Tin Thị trường: Giá dầu thế giới chìm trong sắc đỏ
![]() |
Ảnh: OP |
Giá dầu hôm nay chìm trong sắc đỏ
Tính đến đầu giờ chiều nay 5/5 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 56,33 USD/thùng - giảm 3,36%; trong khi giá chuẩn Brent dừng lại ở mức 59,4 USD/thùng - giảm 3,08%.
Tuần trước, sự lao dốc của giá dầu chịu tác động bởi lo ngại nhu cầu nhiên liệu giảm, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và mức thuế quan đánh vào hàng nhập khẩu của Mỹ; khả năng OPEC+ sẽ nới dài mức tăng sản lượng sang tháng 6; tín hiệu về việc Ả Rập Xê-út sẽ tiếp tục nới lỏng các biện pháp cắt giảm sản lượng và sẵn sàng ứng phó với giá dầu thấp trong khoảng thời gian dài.
Đáng chú ý là tại phiên họp ngày 3/5, OPEC+ đã nhất trí đẩy nhanh việc tăng sản lượng dầu trong tháng thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, OPEC+ sẽ tăng sản lượng trong tháng 6 thêm 411.000 thùng/ngày bất chấp giá giảm và dự báo nhu cầu yếu hơn.
Các nguồn tin của OPEC+ cho biết, Ả Rập Xê-út đang thúc đẩy OPEC+ đẩy nhanh việc gỡ bỏ các đợt cắt giảm sản lượng trước đó, để trừng phạt các thành viên gồm Iraq và Kazakhstan vì không tuân thủ hạn ngạch. Sản lượng dầu tháng 4 của Kazakhstan đã vượt hạn ngạch của OPEC+ mặc dù giảm 3%.
Trong tuần này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nhóm họp để đưa ra quyết định về chính sách tiền tệ. Ngân hàng Trung ương Mỹ đã nói rõ rằng họ không vội cắt giảm lãi suất vì thị trường lao động vẫn lành mạnh và rủi ro lạm phát vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, thị trường đang kỳ vọng mức cắt giảm lãi suất 90 điểm cơ bản của Fed vào cuối năm nay.
Giá khí tự nhiên tại Mỹ đảo chiều tăng
Ghi nhận vào đầu giờ chiều nay 5/5 (theo giờ Việt Nam), giá khí tự nhiên tại Mỹ đảo chiều tăng 1,49% lên mức 3.684 USD/mmBTU.
Mùa đông kết thúc tại bán cầu Bắc khiến nhu cầu sưởi ấm giảm, kéo theo nhu cầu tiêu thụ LNG tại các thị trường chính như Châu Âu và Châu Á tạm thời suy yếu. Tuy nhiên, sự suy giảm này không mang hướng dài hạn, đặc biệt trong bối cảnh các yếu tố địa chính trị và chính sách thương mại tiếp tục thúc đẩy nhu cầu LNG.
Tại châu Âu, dù nhu cầu hạ nhiệt so với tháng trước, lượng nhập khẩu LNG từ Mỹ vẫn duy trì ở mức cao. Trong tháng 3, EU nhập khẩu kỷ lục 7,04 triệu tấn LNG từ Mỹ, giảm xuống còn 5,88 triệu tấn trong tháng 4, nhưng vẫn vượt xa mức trung bình năm ngoái là 3,76 triệu tấn/tháng. Từ đầu năm 2025 đến nay, nguồn cung LNG từ Mỹ chiếm tới 55% tổng lượng LNG nhập khẩu của Châu Âu – con số mà Tổng thống Trump có thể xem là thành tựu chính sách năng lượng.
Tại Châu Á, Trung Quốc bất ngờ ngừng nhập khẩu LNG từ Mỹ, khiến các công ty Mỹ phải chuyển hướng tìm khách hàng khác trong khu vực. Thực tế, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn là những khách hàng lớn, trong khi Ấn Độ đang nổi lên như một điểm đến tiềm năng, một phần vì quốc gia Nam Á đang nỗ lực giảm thặng dư thương mại với Mỹ.
