Vì sao bức tượng Mao Trạch Đông bị phá bỏ?

10:19 | 11/01/2016

19,503 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một bức tượng Mao Trạch Đông khổng lồ đã bị đập bỏ chỉ vì xây dựng trái phép?
vi sao buc tuong mao trach dong bi pha bo
Bức tượng Mao Trạch Đông cao 37m được mạ vàng và tốn đến 3 triệu Nhân dân tệ tại tỉnh Hà Nam

“Sĩ diện hão” ở tỉnh nghèo

Ngày 8/1/2016, trang web People’s Net của Trung Quốc đưa tin bức tượng Mao Trạch Đông, mạ vàng, cao đến 37 mét, đặt tại một cánh đồng ở tỉnh Hà Nam thuộc miền trung Trung Quốc, đã được dỡ bỏ một cách bí mật chỉ ít ngày sau khi khánh thành. Lý do bị phá hủy không được trang mạng này nói rõ.

Tuy nhiên, trước đó, dư luận Trung Quốc đã xôn xao về bức tượng Mao Trạch Đông ngồi trên ghế bành, đôi tay bắt chéo tại tỉnh Hà Nam. Pho tượng này mất đến 9 tháng thi công và đã hoàn thành trong tháng 12/2015.

Hàng nghìn cư dân mạng Trung Quốc khi ấy đã dám chỉ trích vì pho tượng Mao khổng lồ đó tốn đến 3 triệu nhân dân tệ - tương đương với 420.000 euro, nhờ vào sự tài trợ của một nhóm doanh nhân ở Hà Nam. Trên các diễn đàn xã hội, cư dân mạng tự hỏi: “Tại sao lại không sử dụng số tiền đó để cải thiện giáo dục, chất lượng sống tại vùng nghèo đói Hà Nam?”

Do đó, pho tượng này đã không thể kháng cự lại được trước sức ép dư luận. Bức tượng Mao Trạch Đông đã bị hạ bệ một cách âm thầm, bị cắt thành ba khối…

Nhưng vì muốn tôn trọng nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông, khi tháo dỡ bức tượng người ta đã phủ một tấm khăn đen lên đầu tượng và một lý do nghe rất hợp lý được đưa ra. Tờ Nhân dân nhật báo của Trung Quốc ngày 8/1 cho biết bức tượng bị phá hủy vì xây dựng trái phép. Tờ báo này dẫn các thông tin không rõ nguồn cho biết pho tượng “chưa đăng ký và cũng chưa được chính quyền địa phương phê duyệt”.

Vào lúc chiến dịch chống lãng phí đang rầm rộ diễn ra, việc dựng tượng để tuyên truyền về một thời đại khác không được chào đón. Kể từ khi lên cầm quyền, Chủ tịch Tập Cận Bình truy lùng nạn tham nhũng và các chi tiêu vô bổ.

Cố chủ tịch Mao Trạch Đông là người đứng đầu đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 1943 đến khi qua đời. Ông đã có rất nhiều đóng góp cho sự phát triển của Đảng. Đương kim Chủ tịch Tập Cận Bình đã ca ngợi Mao Trạch Đông là một nhân vật vĩ đại, áp dụng một phần lý luận và tính chất tập trung quyền lực trong thời Mao Trạch Đông vào điều hành đất nước hiện nay.

vi sao buc tuong mao trach dong bi pha bo
Phần đầu bức tượng bị phá bỏ

Sức mạnh của dư luận Trung Quốc

Sự phát triển mạnh mẽ trong năm qua đã đưa mạng xã hội trở thành một công cụ độc đáo và hiệu quả để tố giác hàng loạt quan chức nhũng nhiễu và nạn tiêu xài lãng phí ở Trung Quốc.

Từ cuối năm 2012, nhiều người dân Trung Quốc tích cực sử dụng blog, diễn đàn mạng xã hội để vạch mặt quan tham từ cấp địa phương đến trung ương. Mạng xã hội Weibo đang thực sự là kẻ thù, mối lo của các quan tham và quan dâm Trung Quốc. Hàng loạt quan chức đã bị ngã ngựa do bị đưa ảnh, video clip “nóng” lên mạng này.

Nhận thấy lượng thông tin (đúng và có giá trị) tố cáo hành vi tham nhũng thông qua mạng Internet (thư điện tử, phản hồi) ngày càng trở nên nhiều và có độ tin cậy cao nên một số tờ báo mạng có uy tín, có lượng truy cập lớn nhất Trung Quốc đã cùng liên kết mở những trang web nhằm tiếp nhận thông tin chống tham nhũng từ độc giả.

Những trang web này chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4/2015, trực thuộc Tân Hoa xã, Nhân dân Nhật báo, Quang Minh Nhật báo và được liên kết với nhau cũng như được liên kết với các trang mạng xã hội có lượng truy cập lớn nhất hiện nay ở Trung Quốc như: Sina, Sohu, Netease.

Thông qua những trang web chống tham nhũng này, độc giả có thể gửi thông tin, tố cáo các hành vi tham nhũng, đòi hối lộ, nhũng nhiễu tới trực tiếp một trong các cơ quan sau: Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, Văn phòng Thường trực Ban Bí thư Trung ương, Viện Kiểm sát Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao và Bộ Đất đai & Tài nguyên Trung Quốc.

Sự hợp tác giữa những người sử dụng truyền thông xã hội và những người làm công tác chống tham nhũng ở Trung Quốc trong cuộc chiến chống tham nhũng ở nước này trong hơn một năm qua đã đem lại nhiều kết quả quna trọng.

Từ khi chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình được khởi xướng đến nay, đã có hàng nghìn quan chức lớn nhỏ bị tố cáo, xét xử, trong số đó rất nhiều người bị dân mạng tố cáo, đưa ra bằng chứng.

Tuy nhiên, ngày 28/12/2015, chính phủ Trung Quốc ra một đạo luật yêu cầu người dùng Internet đăng ký tên thật và các thông tin nhận dạng khác khi đăng ký với các nhà cung cấp dịch vụ truy cập. Theo các nhà chức trách, việc đăng kí tên thật sẽ ngăn chặn được tình trạng lạm dụng Internet như là một diễn đàn để than phiền về chính phủ hoặc công khai những vụ tham nhũng.

Nh.Thạch

Theo AFP. AP, Reuters, CNN