Vấn đề dạy và học Sử: Đừng trách tuổi trẻ bàng quan!

09:11 | 23/06/2012

857 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Sử không phải chỉ là một môn học mà còn liên quan đến vấn đề chính trị, tư tưởng, xã hội và là vấn đề đạo đức, là cái tâm của con người muốn hiểu biết về quá khứ, về cha anh, tổ tiên…”, đó là chia sẻ của PGS TS Hà Minh Hồng, Trưởng khoa Lịch sử Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM trong cuộc trò chuyện với PV Petrotimes xung quanh vấn đề dạy và học sử hiện nay.

Sách giáo khoa quá nặng nề

PV: Những năm gần đây, việc dạy và học sử được dư luận nhắc đến nhiều vì trong các kỳ thi tốt nghiệp, thi đại học, môn sử luôn là môn có số học sinh bị điểm dưới trung bình nhiều nhất. Thực trạng này cho thấy, vấn đề dạy và học sử có nhiều bất ổn. Thầy đánh giá tình trạng dạy và học sử hiện nay như thế nào?

PGS TS Hà Minh Hồng: Thực tế hiện nay, chúng ta đang dạy và học sử theo cách đối phó, để xong chương trình, để lấy điểm chứ chưa có sự đầu tư. Vì vậy, nếu không thi thì học sinh không học. Và, năm nào không thi tốt nghiệp môn sử thì chắc chắn năm đó thi đại học điểm môn sử rất thấp.

Hiện nay, đối với những môn xã hội như lịch sử, học sinh thường học theo kiểu “học gạo”, chẳng mấy khi người học cầm giấy, bút viết ra nên rất mau quên. Trong khi đó bài học lại dài, nhiều sự kiện, nhiều ngày tháng làm sao có thể nhớ được! Còn giáo viên nhiều người cũng chỉ dạy cho xong chương trình theo sách giáo khoa. Với tình trạng dạy và học như vậy thì không thể có hiệu quả như mong muốn được.

PGS TS Hà Minh Hồng

PV: Nói về học lịch sử, nhiều học sinh cho rằng đây là môn “khó nuốt”. Theo thầy, làm sao để học sinh yêu thích môn học này hơn?

PGS TS Hà Minh Hồng: Để học sinh yêu thích môn học phải có sự tác động từ xã hội, nhà trường đến gia đình. Dạy theo nếp cũ, lên lớp đọc chép rồi bắt học sinh về nhà học thuộc lòng thì khó có thể làm cho học sinh thích.

Chỉ nên dạy cho học sinh những điều thật cơ bản, phù hợp với lứa tuổi. Với chương trình hiện nay, bắt trẻ nhỏ học cả diễn biến cụ thể của những trận đánh, học cả cách đánh bao vây, đánh chia cắt như thế nào, ngày tháng lại dày đặc rất khó nhớ, khó tiếp thu… Đó là vấn đề nghiên cứu của những người làm quân sự. Còn học trò, theo tôi chỉ cần học và hiểu ý nghĩa của những sự kiện lịch sử, những tấm gương anh hùng lịch sử, những mốc lịch sử quan trọng… Như thế sẽ giúp các em có những kiến thức cơ bản tốt và vun đắp lòng yêu đất nước, cảm phục những tấm gương anh hùng. Hiện nay, trong sách giáo khoa chương trình quá nặng nề như vậy, thầy cô cũng phải dạy theo chương trình không thể làm khác được.

PV: Vậy theo thầy có cần phải cải cách sách giáo khoa lịch sử không?

PGS TS Hà Minh Hồng: Tất nhiên, đây là vấn đề được nhiều người nói đến từ lâu. Sách giáo khoa phải như thế nào để phù hợp với lứa tuổi học trò. Chứ như sách hiện nay, bắt một đứa trẻ mới mười mấy tuổi đầu, ăn chưa no, lo chưa tới mà phải học bài học kinh nghiệm của cả một cuộc cách mạng,…, quá to tát! Học những điều đó có tác dụng gì cho học sinh? Học sinh có hiểu nổi không hay là chỉ học vẹt. Sách giáo khoa quá nặng nề. Bộ sách dạy sử phổ thông hiện nay có thể dành cho cả một ông giáo sư học cũng vừa, chứ nói gì đến học sinh.

Phải nghĩ đến vấn đề dạy sử thích hợp với từng lứa tuổi học trò. Cái này rất quan trọng để tạo sự yêu thích cho các em. Những trẻ nhỏ thì chỉ cần học những câu chuyện kể, những giai thoại lịch sử. Thông qua những câu chuyện này là cách truyền dạy giúp học sinh dễ tiếp thu và yêu thích. Điều đó, phù hợp với tâm, sinh lý của lứa tuổi. Hiện nay, ta cứ dạy trên tâm lý lứa tuổi, bắt các em học già trước tuổi. Muốn thay đổi điều này, cần phải có sự cải cách từ những người quản lý, người tổ chức, người viết sách, người dạy.

PV: Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM có chủ trương đưa Sử ca vào học đường như là một cách để giúp học sinh yêu thích môn lịch sử. Thầy nhận thấy chương trình này như thế nào?