Tuy nhiên, Mỹ đang phải đối mặt với một vấn đề không nhỏ trong chuỗi cung ứng, khi quy định mới về phí cảng đối với tàu do Trung Quốc chế tạo, được công bố bởi Đại diện Thương mại Jamieson Greer, nhằm thúc đẩy ngành đóng tàu nội địa. Trong khi đó, hầu hết tàu chở LNG hiện nay đều do Trung Quốc hoặc Hàn Quốc sản xuất, và Mỹ không có tàu chở LNG nội địa nào, cũng như không đủ công suất đóng mới trước năm 2029.
Các tổ chức vận tải biển đã cảnh báo rằng quy định này sẽ đẩy chi phí vận chuyển tăng mạnh, làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu LNG.
EU giảm 18% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu
Liên minh Châu Âu đã cắt giảm 18% tổng lượng khí đốt qua đường ống và LNG nhập khẩu từ năm 2021 đến năm 2024, do mức tiêu thụ giảm 20%, một công cụ theo dõi lưu lượng khí đốt của Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA) cho hay.
Trong giai đoạn này, Châu Âu đã phải đối mặt với giá khí đốt tự nhiên cao kỷ lục sau cuộc xung đột Nga - Ukraine vào đầu năm 2022. Các hộ gia đình và doanh nghiệp tiêu thụ ít khí đốt tự nhiên hơn nhiều vào năm 2022 và 2023 vì giá cao ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng. Các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng của Châu Âu như xi măng, phân bón và sản xuất thép đã cắt giảm công suất sản xuất và đóng cửa các nhà máy và đơn vị sản xuất trong bối cảnh chi phí năng lượng tăng vọt. Do đó, mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên của EU ghi nhận giảm 20% trong giai đoạn 2021-2024.
Tổng lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu vào Lục địa già cũng giảm 18%.
Ana Maria Jaller-Makarewicz, nhà phân tích năng lượng hàng đầu tại IEEFA cho biết, EU đã giảm bớt sự phụ thuộc bằng cách hạn chế tiêu thụ khí đốt, đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu, chuyển hướng dòng khí đốt và sử dụng nhiều năng lượng tái tạo hơn.
Tuy nhiên, sự giảm phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên không chỉ là một lựa chọn mà chủ yếu là do ngành này đang gặp khó khăn và hóa đơn tiền điện tăng vọt.
Theo ước tính của IEEFA, với giá cả ổn định vào năm 2024, tổng lượng khí đốt và LNG nhập khẩu qua đường ống từ Nga của khối này đã tăng 19,5%.
Năm ngoái, Na Uy là nhà cung cấp khí đốt qua đường ống hàng đầu của EU trong khi Mỹ là nhà cung cấp LNG lớn nhất của EU, theo dữ liệu từ Eurostat.
Trong quý đầu tiên của năm 2025, Na Uy cung cấp 30% khí đốt và LNG của EU, tiếp theo là Mỹ với 25%, Nga với 14% và Algeria với 13%, theo dữ liệu của IEEFA.
Vào cuối mùa đông 2024/2025, Châu Âu đã tận dụng nhu cầu yếu của Châu Á và tăng lượng nhập khẩu LNG lên mức cao nhất từ trước đến nay vào thời điểm này trong năm.
Bình An
-
Tin Thị trường: Giá dầu thế giới chìm trong sắc đỏ
-
Các bên toan tính gì khi ký thỏa thuận khoáng sản Mỹ - Ukraine
-
OPEC+ làm thị trường choáng váng, các tổ chức đồng loạt hạ dự báo
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 5/5: Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ảnh hưởng đến nhu cầu dầu mỏ
-
Dự án Nhiệt điện LNG Nghi Sơn trị giá hơn 2,2 tỷ USD tái mời thầu