TP HCM: Tội phạm tham nhũng trong năm 2011 tăng cao

16:10 | 04/01/2012

397 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tại TP HCM, năm 2011, tội phạm tham nhũng phát hiện mới tăng cao hơn so với năm trước; Viện Kiểm sát Nhân dân TP HCM đã thụ lý và khởi tố mới 10 vụ với 31 bị can, tăng 3 vụ, 21 bị can so với năm 2010.

Các vụ việc điển hình như: vụ “tham ô tài sản”, “đánh bạc” do Trần Minh Long, Kế toán trưởng Kho bạc Nhà nước huyện Nhà Bè cùng đồng bọn thực hiện. Từ tháng 3/2011, Long nhiều lần giả chữ ký của giám đốc kho bạc trên các ủy nhiệm chi, chiếm đoạt số tiền trên 44,5 tỉ đồng dùng vào cá độ bóng đá.

Vụ bắt quả tang Phan Thanh Nhật và Nguyễn Anh Tuân là Giám đốc và chuyên viên phòng giao dịch Lê Quang Định, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) nhận hối lộ 98.500.000 đồng của công ty TNHH Đất Vàng Len để thông qua hồ sơ đề nghị vay vốn hơn 8 tỉ đồng của công ty.

Vụ “lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong thi hành công vụ”, “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” do Lê Tấn Đô, Giám đốc Phòng giao dịch Bình Chánh chi nhánh Tân Tạo, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam và Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Công ty TNHH TM-DV-DL Hải Hồng Hà thực hiện, gây thiệt hại cho phòng giao dịch Bình Chánh chi nhánh Tân Tạo, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam 50 tỉ đồng.

TP HCM họp tổng kết công tác phòng chống tham nhũng năm 2011.

Qua các vụ việc trên cho thấy, tình hình tội phạm tham nhũng vẫn diễn biến hết sức phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Số tiền bị chiếm đoạt và thất thoát của Nhà nước trong các vụ án tham nhũng cũng đặc biệt lớn từ vài chục đến vài trăm tỉ đồng. Đối tượng thực hiện hành vi phạm tội cũng vẫn là những công chức Nhà nước có chức, có quyền, thoái hóa, biến chất về đạo đức, lối sống đã câu kết với nhau hoặc câu kết với các đối tượng bên ngoài để thực hiện hành vi phạm tội.

Nhằm tăng cường công tác phòng chống tội phạm tham nhũng, Viện kiểm sát Nhân dân TP HCM đề nghị: Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, tập trung vào những khâu và lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như: thuế, hải quan, quản lý sử dụng đất đai, xuất nhập khẩu, ngân hàng, lĩnh vực sử dụng vốn viện trợ, vốn vay nước ngoài để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi phạm tội. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác vận động quần chúng, cơ quan, tổ chức, ban ngành, đoàn thể, nêu cao tinh thần đấu tranh phòng, chống tham nhũng, cung cấp thông tin tố giác tội phạm về tham nhũng cho cơ quan chức năng.

Ông Nguyễn Văn Yên, Phó Vụ trưởng Vụ 8, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng đánh giá: Năm 2011, với chỉ 10 vụ án tham nhũng được phát hiện mới ở TP HCM cho thấy số vụ tham nhũng được phát hiện chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình tham nhũng đang diễn ra. Đặc biệt là với một trung tâm kinh tế xã hội lớn như TP HCM nơi các hoạt động quản lý, kinh tế, tài chính, ngân hàng hết sức sôi động và tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tham nhũng. Các hành vi tham nhũng có mức độ nghiêm trọng vẫn chưa được phát hiện kịp thời và ngăn chặn có hiệu quả. Tỉ lệ thu hồi tài sản thất thoát do tham nhũng sau thanh tra còn thấp; công tác điều tra xét xử còn kéo dài. Đặc biệt, hầu hết các vụ án tham nhũng chỉ được phát hiện khi có đơn tố giác tội phạm tham nhũng từ quần chúng, đoàn thể, chưa có sự chủ động điều tra của cơ quan chức năng. Vì vậy, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn, khó phát hiện.

Mai Phương