Vụ án Huỳnh Ngọc Sĩ: Trách nhiệm vẫn chưa rõ?

07:05 | 03/09/2011

705 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong hai ngày 30 và 31/ 8, TAND Tối cao tại TP HCM mở phiên xử phúc thẩm vụ án nhận hối lộ đối với ông Huỳnh Ngọc Sĩ (nguyên Phó giám đốc Sở GTVT TP HCM, kiêm Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đại lộ Đông Tây). Vụ án vốn nóng sốt suốt 4 năm qua, nay có vẻ như được dần khép lại. Nghĩ cũng lạ! Một vụ nhận hối lộ tày đình như thế, ảnh hưởng đến thể diện quốc gia như vậy, nhưng chỉ mỗi một Huỳnh Ngọc Sĩ là bị cáo. Liệu các "quan tham" như Huỳnh Ngọc Sĩ có rút ra được bài học gì hay chưa?

Trách nhiệm thuộc về ai?

Lật lại hồ sơ vụ án Huỳnh Ngọc Sĩ, theo bản án sơ thẩm, trong thời gian làm Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đại lộ Đông Tây, ông Sĩ không làm đúng nhiệm vụ được giao, làm lợi cho phía nhà thầu Nhật Bản để nhận hối lộ 262.000USD. Các cựu quan chức của PCI đưa hối lộ cho ông Sĩ đã bị phía Nhật Bản xét xử. Trong suốt phiên tòa sơ thẩm vào tháng 10/2010, ông Sĩ liên tục chối tội, không thừa nhận những cáo buộc của bản cáo trạng. TAND TP HCM đã tuyên phạt ông Sĩ tù chung thân vì tội “Nhận hối lộ” với giá trị đặc biệt lớn.

Sau phiên sơ thẩm, ngày 29/10/2010, ông Sĩ gửi đơn kháng cáo không đồng ý với các nhận định của bản án sơ thẩm, cho rằng tòa quy kết ông nhận hối lộ 262.000USD là không có căn cứ. Trong đơn kháng cáo, ông Sĩ cho rằng mình không nhận hối lộ, không làm lợi cho PCI, việc công ty này thắng gói thầu tư vấn thiết kế hay được chỉ định gói thầu tư vấn giám sát… đều đúng theo trình tự, thủ tục quy định.

Ông Huỳnh Ngọc Sĩ sau phiên tòa phúc thẩm ngày 30/8

Về phía TAND TP HCM, sau phiên tòa sơ thẩm, đã tiếp tục đề nghị Viện KSND Tối cao, Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an điều tra tiếp 6 lần nhận hối lộ còn lại (trên 2 triệu USD) cũng từ PCI của Huỳnh Ngọc Sĩ. Cũng cần nhắc thêm, liên quan đến Dự án đại lộ Đông Tây, Huỳnh Ngọc Sĩ còn đang chấp hành án tù 6 năm về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ”.

Nhìn lại toàn bộ tiến trình điều tra xét xử vụ án Huỳnh Ngọc Sĩ kéo dài suốt từ năm 2008 đến nay, có thể nhận thấy rằng, vấn đề xử lý của các cơ quan tố tụng là rất chậm, nhất là đối với một vụ án vốn được dư luận quan tâm sát sao. Chưa kể diễn tiến còn chậm ngay cả ở phiên tòa phúc thẩm lần này, bởi vì tính từ thời gian ông Sĩ nộp đơn kháng cáo sau phiên sơ thẩm vào tháng 10/2010, nay đã gần một năm vụ án mới được đưa ra xử… phúc thẩm.

Việc chậm trễ được cho là có nhiều nguyên nhân, nhất là ở khâu điều tra truy tố, trong đó có việc cơ quan tố tụng không lường được hết các tình huống về việc sử dụng các chứng cứ của nước ngoài trong việc xét xử công dân Việt Nam như thế này. Có người cho rằng việc điều tra xét xử diễn ra khá chậm như vậy cũng có thể làm nguội đi những bức xúc trong dư luận và làm hạn chế đến tính răn đe của pháp luật.

Một vấn đề cũng khá “nhạy cảm” là có hay không có những quan chức khác liên quan đến vụ nhận hối lộ này? Mặt khác, trách nhiệm quản lý của những vị là “cấp trên” của ông Sĩ cần phải xác định như thế nào và được xử lý ra sao? Đây là điều mà cơ quan tố tụng vẫn chưa làm rõ hoặc liệu có vấn đề gì khúc mắc hay không? Nếu các cơ quan tố tụng càng làm rõ đến nơi đến chốn và xử lý vụ án tuy có chậm nhưng cũng thật chắc, thật nghiêm thì sẽ càng làm cho người dân tin tưởng vào tính minh bạch, nghiêm minh của luật pháp.

