Yanukovich cầu cứu Tổng thống Putin điều quân tới Ukraine

08:00 | 04/03/2014

1,226 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vitaly Churkin cho biết, Tổng thống vừa bị lật đổ của Ukraine - ông Viktor Yanukovich đã gửi một bức thư cho Tổng thống Nga Putin, đề nghị người đứng đầu nước Nga sử dụng lực lượng quân sự tại Ukraine để tái lập luật pháp và trật tự tại nước này.

>> Moskva không có kế hoạch đưa ông Viktor Yanukovych quay trở lại

Trong cuộc họp khẩn cấp thứ ba của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm 3/3, Đại sứ Nga Churkin đã đọc bức thư của ông Yanukovich gửi Tổng thống Putin.

Bức thư ghi ngày gửi hôm 1/3 có đoạn: “Những hành vi khủng bố và bạo lực đang diễn ra công khai tại Ukraine, dưới sự xúi giục của các nước phương Tây. Người dân đang bị bức hại vì những lý do ngôn ngữ và chính trị. Vì vậy, trong thư này, tôi kêu gọi Tổng thống Nga, ông Putin, đề nghị ông sử dụng lực lượng vũ trang Liên bang Nga để tạo dựng tính hợp pháp, tái lập luật pháp, hòa bình, trật tự, ổn định và  bảo vệ người dân Ukraine”.

Sau khi đọc thư , ông Churkin giơ lên ​​một bản sao của thư gốc từ Yanukovich gửi ông Putin cho các thành viên Hội đồng xem xét

Nga đã kêu gọi tổ chức phiên họp khẩn cấp tại Hội đồng Bảo an gồm 15 nước thành viên, bàn về cuộc khủng hoảng Ukraine và làm rõ lập trường của Nga về trong vấn đề này. Theo đó, như tuyên bố của ông Churkin, Nga có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi của công dân Nga cũng như những người nói tiếng Nga tại đây. Moskva cũng xét thấy sự cần thiết phải đảm bảo thực hiện các thỏa thuận giữa ông Viktor Yanukovich và phe đối lập Ukraine.

Trao đổi với báo chí sau cuộc họp Hội đồng Bảo an, ông Churkin cho biết, điều quan trọng là các nghĩa vụ được quy định trong thỏa thuận ngày 21/2 phải được thực hiện. Theo đó, cần phải khởi động tiến trình cải cách hiến pháp, tính tới nguyện vọng của người dân tại tất cả các vùng và khu vực ở Ukraine.

Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc cũng khẳng định, mục tiêu của Nga không phải là đưa nhà lãnh đạo bị lật đổ Viktor Yanukovich trở lại nắm quyền, nhưng Moskva vẫn thừa nhận ông Yanukovich vẫn là Tổng thống hợp pháp của Ukraine. Đồng thời, số phận của Ukraine nên được quyết định bởi chính người dân nước này.

Lực lượng bảo vệ trước căn cứ hải quân Nga ở Sevastopol, Ukraine

Ông Churkin cũng nói thêm rằng, có thông tin mới về các hành động khiêu khích chống lại Hạm đội Biển Đen của Nga tại Ukraine.

Theo ông Churkin, các đơn vị tự vệ nhân dân đã được hình thành trong bối cảnh cuộc sống các công dân Nga và người nói tiếng Nga đang bị nguy hiểm và đe dọa bởi các phần tử cực đoan dân tộc chủ nghĩa ở Ukraine. Các đơn vị này thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trị an, ngăn chặn việc bao vây các cơ quan hành chính và buôn lậu một số lượng lớn vũ khí và chất nổ.

Trở lại với cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng bảo an, dù ngắn. nhưng bài phát biểu của ông Churkin đã gây ra những phản ứng gay gắt từ Mỹ, Anh, Pháp – những quốc gia cáo buộc Nga đang biện minh cho việc can thiệp quân sự vào Ukraine.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Samantha Power đã chỉ trích các tuyên bố của Nga là không có cơ sở thực tế và không có bằng chứng bạo lực nào chống lại người Nga hay cộng đồng ủng hộ Nga ở Ukraine.

"Có một thực tế là hiện nay máy bay phản lực của Nga đã vào không phận Ukraine. Hành động quân sự của Nga là một sự vi phạm luật pháp quốc tế. Căn cứ quân sự của Nga ở Ukraine vẫn được an toàn. Việc điều động quân của Nga là phản ứng trước một mối đe dọa tưởng tượng. Hành động quân sự không thể được biện minh dựa trên những mối đe dọa chưa từng xảy ra và không hề xảy ra", bà Power gay gắt.

Đại sứ Ukraine tại Liên Hiệp Quốc, Yuriy Sergeyev thì cho biết, Ukraine đã “không nhận được một câu trả lời thuyết phục” về lý do Nga đưa quân vào Crimea.

Đặc phái viên của Ukraine cũng kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế và cho biết, Nga đã đưa 16.000 quân vào bán đảo Crimea trong tuần qua cùng máy bay, tàu thuyền, máy bay trực thăng.

Trong khi đó, Liu Jieyi, đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc cho biết, Bắc Kinh lên án bạo lực cực đoan gần đây ở Ukraine.

“Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên giải quyết sự khác biệt thông qua khuôn khổ pháp lý” và để bảo vệ quyền lợi của tất cả mọi người, đại diện Trung Quốc nói.

Những ngày gần đây, do bất bình với lập trường phân biệt chống Nga của chính phủ lâm thời ở Kiev, cộng đồng người nói tiếng Nga, vốn tập trung ở các vùng phía Đông và phía Nam Ukraine đã biểu tình rầm rộ lên án Kiev và đòi ly khai, tự trị.

Tại Crimea, các nhà chức trách đã yêu cầu Moskva hỗ trợ và cho biết, sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 30/3 tới để xác định số phận khu tự trị Ukraine.

Linh Linh (theo RT)