Các bên toan tính gì khi ký thỏa thuận khoáng sản Mỹ - Ukraine
![]() |
Mỏ khai thác ở Kryvyi Rih, Ukraine - Ảnh: Bloomberg |
Thỏa thuận này thiết lập một quỹ đầu tư chung để hỗ trợ tái thiết Ukraine sau xung đột và trao cho Mỹ quyền tiếp cận ưu đãi đối với các nguồn tài nguyên khoáng sản của Ukraine.
Một nửa doanh thu trong tương lai từ các dự án khai thác khoáng sản, khí đốt và dầu mỏ của Ukraine sẽ được đưa vào quỹ và miễn thuế, trong khi Mỹ sẽ đối ứng các khoản thanh toán bằng bất kỳ khoản viện trợ quân sự nào trong tương lai và được tính là một phần đóng góp của Washington.
Ngày nay, tài nguyên thiên nhiên ngày càng đóng vai trò quan trọng trong cán cân địa chính trị toàn cầu. Hiện tại, các hoạt động khai thác đất hiếm trên thế giới chủ yếu do Trung Quốc kiểm soát. Ukraine cũng là quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên, trong đó, họ sở hữu một lượng lớn đất hiếm chứa tới 22/50 kim loại trọng yếu để sản xuất các loại chip bán dẫn trong các thiết bị điện tử tiêu dùng, xe điện và các ứng dụng quân sự. Ngoài ra, Ukraine còn có trữ lượng lớn dầu mỏ, khí tự nhiên, sắt, uranium và vàng.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng và cuộc đua giành nguồn cung cấp khoáng sản quan trọng đang diễn ra ngày càng gay gắt trên toàn cầu, việc đảm bảo quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên chiến lược của Ukraine mang lại cho Washington một lợi thế đáng kể, nhất là khi Mỹ phải nhập khẩu hoàn toàn 12/50 loại khoáng sản được xác định là trọng yếu và 16 loại nữa Mỹ phụ thuộc 50% vào các nguồn từ bên ngoài.
Mặc dù, nội dung thỏa thuận không được công bố chính thức, nhưng theo các hãng tin của Mỹ, các công ty của Mỹ được quyền ưu tiên khai thác các mỏ mới ở Ukraine và hai bên cũng dự kiến sẽ thành lập một quỹ đầu tư chung, trong đó Ukraine sẽ đóng góp 50% tổng nguồn thu từ các dự án khai thác khoảng sản tại những khu vực mới ở nước này và hai bên có quyền biểu quyết ngang nhau trong việc quản lý quỹ.
Đáng chú ý, trong thỏa thuận mới ký không có điều khoản đòi Ukraine phải thanh toán cho Mỹ về các khoản viện trợ Washington đã cung cấp cho Kiev trong suốt hơn 3 năm qua như Tổng thống Trump từng đề cập, nhưng cũng không có cam kết cụ thể nào của Mỹ về đảm bảo an ninh đối với Ukraine sau khi cuộc chiến hiện nay ở Ukraine kết thúc như Tổng thống Volodymyr Zelensky luôn mong muốn.
"Không có đảm bảo quốc phòng chính thức nào trong thỏa thuận này, nhưng mỗi gói viện trợ quân sự mới do Mỹ cung cấp cho Ukraine đều được coi là đóng góp vốn", Thủ tướng Ukraine Denis Shmigal phát biểu tại Quốc hội Ukraine hôm 2/5. Cũng theo ông, "điều này khuyến khích chính quyền Mỹ tiếp tục và không ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine".
Hiện thỏa thuận khoáng sản giữa Mỹ và Ukraine đang chờ Quốc hội Ukraine phê chuẩn.
Theo truyền thông Mỹ, Ukraine đã hủy bỏ điều khoản đảm bảo an ninh như một phần trong thỏa thuận khoáng sản với Mỹ, sau khi Washington bác bỏ ý tưởng này.
Trong nhiều tháng qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết muốn ký kết thỏa thuận khoáng sản với Ukraine như một cách để Washington thu hồi số tiền đã hỗ trợ cho Kiev trong quá trình xung đột với Nga. Theo ông Trump, số tiền này khoảng 350 tỷ USD.
Bình An
Bloomberg
-
Tin Thị trường: Giá dầu thế giới chìm trong sắc đỏ
-
Các bên toan tính gì khi ký thỏa thuận khoáng sản Mỹ - Ukraine
-
OPEC+ làm thị trường choáng váng, các tổ chức đồng loạt hạ dự báo
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 5/5: Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ảnh hưởng đến nhu cầu dầu mỏ
-
Dự án Nhiệt điện LNG Nghi Sơn trị giá hơn 2,2 tỷ USD tái mời thầu