3 biện pháp giải quyết căng thẳng thanh khoản ngân hàng

21:34 | 03/12/2011

884 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những ngày gần đây, lãi suất thị trường liên ngân hàng ở một số giao dịch lên tới trên 20%/năm, báo hiệu mùa căng thẳng thanh khoản đang gõ cửa các ngân hàng. Trong cuộc trao đổi với báo giới xoay quanh chủ đề tình trạng căng thẳng thanh khoản trong hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay, ông Deepak Mishra, Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, có ba biện pháp để giải quyết vấn đề này.

PV: Ông bình luận gì về nhận định đằng sau diễn biến lãi suất huy động ngoại tệ EUR, AUD… tăng vọt từ đầu tháng 11 đến nay chính là vấn đề thanh khoản tiền đồng?

Ông Deepak Mishra: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đặt ra quy định về trần lãi suất huy động đối với tiền đồng, USD nhưng lại không có quy định về lãi suất huy động đối với EUR hay AUD… nên các ngân hàng có thể tương đối tự chủ trong việc điều chỉnh trần lãi suất các ngoại tệ này. Vậy, nếu ngân hàng muốn thu hút tiền gửi các ngoại tệ đó thì việc nâng lãi suất huy động cũng là chuyện bình thường. Nhưng, câu chuyện căng thẳng thanh khoản rõ ràng là cũng có bởi chúng ta có thể thấy sự tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay chỉ mới đạt 9% mà thôi, trong khi tăng trưởng tín dụng cả năm 2010 khoảng 32%. Rõ ràng là có sự giảm sút tín dụng rất lớn và đây là một vấn đề liên quan đến chính sách thắt chặt tiền tệ. Bên cạnh đó, chúng ta cũng nhìn thấy bản thân nền kinh tế đang phát triển chậm lại, như vậy, nhu cầu tiền tệ cũng giảm xuống.

Ông Deepak Mishra

PV: Các ngân hàng nhỏ chịu tác động của câu chuyện thanh khoản như thế nào?

Ông Deepak Mishra: Khi tôi nói về các ngân hàng nhỏ thì cũng có ý ám chỉ về các ngân hàng yếu, bởi chúng ta có thể thấy các ngân hàng này có nguồn vốn đăng ký thấp, có ít chi nhánh để có thể huy động vốn và tỉ lệ tín dụng trên vốn cũng rất thấp. Tất nhiên, khi nhìn vào các chỉ tiêu hoạt động của các ngân hàng có quy mô nhỏ, chúng ta có thể thấy rằng không phải tất cả các ngân hàng nhỏ đều là các ngân hàng yếu. Mặc dù NHNN đã hỗ trợ các ngân hàng yếu hơn thông qua việc bơm thanh khoản nhiều hơn, tuy nhiên, NHNN cũng ám chỉ rằng, nếu những ngân hàng yếu này không đáp ứng được các tiêu chuẩn của ngành thì sẽ buộc phải sáp nhập.

PV: Báo cáo tài chính cũng cho thấy, các ngân hàng lớn hiện nay đều có khoản nợ xấu khá lớn. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Ông Deepak Mishra: Trên thực tế, các ngân hàng lớn đều có những vấn đề liên quan đến nợ xấu, nhưng chưa đến mức trở thành vấn đề lớn khiến chúng ta phải quan ngại. Ở đây, cũng có một vấn đề đó là có thể là những khoản nợ xấu chưa thực sự được phản ánh đúng ở trong hệ thống của các ngân hàng lớn. Mặc dù vậy, theo những gì chúng tôi được biết thì tình hình nợ xấu của các ngân hàng lớn không đến mức tồi tệ hơn so với những năm trước. Thời gian qua, việc một số doanh nghiệp Nhà nước hoạt động yếu kém cũng đã có ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của các ngân hàng quốc doanh. Tuy nhiên, các ngân hàng quốc doanh thường là các ngân hàng có mức tiền gửi rất lớn và như vậy, họ có thể chịu đựng những cú sốc này tốt hơn so với các ngân hàng nhỏ. Do đó, nếu so sánh mức độ rủi ro thì rõ ràng các ngân hàng nhỏ có mức độ rủi ro cao hơn.

PV: Theo ông, biện pháp nào để giải quyết vấn đề căng thẳng thanh khoản trong hệ thống ngân hàng hiện nay?

Ông Deepak Mishra: Theo tôi, có 3 vấn đề: Thứ nhất, có thể sáp nhập một số ngân hàng yếu vào các ngân hàng lớn hơn có bảng cân đối tài sản tốt hơn; Thứ hai, có thể lập công ty quản lý tài sản, đặc biệt là các tài sản xấu của các ngân hàng. Có thể để các ngân hàng yếu bán lại những tài sản xấu cho công ty này với mức giá thấp. Đây là cách thức mà Indonesia đã tiến hành để làm “sạch” lại bảng cân đối tài sản của các ngân hàng yếu trong giai đoạn khủng hoảng tài chính khu vực những năm 1997 -1998; Thứ ba, NHNN có thể kiểm tra xem xét từng ngân hàng và hỗ trợ các ngân hàng này về mặt thanh khoản và đề nghị các ngân hàng này phải thực hiện tái cấu trúc. Đó là một số giải pháp mà hiện nay theo tôi biết NHNN cùng các cơ quan khác vẫn đang thảo luận và chưa đưa ra kết luận cuối cùng.

Tuy nhiên, trong điều kiện môi trường kinh tế vĩ mô yếu kém, các nhà quản lý ngân hàng còn lưỡng lự khi buộc các ngân hàng phải hợp nhất hoặc để một số ngân hàng trong ngành phải phá sản. Những vấn đề chưa thể giải quyết được trong ngành ngân hàng có thể sẽ vẫn là mối quan ngại đối với Việt Nam trong những năm sắp tới.

An Thu