Vì sao tái diễn ùn tắc giao thông?

10:21 | 03/05/2013

1,512 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Bộ mặt giao thông đô thị thời gian gần đây đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, nhiều giải pháp mạnh mẽ đã được đưa ra. Tuy nhiên, cứ sau mỗi sự kiện lớn, người dân đổ về các đô thị đông thì tình trạng ùn tắc lại tái diễn. Vì sao vậy?

Chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về lĩnh vực giao thông đô thị – TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải cho rằng, vấn nạn ùn tắc giao thông chưa “thông” xuất phát từ sự thiếu tầm nhìn từ nhiều năm trước. Và bài toán ùn tắc sẽ không thể giải quyết nếu hạ tầng tiếp tục yếu kém và không phát triển hệ thống giao thông công cộng.

Phóng viên Petrotimes trao đổi với TS. Nguyễn Xuân Thủy về vấn đề này.

Petrotimes: Trong thời gian qua, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM đã áp dụng rất nhiều các giải pháp tình thế như phân làn đường, bịt ngã tư, xây cầu vượt… Nhưng tình trạng ùn tắc vẫn diễn ra, đặc biệt sau mỗi kỳ nghỉ kéo dài. Vì sao vậy thưa TS?

TS. Nguyễn Xuân Thủy: Trước tiên phải thừa nhận vấn đề hạ tầng cũng như hệ thống giao thông công cộng ở hai thành phố này rất yếu kém. Trong khi các giải pháp tình thế cũng chưa thực sự mang lại hiệu quả.

Đối với việc phân làn ở Hà Nội hiện nay thiếu khoa học, thiếu tính thực tiễn, chỉ mang lại hiệu quả thấp. Những dải phân làn cứng không những phản cảm mà còn giảm lưu thông của phương tiện.

TS. Nguyễn Xuân Thủy

 

Tương tự đối với TP HCM khi áp dụng phân làn lại dành phần đường cho ôtô quá rộng, nhưng với xe máy – phương tiện tham gia giao thông chính hiện nay lại quá hẹp. Đã vậy khi xảy ra ùn tắc tại phần đường dành cho xe máy, mặc dù lực lượng chức năng có mặt nhưng lại không điều chỉnh kịp thời.

Còn đối với cầu vượt lại xây dựng quá chậm, đã vậy còn thiếu đồng bộ, chỗ có chỗ không. Từ đó đã dẫn đến thực trạng điểm giao cắt này thông, nhưng điểm giao cắt khác lại tắc vì các dòng phương tiện đổ về quá lớn. Tình cảnh tương tự cũng xảy ra khi áp dụng giải pháp bịt ngã tư, chỗ bịt được thông nhưng lại tạo ra sự giao cắt dẫn đến ùn tắc tại các vị trí khác.

Petrotimes: Muốn giải quyết được bài toán ùn tắc thì vấn đề quy hoạch phải có tầm nhìn. Phải chăng điều này chúng ta chưa có nên tình trạng ùn tắc vẫn diễn biến phức tạp?

TS. Nguyễn Xuân Thủy: Đúng là hiện nay chúng ta đang thiếu tầm nhìn, lại phát triển rất chậm. Ví như việc xây dựng hệ thống cầu vượt sông Hồng, năm 1992 làm cầu Long Biên, đến năm 1985 mới có thêm hai cây cầu Thăng Long và Chương Dương. Sau đó đến 2008 mới có cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy. Ngoài ra chúng ta còn quá chậm trong phát triển hệ thống tàu điện – phương tiện rất phổ biến mà hầu như thành phố nào trên thế giới với dân số trên một triệu dân cũng đều có. Còn nhớ trước đây Pháp xây dựng tàu điện cho thủ đô, nhưng rất tiếc nó lại bị dỡ bỏ.

Hơn 20 năm trước bản thân tôi và nhiều nhà khoa học khác đã nhiều lần kiến nghị cần phát triển hệ thống giao thông công cộng này. Nhưng thật đáng tiếc đến bây giờ ở hai thành phố Hà Nội và TP HCM vẫn chưa có tàu điện ngầm hay đường sắt nội đô. Tương tự, lẽ ra chúng ta đã phải triển khai xây dựng các ngã tư lập thể với hệ thống cầu vượt đồng bộ từ 15 năm trước. Đến bây giờ thấy thực sự cần thiết mới xây dựng rồi lại sớm phá bỏ, gây lãng phí.

80% nguyên nhân gây ùn tắc giao thông xuất phát từ yếu tố hạ tầng và hệ thống giao thông công cộng. Đây là hậu quả của việc buông lỏng quản lý, xây dựng hạ tầng giao thông trong một thời gian dài.

 

Petrotimes: Bên cạnh vấn đề quy hoạch, nhiều ý kiến còn cho rằng nguyên nhân gây ùn tắc còn xuất phát từ sự thiếu ý thức của người tham gia giao thông. TS quan niệm thế nào về việc này?

TS. Nguyễn Xuân Thủy: Nếu ùn tắc mà cứ đổ lỗi cho ý thức thì thật không đúng. Tôi lấy ví dụ sau kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua, dòng người và các phương tiện cứ ùn ùn đổ về các thành phố lớn. Trong khi đó đường sá lại hẹp như vậy thì làm sao dòng chảy phương tiện thông được. Dù có ý thức đến mấy thì ùn tắc cũng không thể tránh khỏi. Ùn tắc có nguyên nhân từ ý thức của người tham gia giao thông, nhưng theo tôi nó chỉ chiếm dưới 10%, còn phải đến 80% xuất phát từ yếu tố hạ tầng và hệ thống giao thông công cộng.

Petrotimes: Theo TS, hệ thống giao thông công cộng đã đáp ứng được bao nhiêu phần trăm nhu cầu đi lại của người dân?

TS. Nguyễn Xuân Thủy: Chắc cũng chỉ được khoảng 10%. Đơn cử như phương tiện xe buýt công cộng, ở Hà Nội hiện nay chỉ có khoảng hơn 1 nghìn chiếc, trong khi nhu cầu phải cần khoảng 25 nghìn chiếc. Hay đối với TP HCM hiện chỉ có 3 nghìn xe, trong khi để đáp ứng đầy đủ nhu cầu thực tế thì phải cần đến 30 nghìn chiếc.

Petrotimes: Để giải quyết có hiệu quả bài toán ùn tắc giao thông, theo TS đâu là giải pháp tối ưu nhất hiện nay?

TS. Nguyễn Xuân Thủy: Tôi cho rằng giải pháp quan trọng số một để ngăn ngừa ùn tắc giao thông phải là đẩy mạnh phát triển hạ tầng và phương tiện giao thông công cộng. Nếu không làm được hai điều này thì dẫu ý thức của người tham gia giao thông có cải thiện đến đâu đi chăng nữa cũng không thể giải quyết được ùn tắc giao thông hiện nay.

Tôi lại phải nhấn mạnh rằng, không một thành phố phát triển nào trên thế giới mà lại không phát phát triển hệ thống giao thông công cộng từ xe buýt, tàu điện ngầm, đường sắt trên cao… Muốn giải quyết được vấn nạn ùn tắc chúng ta phải thực sự chú trọng đến điều này.

Petrotimes: Xin cảm ơn TS! 

 

Trà My