Mỹ bỏ trừng phạt Iran ảnh hưởng gì đến giới lọc dầu Trung Quốc?

15:41 | 21/05/2025

140 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Việc Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu dầu mỏ Iran có thể giáng một đòn chí mạng vào các nhà máy lọc dầu độc lập của Trung Quốc - vốn đang phát triển mạnh nhờ chế biến dầu thô giá rẻ từ Tehran - đồng thời gây áp lực giảm giá lên thị trường dầu toàn cầu.
Mỹ bỏ trừng phạt Iran ảnh hưởng gì đến giới lọc dầu Trung Quốc?

Việc Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu dầu mỏ Iran có thể giáng một đòn chí mạng vào các nhà máy lọc dầu độc lập của Trung Quốc. Hình minh hoạ

Tổng thống Donald Trump đã áp dụng chiến lược hai hướng với Iran: một mặt là chiến dịch “áp lực tối đa” - siết chặt các biện pháp trừng phạt kinh tế, mặt khác lại tiến hành các cuộc đàm phán cấp cao trực tiếp về chương trình hạt nhân của Tehran. Tuần trước, ông Trump cho biết hai bên đang tiến rất gần đến một thỏa thuận.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và các cường quốc phương Tây vốn luôn phức tạp với những lần trì hoãn và sau đó lại tái khởi động. Các phát biểu gần đây của ông Trump về một thỏa thuận tiềm năng cũng mang tính phòng ngừa.

Tuy vậy, nếu có tiến triển mới, thỏa thuận này có thể sẽ bao gồm việc dỡ bỏ nhiều hạn chế kinh tế của Mỹ đối với ngành dầu mỏ Iran. Điều này sẽ tạo ảnh hưởng sâu rộng đối với thị trường năng lượng toàn cầu.

Trong những năm gần đây, một lượng lớn dầu thô bị trừng phạt đã âm thầm đổ vào Trung Quốc thông qua mạng lưới phức tạp gồm các công ty vỏ bọc và đội tàu "bóng đêm" - chuyển tải dầu giữa các tàu khác nhau để che giấu nguồn gốc.

Tổng khối lượng dầu của hoạt động thương mại này vẫn chưa rõ ràng, bởi theo dữ liệu hải quan chính thức của Trung Quốc, nước này không nhập khẩu bất kỳ lượng dầu nào từ Iran. Tuy nhiên, theo ước tính của công ty phân tích Kpler - thông qua công nghệ theo dõi tàu và hình ảnh vệ tinh - Trung Quốc đã nhập khẩu khoảng 77% trong tổng số 1,6 triệu thùng/ngày (bpd) dầu xuất khẩu của Iran trong năm ngoái.

Loại dầu này thường đắt hơn nhiên liệu thông thường, do không được sản xuất quy mô lớn.

Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ trọng dầu Iran trong nhập khẩu của Trung Quốc chỉ khoảng 50%, có khả năng do các lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhắm vào một số nhà máy lọc dầu tư nhân tại tỉnh Sơn Đông và các đơn vị vận hành cảng. Nhận định này càng được củng cố bởi thực tế lượng dầu thô Iran còn tồn đọng trên tàu ngoài khơi đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 11 năm 2023. Nếu các lệnh trừng phạt được nới lỏng, lượng dầu này sẽ nhanh chóng được bán ra thị trường.

“Giông bão” đối với các nhà máy lọc dầu độc lập tại Trung Quốc

Sản lượng dầu Iran có khả năng tăng nhanh nếu các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. Ngành dầu mỏ của Iran đã cho thấy khả năng chống chịu đáng kinh ngạc trước hàng loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây, với sản lượng dầu thô trung bình đạt 3,3 triệu thùng mỗi ngày (bpd) trong năm 2024, theo dữ liệu từ OPEC. Nếu các lệnh trừng phạt được gỡ bỏ, Iran có thể nâng sản lượng thêm 500.000 bpd chỉ trong vòng sáu tháng.

Dòng chảy dầu thô Iran quay trở lại thị trường toàn cầu không chỉ tạo thêm áp lực giảm giá dầu - vốn đã giảm từ mức đỉnh 82 USD/thùng hồi tháng Một xuống còn khoảng 65 USD hiện nay — mà còn giáng một đòn mạnh vào các nhà máy lọc dầu độc lập của Trung Quốc.

Những cơ sở lọc dầu độc lập này thường có biên lợi nhuận mỏng, do hầu hết chỉ hoạt động ở mức khoảng 50% công suất hoặc thấp hơn, vì tình trạng dư thừa năng lực lọc dầu trong nước và các hạn chế đối với việc xuất khẩu nhiên liệu ra nước ngoài.

Trong những năm gần đây, các nhà máy lọc dầu độc lập của Trung Quốc đã phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt và những cơ sở còn trụ lại phần lớn nhờ vào khả năng tạo lợi nhuận hấp dẫn từ việc chế biến nguyên liệu dầu giá rẻ từ Iran và Venezuela.

Việc Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với dầu thô Iran có thể “bóp nghẹt” mô hình kinh doanh này, buộc nhiều nhà máy phải cắt giảm công suất hoặc thậm chí đóng cửa hoàn toàn trong một số trường hợp.

Mức sụt giảm sản lượng từ các nhà máy độc lập tại Trung Quốc, đổi lại, có thể mang lại lợi ích cho các nhà máy lọc dầu quốc doanh lớn của nước này, họ sẽ tận dụng cơ hội để chiếm lĩnh thị phần trong thị trường nội địa. Trên phương diện rộng hơn, công suất lọc dầu toàn cầu giảm có thể sẽ hỗ trợ lĩnh vực này khi nhu cầu đối với các loại nhiên liệu như xăng và diesel đang bị đe dọa bởi cuộc chiến thương mại kéo dài và quá trình chuyển đổi năng lượng.

Sự trở lại của Iran trên thị trường dầu mỏ toàn cầu sẽ khiến nhiều bên gặp khó khăn — đặc biệt là Ả Rập Xê Út, quốc gia hiện đang trong một cuộc chiến về giá cả. Tuy nhiên, người chịu thiệt nhiều nhất có thể sẽ là các nhà máy lọc dầu độc lập của Trung Quốc. Và bên hưởng lợi, ngoài Iran, có thể là ngành lọc dầu toàn cầu, bất kể điều đó có nằm trong tính toán của ông Trump hay không.

Đàm phán hạt nhân Mỹ – Iran: Tehran thách thức lời đe dọa, kiên quyết không lùi bướcĐàm phán hạt nhân Mỹ – Iran: Tehran thách thức lời đe dọa, kiên quyết không lùi bước
Mỹ cảnh cáo các ngân hàng Hồng Kông khi tiếp tay cho dầu IranMỹ cảnh cáo các ngân hàng Hồng Kông khi tiếp tay cho dầu Iran
Iran khẳng định tiếp tục làm giàu uranium dù có đạt được thỏa thuận hạt nhân hay khôngIran khẳng định tiếp tục làm giàu uranium dù có đạt được thỏa thuận hạt nhân hay không

Anh Thư

AFP