Chống tham nhũng phải tối ưu luật

Trên thực tế, sự nghi ngại về vấn nạn các quan chức nhận hối lộ từ các doanh nhân nước ngoài để giúp sức, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư là có thật. Nếu nhìn từ vụ án nhận hối lộ điển hình của ông Huỳnh Ngọc Sĩ, để hạn chế vấn nạn này thì cần phải xử lý nghiêm, kịp thời tất cả các vụ nhận hối lộ có yếu tố nước ngoài khi cơ quan chức năng phát hiện.

Thời gian qua đã có một số vụ tham nhũng liên quan đến các quan chức Việt Nam có mang yếu tố nước ngoài hoặc được thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam nên công tác điều tra, thu thập chứng cứ gặp nhiều khó khăn, nhất là ở những quốc gia mà Việt Nam chưa từng ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp. Do đó, điều mà các cơ quan thực thi pháp luật cần làm lúc này là sớm bổ sung và tối ưu hệ thống pháp luật cho phù hợp với luật pháp quốc tế, ký kết các hiệp định hỗ trợ tư pháp và dẫn độ tội phạm.

Hơn thế nữa, các cơ quan thực thi pháp luật của ta cũng cần tăng cường quan hệ phối hợp với các tổ chức cảnh sát quốc tế, xây dựng các văn bản hướng dẫn cụ thể việc áp dụng các điều luật về tội phạm tham nhũng trong Bộ luật Hình sự theo chiều hướng tăng tiền phạt tối đa, ban hành luật giám định tư pháp, xây dựng các văn bản quy định quan hệ phối hợp giữa các lực lượng tiến hành tố tụng.

Rút ra bài học từ vụ nhận hối lộ của Huỳnh Ngọc Sĩ, thiết nghĩ các cơ quan thực thi pháp luật cũng cần rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện nay để xem cần điều chỉnh những gì cho phù hợp, để việc điều tra, xét xử các vụ án tham nhũng phức tạp có yếu tố nước ngoài ngày càng rốt ráo và chặt chẽ. Điều đó cũng đòi hỏi các cán bộ phòng chống tham nhũng cũng cần tăng cường hơn nữa trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Dích dắc của nạn đưa hối lộ

Nhìn lại vụ án Huỳnh Ngọc Sĩ và những vụ án tham nhũng trong thời gian gần đây mới thấy rằng những dích dắc trong vấn nạn nhận hối lộ của một số quan chức đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ chính các doanh nghiệp. Thực tế hiện nay có tình trạng nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước thường xem những khoản chi không chính thức cho quan chức như một sự tất yếu, là một phần chi trong hoạt động kinh doanh để mong sớm đạt được hiệu quả lợi ích cho doanh nghiệp. Phần chi phí không chính thức này thực chất chính là phần tiền hối lộ cán bộ, công chức để doanh nghiệp có được những hợp đồng béo bở, những lợi thế cạnh tranh với các doanh nghiệp khác.

Theo khảo sát của Tập đoàn Ernst & Young và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) từ hơn 3 năm trước: có tới hơn 60% doanh nghiệp bị đòi hối lộ và 96% doanh nghiệp liên quan đến tham nhũng. Không chỉ vậy, có đến 48% doanh nghiệp trong khảo sát của Tập đoàn Ernst &Young đã từng mất hợp đồng, mất cơ hội làm ăn vì không đưa hối lộ. Đây quả là vấn đề cần phải rung hồi chuông cảnh báo đối với cộng đồng doanh nghiệp và các quan chức trong việc xây dựng các mối quan hệ làm ăn và kinh doanh không chân chính.

Có thể nhận ra, trong vụ Huỳnh Ngọc Sĩ, một trong những thủ đoạn phổ biến là đưa hối lộ để dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ODA, bằng vốn viện trợ không hoàn lại… Do đó, phải làm rõ đâu là nguyên nhân dẫn đến hành vi móc ngoặc hối lộ của đối tác nước ngoài và đâu là hành vi nhũng nhiễu, gạ gẫm nhận hối lộ của quan chức. Chỉ đến khi nào tìm ra biện pháp hữu hiệu, thiết thực nhất nhằm tăng cường văn hóa liêm chính trong quan chức và trong kinh doanh thì đến khi đó mới góp phần phòng ngừa và chống tham nhũng có hiệu quả. Và chỉ có như vậy thì nạn quan chức nhận hối lộ mới hy vọng được đẩy lùi.

 Thế Vinh