Vụ nổ 11 người chết: Truy cứu trách nhiệm với ai?

19:00 | 27/02/2013

878 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ý kiến của các chuyên gia pháp lý, vụ cháy nổ làm 11 người thiệt mạng không thể truy cứu trách nhiệm hình sự những người có liên quan.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam phân tích: “Căn cứ pháp lệnh, nghị định và thông tư về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đã quy định các loại trên phải được bảo quản ở kho, nơi cất giữ và phải được bảo dưỡng đúng quy định”.

Theo đó, những vật liệu nổ trong kho phải được đảm bảo an toàn tuyệt đối và nơi cất giữ phải chấp hành nghiệm tắc bảo quản, xuất kho, nhập kho theo thông tư 13 của Bộ Công an. Thủ kho, cán bộ quản lý phải thường xuyên kiểm tra và bảo quản việc ẩm mốc, mất cắp, cháy nổ…

Vụ cháy nổ kinh hoàng đã cướp đi 11 sinh mạng vào rạng sáng 24/2.

 

Luật sư Hậu cũng cho rằng, đối với những doanh nghiệp biểu diễn nghệ thuật, ngoài giấy phép hoạt động thì phải làm thủ tục xin cơ quan Công an và người quản lý kho chất nổ phải được đào tạo bài bản. Có thể nói, quy định pháp luật đã thể hiện rất rõ.

Trong trường hợp nổ làm 11 người chết đã thấy đơn vị này quản lý không rõ ràng. Đây là lời cảnh báo đối với các đơn vị quản lý vật liệu nổ. Đã đến lúc, cơ quan chức năng cần phải có một chế độ quản lý chặt chẽ trong việc quản lý vũ khí, vật liệu nổ, quân trang quân dụng và là các vật liệu đặc biệt. Việc quản lý quá lỏng lẻo đã gây tác hại cho người dân và cần phải được xử lý nghiêm minh.

Đối với vụ việc cháy nổ làm 11 người thiệt mạng, luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó Chủ nhiệm đoàn luật sư TP HCM nhận định, nếu truy tố trách nhiệm hình sự thì phải xem xét đến tội danh: “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, tội danh này rất mơ hồ, chung chung và không thể chỉ rõ ai đã “thiếu trách nhiệm” trong vụ việc trên. Hậu quả của vụ việc thì đã rõ, cụ thể 11 người tử vong.

Nếu chỉ ra được những cá nhân “thiếu trách nhiệm” thì có lẽ phải lên đến hàng chục người. Đơn cử, những tổ chức đã đặt ông Phương “khói lửa” thực hiện cảnh cháy nổ phim trường, biết công ty Lạc Việt dùng mìn để gây hiệu ứng cho phim mà không tố cáo đã là “thiếu trách nhiệm”.

Đối với hàng xóm, một số người thỉnh thoảng thấy ông Phương chở súng đạn, vật liệu nổ về căn nhà trên mà không tố giác cũng là “thiếu trách nhiệm”. Hơn hết, chính quyền địa phương đã buông lỏng quản lý gây hậu quả nghiêm trọng cũng là “thiếu trách nhiệm”.

Do đó, xét về mức trách nhiệm hình sự “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là không thể. Nếu xét về trách nhiệm hình sự đối với cá nhân thì cần phải xem xét người đã gây ra hâu quả trên. Cụ thể ở đây, ông Phương “khói lửa” là người phải chịu trách nhiệm chính khi mang vật liệu nổ về nhà và để xảy ra thảm cảnh.

“Tuy nhiên, người gây ra tai nạn cũng chính là nạn nhân và đã qua đời nên vụ án không cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự một cá nhân nào”, luật sư Nghiêm cho biết.

Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Nguyễn Văn Hậu cũng đánh giá, chỉ cần xem xét mức trách nhiệm hành chính đối với cơ quan chức năng do buông lỏng quản lý để xảy ra hậu quả.

Hưng Long