Với Shinzo Abe, Nhật Bản đang hồi sinh?

07:00 | 12/05/2013

892 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau thời kỳ giảm phát kéo dài và tăng trưởng trì trệ, nền kinh tế Nhật Bản đã bắt đầu xuất hiện những tín hiệu tích cực nhờ những cải tổ chính sách tài chính và tiền tệ của Thủ tướng Shinzo Abe. Bên cạnh đó, chính sách “hướng Nam” mà ông Shinzo Abe gọi là “Chiến lược An ninh dân chủ kim cương” cũng đang phát huy tác dụng, giúp củng cố và nâng cao vị thế của Nhật Bản trên trường quốc tế và tăng cường vòng vây án ngữ Trung Quốc bên cạnh chính sách “tái định vị” của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương và chính sách “hướng Đông” của Ấn Độ. Dư luận thế giới thực sự đang có niềm tin vào sự hồi sinh của đất nước Mặt Trời mọc với ông Shinzo Abe.

“Abenomics” và chính sách “3 mục tiêu”

Trong diễn văn đầu tiên trước Quốc hội kể từ khi nhậm chức vào tháng 12/2012, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã khẳng định: “Vấn đề lớn nhất và áp lực nhất mà Nhật Bản đang phải đối mặt là tái sinh nền kinh tế”, đồng thời khẳng định sự cần thiết phải khắc phục tình trạng giảm phát và kích thích nền kinh tế chìm trong suy thoái kéo dài và nợ công đã ở ngưỡng nguy hiểm (gấp 2 lần GDP).

Để thực hiện cam kết đưa Nhật Bản quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng vốn có này, ông Abe công bố áp dụng chính sách cải tổ toàn diện tài chính và tiền tệ với 3 mục tiêu gồm: Nới lỏng tiền tệ tích cực, chi tiêu ngân sách linh hoạt và tập trung đầu tư cho khu vực tư nhân. Dù vẫn còn tồn tại nhiều nghi vấn về việc chính sách mà giới học thuật gọi là “Abenomics” (chính sách kinh tế của ông Abe) có phát huy tác dụng để tái sinh nền kinh tế lớn thứ ba thế giới hay không nhưng các thị trường Nhật Bản bước đầu đã cho những dấu hiệu tích cực.

Thủ tướng Shinzo Abe - người được kỳ vọng sẽ làm hồi sinh nước Nhật

Theo các số liệu do Bộ Tài chính Nhật Bản công bố hồi đầu tháng 4 vừa qua, chi tiêu hộ gia đình trong tháng 2 tại Nhật Bản đã tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức dự báo 0,2% của các chuyên gia. Khảo sát của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cũng cho thấy niềm tin kinh doanh tại Nhật Bản đã được cải thiện đáng kể. Chỉ số niềm tin của các nhà sản xuất lớn tăng 4 điểm trong quý I/2013 sau khi giảm liên tiếp trong 2 quý trước đó.

Bên cạnh đó, hoạt động bảo lãnh cổ phiếu và trái phiếu của các ngân hàng đầu tư Nhật Bản cũng bùng nổ mạnh mẽ. Theo dữ liệu thống kê của Bloomberg, kể từ đầu năm đến nay, các công ty Nhật Bản đã phát hành số cổ phiếu có tổng trị giá 1.700 tỉ yên (tương đương 17 tỉ USD), tăng gấp 3 so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng trái phiếu doanh nghiệp tăng lên 3.100 tỉ yên, mức cao nhất kể từ năm 2009. Không chỉ có vậy, các ngân hàng này cũng được hưởng lợi từ mảng môi giới chứng khoán bởi thị trường chứng khoán liên tục tăng điểm với hàng loạt các gói kích thích kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp ở Nhật Bản nhờ đó cũng chưa bao giờ vượt quá 5,8%.

Có thể còn quá sớm để khẳng định về tính hiệu quả của chính sách cải cách tiền tệ và tài chính mà chính phủ của Thủ tướng Abe đang thực hiện nhưng dư luận thế giới rất kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này nói riêng, cũng như góp phần đẩy nhanh quá trình phục hồi và tăng trưởng của kinh tế khu vực và toàn cầu nói chung.

 “Khối kim cương” kiềm tỏa Trung Quốc

Chỉ chưa đầy 5 tháng sau khi lên cầm quyền, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã tiến hành một loạt động thái chinh phục cảm tình của các quốc gia hoặc là láng giềng, hoặc lân cận và đang có mối quan hệ hữu hảo với Trung Quốc như Mỹ, Ấn Độ, Nga, Việt Nam, Philippines, Myanmar, Thái Lan, Mông Cổ, Australia… Có thể kể ra một chuỗi sự kiện cụ thể trong và sau mỗi chuyến viếng thăm của giới lãnh đạo Nhật Bản tới các nước này: Tokyo tăng cường quan hệ quân sự với Washington, gia tăng ngân sách quốc phòng, hào phóng sử dụng Quỹ ODA để trang bị cho lực lượng tuần duyên Philippines 12 tàu chiến và 10 tàu đổ bộ cho Philippines, xem xét khả năng bán tàu ngầm tối tân Soryu cho Australia và Việt Nam, xuất khẩu sang Ấn Độ loại thủy phi cơ cứu hộ US-2 hiện trang bị cho lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản…

Những động thái này này được giới phân tích quốc tế đánh giá là nằm trong chiến lược “định vị hướng Nam” của Tokyo mà Thủ tướng Shinzo Abe gọi là “Chiến lược an ninh dân chủ kim cương”, trong bối cảnh sự trỗi dậy của Trung Quốc đang tác động đến mọi mặt của đời sống chính trị, an ninh, xã hội và quân sự trong khu vực.

Sau nửa thế kỷ tự kiềm trong chính sách hiếu hòa, Nhật Bản bắt đầu chuyển mình để đảm nhận vai trò của một đại cường quốc kinh tế và quân sự. Trong thông điệp 31/1/2013 gửi Quốc hội, Thủ tướng Shinzo Abe thông báo ông muốn “tu chỉnh bản Hiến pháp” được soạn thảo dưới sức ép của Hoa Kỳ sau Thế chiến thứ II, ngăn cấm Nhật Bản vĩnh viễn không được sử dụng đến chiến tranh.

Ông Abe mong muốn xây dựng một chiến lược địa chính trị mới “hướng Nam” và đặt tên là “An ninh dân chủ kim cương” liên kết tất cả những quốc gia từ Ấn Độ kéo dài xuống Đông Nam Á và đến tận Australia. Tất cả những quốc gia này có cùng một mối quan ngại chung là bị sức mạnh quân sự của Trung Quốc đe dọa. Để có thể chủ động trong thế phân tranh Washington - Bắc Kinh, chiến lược “An ninh dân chủ kim cương” được Tokyo xây dựng với 4 quốc gia trụ cột là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia. Tuy không nói ra, nhưng ai cũng hiểu đối tượng nằm trong tầm ngắm của vòng đai này là Trung Quốc.

Khái niệm “An ninh dân chủ kim cương” thực ra đã được ông Shinzo Abe trình bày lần đầu tiên vào năm 2007 khi ông đi thăm Quốc hội Ấn Độ với tư cách Thủ tướng Nhật Bản. Ông trình bày khái niệm về sự giao thoa giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương mà ông cho rằng, có nhiều điểm chung về hòa bình, ổn định, tự do lưu thông hàng hải. Nhưng ông cũng lập luận là khi Trung Quốc coi 85% Biển Đông là “ao nhà” của Trung Quốc thì điều này gây tai hại cho giao thương hàng hải. Đến tháng 12/2012, trước bầu cử Quốc hội tại Nhật, ông Shinzo Abe tiếp tục phổ biến bài tham luận của ông dưới cái nhan đề “An ninh dân chủ kim cương” tại châu Á.

Trong cốt lõi, ông Abe nói rằng, thái độ quyết liệt, hung hăng của Trung Quốc tại biển Hoa Đông và Biển Đông đã tạo ra sự “ưu tiên” cho chính sách ngoại giao của Nhật Bản và Nhật Bản phải mở rộng tầm nhìn chiến lược. Cũng theo ông Abe, Nhật Bản là một cường quốc hàng hải và dân chủ lâu đời nên sự lựa chọn chiến lược của Nhật Bản cũng phản ảnh thực tế đó: 4 nước Australia, Ấn, Mỹ và Nhật hợp thành một chuỗi kim cương bảo vệ tài sản chung của nhân loại, bảo vệ tự do giao thông hàng hải trong khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương…

Tựu chung lại, chính sách “An ninh dân chủ kim cương” có thể coi như là phản ứng chiến lược hợp lý của Nhật Bản đối với sự trỗi dậy đang là mối đe dọa với khu vực của Trung Quốc. Tầm nhìn này đại diện cho quá trình tiến triển tự nhiên của một trật tự khu vực châu Á hiện tại và sự đoán biết tương lai - nơi các nền dân chủ tự do của châu lục chia sẻ trách nhiệm lớn hơn với Mỹ trong nỗ lực gìn giữ hòa bình. Nó cũng là tầm nhìn không tương hợp với định dạng tương lai “Trung Quốc làm trung tâm” mà Bắc Kinh theo đuổi.

Linh Linh (tổng hợp)