Vụ án Nguyễn Thị Bạch Tuyết: Có sự 'hội ý' trái luật?

16:12 | 11/12/2015

1,273 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong vụ án Nguyễn Thị Bạch Tuyết, ít nhất 2 lần, Viện Kiểm sát nhân dân thừa nhận đã “họp bàn và thống nhất” với tòa án và cơ quan điều tra...

Trong một văn bản mới đây, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh thừa nhận: Ngày 24/6/2015, lãnh đạo liên ngành tố tụng Thành phố gồm: Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và Tòa án đã họp bàn và thống nhất do việc điều tra bổ sung không thay đổi bản chất vụ án và hành vi chiếm đoạt tài sản của Tuyết nên lập luận buộc bị can đã chiếm đoạt 12,747 tỷ đồng của Công ty L&M Việt Nam vì số tiền này bị cáo đã rút hết, việc bị cáo sử dụng như thế nào không có ý nghĩa định tội, ông Yee có ký nhiều lệnh chuyển tiền nhưng ông không bàn bạc với Tuyết và không có chứng cứ chứng minh ông Yee nhận tiền do Tuyết đưa, nên không có cơ sở xử lý ông Yee Lip Chee. Hiện vụ án đang do Cơ quan điều tra khẩn trương điều tra bổ sung làm rõ một số vấn đề trong vụ án.

vien kiem sat nhan dan tp hcm thua nhan 2 lan hop thong nhat an
Luật sư Nguyễn Văn Kiệm

Tiếp đó, sau Công văn chỉ đạo của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh thêm một lần nữa phối hợp với Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh và Cơ quan CSĐT TP. Hồ Chí Minh khẩn trương thống nhất những vấn đề cần điều tra chứng minh làm rõ để nhanh chóng đưa vụ án ra xét xử theo quy định của pháp luật.

Về việc “họp bàn và thống nhất” của Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh, Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, Văn phòng Luật sư Phạm Sơn, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội khẳng định đây là hành vi “vi Hiến”.

Luật sư Kiệm phân tích cụ thể: Hiến pháp năm 2013 đã quy định những nguyên tắc về tổ chức và hoạt động thực hiện quyền tư pháp của Tòa án.Theo đó, nguyên tắc độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân; nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo.

Trong thời gian qua,việc nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án nói chung và nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa nói riêng luôn được Đảng, Nhà nước và cả xã hội quan tâm.

Cụ thể, Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 02/1/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới xác định “Việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, của người bào chữa… để ra những bản án, quyết định đúng pháp luật, có sức thuyết phục”..

Nghị quyết 49/NQ-TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 tiếp tục đề ra yêu cầu: “Đổi mới việc tổ chức phiên Tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, vai trò trách nhiệm của người tiến hành tố tụng theo hướng đảm bảo tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp…”.

Để đảm bảo nguyên tắc độc lập và chỉ tuân thủ pháp luật trong hoạt động xét xử,ngày 01/03/2007, Chánh án Tòa án Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Chỉ thị số 01, nêu rõ: “Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm chính về quản lí đối với các mặt công tác, đặc biệt là chất lượng xét xử, không được lạm dụng việc tổ chức công tác xét xử, trao đổi ý kiến về chuyên môn nghiệp vụ để hình thành chế độ duyệt án, áp đặt quan điểm cá nhân trái với nguyên tắc độc lập xét xử và chỉ tuân theo pháp luật trong việc giải quyết các vụ án…”.

Khoản 3 và 5, Điều 103 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm… Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”. Đây là những quy định mới, thể hiện sự kiên trì, quyết tâm đổi mới của Đảng và Nhà nước ta đối với tổ chức và hoạt động tư pháp, đặc biệt là tranh tụng trong xét xử.

Như vậy, việc thực hiện đảm bảo nguyên tắc khi xét xử thẩm phán độc lập chỉ tuân thủ pháp luật và việc thực hiện tranh tụng và nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa có ý nghĩa rất quan trọng trong tiến trình cải cách tư pháp nói chung và trong hoạt động xét xử nói riêng. Từ chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, không có đất cho“ báo án, duyệt án” tồn tại.

Việc “báo án” và thực hiện theo sự thống nhất về nội dung xử án (về tội danh,về mức án..) từ Chánh án và Ủy ban Tư pháp trước khi xét xử,  mà dư luận lâu nay vẫn gọi là án” bỏ túi”,”họp án, gán tội”, là vi phạm nguyên tắc độc lập xét xử của Thẩm phán đã được Hiến pháp và pháp luật quy định. Đây cũng là một trong những nguyên nhân oan sai trong tố tụng hình sự.

Thực trạng này không được chấn chỉnh, sẽ hạn chế nguyên tắc độc lập của thẩm phán và cũng triệt tiêu vai trò,vị thế của luật sư trong hoạt động tranh trụng tại phiên tòa xét xử công khai.

Luật sư Kiệm khẳng định: “Tôi nghĩ rằng, nếu có đầy đủ bằng chứng Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh tổ chức "họp án" với 03 cơ quan Tòa - Viện - Công an thì đây là hành vi "vi hiến". Việc này cần phải được cơ quan chức năng mà ở đây là Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo xử lý nghiêm minh.

Một việc cần làm ngay lúc này là rút vụ án lên Viện Kiếm sát nhân dân tối cao và Bộ Công an để làm rõ, tránh việc vụ án Nguyễn Thị Bạch Tuyết trở thành vụ án oan sai nghiêm trọng."

Phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác năm 2015 của Toà án nhân dân Tối cao ngày 19/1/2015, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chỉ đạo: “Khi tiến hành xét xử, Tòa án nhân dân các cấp cần quán triệt sâu sắc 3 nguyên tắc quan trọng đã được Hiến định, là: Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; tranh tụng trong xét xử được bảo đảm và quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm."