Tiếp vụ tiết lộ bí mật của cựu nhân viên CIA Edward Snowden:

Washington muốn ám sát “người thổi còi”?

15:34 | 28/01/2014

2,535 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những thông tin được cựu nhân viên CIA Edward Snowden tiết lộ tại cuộc trả lời phỏng vấn với kênh truyền hình Đức ARD hôm 26/1 tiếp tục hâm nóng bê bối nghe lén của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA), cũng như cảnh báo những nguy cơ tiềm ẩn đối với các công ty nước ngoài làm ăn với các công ty Mỹ. Ngoài ra, Edward Snowden cũng lo ngại về tính mạng của mình sau khi đã tiết lộ những bí mật của NSA.

Giết người diệt khẩu?

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với kênh truyền hình Đức ARD hôm 26/1, cựu nhân viên CIA Edward Snowden cho rằng, mật vụ Mỹ đang tìm cách ám sát mình - Họ sẽ bắn 1 phát đạn vào đầu hoặc đầu độc khi tôi ra khỏi siêu thị và sau đó dựng hiện trường như thể tôi chết trong phòng tắm. Những lo ngại của Edward Snowden xuất hiện sau khi bài viết “Mật vụ Mỹ muốn Edward Snowden phải chết” được đăng tải trên kênh chia sẻ thông tin trực tuyến BuzzFeed.

Trước đó, dư luận và giới chuyên môn từng quan tâm tới tuyên bố của ông Anatoly Kucherena, luật sư của Edward Snowden khi cho biết, thân chủ của mình đang cân nhắc yêu cầu cảnh sát Nga bảo vệ sau khi cựu nhân viên CIA lo ngại về sự an toàn của bản thân. Sự việc này xuất hiện sau khi có nhiều lời đe doạ thủ tiêu từ quan chức Mỹ giấu tên trên các phương tiện truyền thông Mỹ. Trang tin BuzzFeed (Mỹ) từng dẫn lời một nhân viên tình báo Mỹ giấu tên mô tả chi tiết kế hoạch ám sát Edward Snowden. Trong khi đó một quan chức Lầu Năm Góc giấu tên cho biết: muốn cho một viên đạn vào đầu Edward Snowden. Sau khi đưa ra những bằng chứng kể trên, ông Anatoly Kucherena đã đề nghị cảnh sát Nga bảo vệ cựu nhân viên CIA.

Theo ông Anatoly Kucherena, Edward Snowden tuy đang được các bảo vệ riêng tháp tùng, nhưng họ không đủ khả năng đảm bảo an toàn cho cựu nhân viên CIA trước những lời đe doạ kể trên. Được biết, Edward Snowden sẽ đề nghị chính quyền Mỹ điều tra những phát ngôn đe dọa này - cho công bố danh tính của những quan chức giấu tên và tác giả của các thông tin kể trên. Giới truyền thông Nga từng đưa tin, Cơ quan tình báo Anh MI-6 đã lập kế hoạch bắt cóc Edward Snowden và Đại sứ quán Anh tại Moskva đã nhận được yêu cầu giúp đỡ để thực thi nhiệm vụ này. Tiết lộ này đến từ lời khuyến cáo của cựu nhân viên NSA Wayne Madsen gửi đồng nghiệp cũ của mình thông qua văn phòng của luật sư Anatoly Kucherena.

Theo tờ The Times, Edward Snowden đã phủ nhận cáo buộc “có thể là điệp viên của Nga” khi đánh cắp các tài liệu tình báo tuyệt mật (1,7 triệu hồ sơ từ một cơ sở của NSA tại bang Hawaii, Mỹ). Khi trả lời phỏng vấn với tờ The New Yorker, Edward Snowden cho rằng, việc gọi anh là “điệp viên Nga” thật lố bịch bởi chỉ hành động 1 mình, không có sự hỗ trợ của bất kỳ ai và cũng không có chính phủ nào đứng đằng sau các hoạt động của mình. Điều đáng nói là bài trả lời phỏng vấn này được mã hóa và chuyển từ Moskva, Nga.

Cũng tại cuộc trả lời phỏng vấn hôm 26/1, cựu nhân viên CIA Edward Snowden còn khẳng định, tình báo Mỹ sẵn sàng do thám các doanh nghiệp nước ngoài nếu thấy có lợi. Được biết, NSA do thám cả các ngành công nghiệp của những tập đoàn lớn, theo dõi các công ty Đức từng cạnh tranh với các công ty của Mỹ. Edward Snowden cho biết, khi nắm được thông tin của tập đoàn Siemens (Đức), NSA vẫn sử dụng thông tin này cho dù không liên quan tới an ninh quốc gia Mỹ. Cũng trong ngày 26/1, hãng tin Yondap (Hàn Quốc) dẫn lời một nguồn tin từ Mỹ cho biết, Washington đã cam kết với Seoul, theo đó Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye sẽ được loại khỏi danh sách các mục tiêu nghe lén của NSA.

Trước đó, Tổng thống Barack Obama từng nói với kênh truyền hình ZDF TV của Đức rằng, việc nghe lén điện thoại di động của Thủ tướng Merkel là một sai lầm và sẽ không lặp lại. Theo giới truyền thông, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ công du 4 ngày tới Hà Lan, Bỉ và Italia trong tháng 3/2014. Đây là lần đầu tiên ông Barack Obama đến thăm các thiết chế của Liên minh châu Âu (EU) trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai. Giới chuyên môn coi chuyến thăm này nhằm cải thiện quan hệ với các nước EU sau vụ cựu nhân viên CIA Edward Snowden tiết lộ về chương trình nghe lén điện thoại của Mỹ đối với lãnh đạo các nước đồng minh ở bên kia bờ Đại Tây Dương.

