quốc vương Abdallah, cũng chỉ còn một người con của Abdallha còn được giữ lại ở vị trí lãnh đạo vệ binh”.

Vẫn nhà báo David Rigoulet Roze cho biết thêm: “Đúng là sự ổn định của chế độ đã trở thành vấn đề, liên quan đến việc (tranh chấp) kế vị chức quốc vương giữa hai người anh em họ. Vấn đề đối với Ben Salman – con trai của vua đương nhiệm – là do không có nhiều bạn, hoàng tử trẻ này phải dựa vào đàn anh Ben Nayef (hoàng thân kế vị số một và đương kim bộ trưởng Nội vụ), rất có kinh nghiệm về an ninh. Chúng ta thấy Ben Salman khó mà có thể rũ bỏ được Ben Nayef trong thời gian trước mắt.

Có thể nói đây là một liên kết mang tính bắt buộc. Nhưng nhìn chung, có thể nói là giữa các phe cánh, gươm đã rút khỏi vỏ. Có phần rất chắc là không khí sẽ hết sức căng thẳng trong nội bộ hoàng gia Arập Xê út. Thêm vào đó là các căng thẳng xã hội cũng đang trên đường trở nên nghiêm trọng hơn”.

Về giả thuyết bùng nổ xung đột, nhà chính trị học Stéphane Lacroix không tin vào kịch bản huynh đệ tương tàn này. Ông cho rằng hoàng thân kế vị số một Ben Nayef sẽ lên ngôi, nhưng vì không có con trai, Ben Salman sẽ chờ đợi để kế tục ngôi vua, tuy nhiên, quá trình chuyển giao quyền lực này chắc chắn sẽ hết sức căng thẳng.

Arập Xê út là một trong những quốc gia nhiều nghịch lý nhất hành tinh. Trị vì các thành phố siêu hiện đại là những ông hoàng mang tư tưởng tôn giáo bất di bất dịch của nhiều thế kỷ trước ; đối diện với những đòi hỏi của một xã hội hướng về tương lai, nơi tiếng nói của những người dân bình thường phải được chính quyền trân trọng, là những đàn áp khốc liệt với nhiều hình phạt thời trung cổ… Những nghịch lý càng hiện rõ khi Arập Xê út bị đặt trước tình thế phải thay đổi. Nhiều phản ứng bột phát  của Arập Xê út trong năm 2015 vừa qua, dưới triều đại của gia tộc Salman, trong lúc các xung đột đòi hỏi những giải pháp thận trọng, đối thoại, hợp tác,  khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại.

Nh.Thạch

Theo AFP. AP, Reuters, RIA Novosti