Cách đây không lâu tờ Financial Times (Mỹ) từng dẫn một nguồn tin cho biết, Chính phủ Ấn Độ đang lên kế hoạch rà soát lại dữ liệu lưu trữ về thị thực trong nước, để xem liệu cựu nhân viên CIA có đến nước này trong năm 2010 hay không. Và nếu Edward Snowden thực sự có đến Ấn Độ theo chỉ định ngoại giao hoặc chính thức từ Đại sứ quán Mỹ ở New Delhi, thì nước này sẽ chất vấn Washington về vấn đề này. Có tin nói rằng, cựu nhân viên CIA từng đến New Delhi năm 2010 nhân dịp tập huấn về an ninh điện tử của hãng đào tạo công nghệ thông tin Koenig (Ấn Độ). Ban giám đốc Koenig cho biết, Edward Snowden vào Ấn Độ bằng một thị thực du lịch, tương tự như những học viên ngoại quốc đăng ký các khóa học ngắn hạn của hãng này.

Sẽ ở lại Nga lâu dài?

“Nga có kế hoạch kéo dài thời gian tị nạn cho Edward Snowden” là thông tin đang được dư luận bàn luận sau khi ông Aleksei Pushkov, Chủ tịch ủy ban các vấn đề ngoại giao thuộc Hạ viện Nga đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới hôm 24/1. Theo ông Aleksei Pushkov, cựu nhân viên CIA sẽ không bị đuổi khỏi nước Nga nếu Edward Snowden không muốn như vậy. Đây là tin tốt đối với “Người thổi còi”, biệt danh của Edward Snowden. Cũng trong ngày 24/1, Russia Today cho biết, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder tuyên bố (lần đầu tiên): Washington có thể đàm phán với luật sư của Edward Snowden nếu cựu nhân viên CIA tỏ ra có trách nhiệm sau những thông tin do mình đánh cắp bị rò rỉ ra ngoài. Tuy nhiên ông Eric Holder lại cho biết, không thể cân nhắc một lệnh ân xá cho Edward Snowden.

Về phần mình, Edward Snowden không thể đưa ra quyết định vào thời điểm này. Edward Snowden cho biết, vẫn hy vọng trở lại nước Mỹ vào một ngày nào đó bởi đây là giải pháp tốt nhất cho tất cả các bên, nếu luật được cải tổ để bảo vệ mình. Cựu nhân viên CIA cho rằng, Mỹ đã dùng đạo luật 100 năm tuổi - cấm việc lấy lợi ích công cộng để biện hộ, để buộc tội mình và điều này đồng nghĩa với việc không có một cơ hội nào giúp anh được xét xử công bằng. Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên trang web Free Snowden, cựu nhân viên CIA khẳng định, không thể về Mỹ nếu không chắc chắn được đảm bảo về một phiên tòa công bằng. Edward Snowden cũng cho rằng, không phải tất cả các hoạt động gián điệp đều là xấu.

Tuyên bố của Edward Snowden được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Ủy ban Giám sát quyền riêng tư và tự do dân sự Mỹ (PCLOB) của chính quyền Mỹ kết luận: việc Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) thu thập bừa bãi dữ liệu điện thoại là bất hợp pháp và có rất ít giá trị trong việc chống khủng bố. Theo báo cáo dày 238 trang của PCLOB, chương trình nghe lén của NSA là bất hợp pháp và cần phải dừng lại bởi vi phạm quyền tự do ngôn luận theo Hiến pháp Mỹ, không phù hợp với luật về quyền riêng tư. PCLOB (là cơ quan do Quốc hội Mỹ lập ra năm 2004) cũng bác bỏ ý kiến cho rằng, hoạt động do thám của NSA có thể ngăn chặn một vụ tấn công khủng bố tương tự như “sự kiện 11/9/2001”. Báo cáo của PCLOB là tài liệu mới nhất trong những đánh giá về chương trình do thám của NSA kể từ khi cựu nhân viên CIA Edward Snowden tiết lộ những bí mật động trời.

Giới truyền thông cho biết, 3/5 thành viên của PCLOB khẳng định, chương trình giám sát của NSA thiếu cơ sở pháp l‎ý khả thi, đe dọa nghiêm trọng quyền riêng tư và tự do dân sự. Tổ chức Ân xá quốc tế Mỹ coi bản báo cáo của PCLOB là “chiếc đinh cuối cùng đóng vào cỗ quan tài chôn vùi chương trình thu thập dữ liệu điện thoại”.

Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney lại cho biết, Washington coi chương trình do thám của NSA là “hợp pháp” và Tổng thống Barack Obama đã đề ra các biện pháp cải tổ NSA. Tổng thống Barack Obama cho biết, đã tham khảo ý kiến với PCLOB trước khi quyết định đưa ra bản tuyên bố trước đó về hoạt động của NSA - đang yêu cầu hạn chế vấn đề này, nhưng vẫn phải tiếp tục thu thập dữ liệu để chống lại các vụ tấn công khủng bố. Trước đó, theo kết quả điều tra dư luận do Trung tâm nghiên cứu Pew và USA Today công bố ngày 21/1, 73% số người từng nghe bài diễn văn của Tổng thống Barack Obama về việc cải cách NSA cho rằng, đề xuất của ông không tạo ra thay đổi lớn trong việc bảo vệ quyền riêng tư của họ. Đa số người Mỹ không ủng hộ các cải cách hoạt động do thám của NSA do Tổng thống Barack Obama đề xuất trước đó. Đồng thời khẳng định, sẽ không từ bỏ quyền riêng tư để đổi lại sự an toàn khỏi nguy cơ tấn công khủng bố.

Đông Ngàn - Từ Sơn