PGS TS Hà Minh Hồng: Hiện nay, nếu đưa Sử ca vào nhà trường cũng chưa thể là một môn chính thức, nó chỉ như là một môn ngoại khóa. Nhưng đó cũng là một ý hay. Tôi cho rằng đó cũng là một kênh để lôi cuốn người học đi vào vấn đề của sử. Tuy nhiên, tổ chức thực hiện phải có sự đầu tư và thực hiện lâu dài. Nếu không cũng không có tác dụng. Sử ca hiện nay vẫn chưa phát triển nhiều, chưa có nhiều bài. Tổ chức giảng dạy như thế nào là vấn đề rất khó.

Để làm tốt điều này cần phải đầu tư không chỉ là vấn đề thời gian, kinh phí mà phải đầu tư cả con người. Các thầy cô giáo cần phải được tập huấn, cần đầu tư trang thiết bị, dàn nhạc, tổ chức các bài hát, kịch bản, tạo ra không khí sinh hoạt như thế nào… để Sử ca thật sự được học sinh yêu thích. Hiện nay, chúng ta cũng có những bài Sử ca rất hay về Hội nghị Diên hồng, Hùng Vương, Âu Cơ… nhưng khi đem ra biểu diễn, do không có điều kiện dàn dựng nên thường chỉ biểu diễn theo kiểu đứng hát hợp xướng, khó thu hút; đặc biệt với giới trẻ.

PV: Đất nước ta có rất nhiều điểm tham quan du lịch mang tính chất lịch sử. Như tại TP HCM có: Dinh Thống Nhất, Địa đạo Củ Chi, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh… Theo thầy việc để học sinh đến học lịch sử tại những địa điểm như vậy có hiệu quả hơn không?

PGS TS Hà Minh Hồng: Giảng dạy lịch sử từ các di tích lịch sử, văn hóa chính là bài học lịch sử thiết thực nhất, đó là một trong những giáo cụ trực quan, sinh động nhất. Tôi cho rằng môn sử là môn phải dạy ở bên ngoài nhà trường nhiều vì khó có thể tạo ra những giáo cụ trực quan, sinh động cho giảng dạy lịch sử trong nhà trường.

Tuy nhiên, thầy cô giáo không phải không muốn đưa các em đến những địa điểm lịch sử để có bài giảng hay, hấp dẫn, mà hiện nay vẫn chưa có quy chế, chưa có sự đầu tư kinh phí cho việc này. Thầy cô không thể sáng tạo trong điều kiện bó buộc như thế. Một đất nước có bề dày lịch sử, văn hóa như nước ta không thiếu gì những địa điểm lịch sử, văn hóa để học trò học. Cách học này, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng. Ở nước ta cũng có, nhưng hầu như một năm học, mới tổ chức cho học sinh đi được 1 – 2 lần, chẳng thấm tháp gì. Ngoài ra, các địa điểm lịch sử, bảo tàng cũng phải đầu tư, phải có chỗ cho các em học chứ không chỉ giảng cho các em như với những du khách.

Dạy sử từ các di tích lịch sử, văn hóa là bài học thiết thực nhất

Đừng kết tội giới trẻ!

PV: Hiện nay, cũng có học sinh yêu thích môn sử, nhưng vì lý do kinh tế nên cha mẹ định hướng cho các em theo học các ngành kinh tế, tự nhiên. Theo thầy, có sự tác động của kinh tế đối với việc lựa chọn các môn học hay không, đặc biệt là tình trạng ngày càng ít học sinh không lựa chọn đầu tư cho môn học lịch sử?

PGS TS Hà Minh Hồng: Theo tôi, điều này cũng là sự lựa chọn tất yếu chứ không phải là sự lệch lạc gì. Tôi cho rằng sự lựa chọn những môn học để tiến đến những ngành nghề mưu sinh sau này thì rõ ràng: khoa học, kỹ thuật, kinh tế là những ngành học được lựa chọn nhiều hơn. Những môn xã hội như môn sử không thể chạy theo kinh tế mũi nhọn được. Mà nó vốn là một môn của nền tảng. Nó là những vấn đề của quá khứ và có liên quan đến hiện tại và các vấn đề tương lai. Chỉ có một số người quan tâm đến nó, chuyên tâm với nó, yêu thích nó mới thấy được những giá trị đó. Đó cũng không phải là ngành để hái ra tiền, là ngành để mưu sinh nhanh chóng mà cần phải có một độ lắng, độ sâu.

Lịch sử thuộc về lĩnh vực tư tưởng và xã hội, về trách nhiệm đối với dân với nước. Nó cũng kén người học. Người phải có tâm huyết, thật sự yêu thích với nó thì mới đạt được thành công. Khi đạt được thành công trong lĩnh vực này người ta cũng có những cống hiến rất lớn. Nếu anh làm khoa học một cách nghiêm túc thì ngành nào cũng có một cống hiến. Anh cần cống hiến và thật sự muốn cống hiến thì người ta sẽ cho phép anh cống hiến. Chứ không phải ngành sử không thể cống hiến được cho đất nước, cho xã hội. Các nhà chính trị giỏi, các nhà dự báo giỏi, các nhà lãnh đạo giỏi trên thế giới cũng như ở Việt Nam ta từ xưa đến nay đều là những người phải có kiến thức sử học. Sử học là một trong những nền tảng để giúp con người suy xét cặn kẽ cội nguồn của nhiều vấn đề chính trị, xã hội.

Tôi không trách cha mẹ các em khi định hướng cho các em như thế. Chỉ là trong quá trình định hướng, các bậc phụ huynh nên nghĩ rằng phải định hướng như thế nào cho đúng, cho trẻ tự lựa chọn. Không nên định hướng theo kiểu “Phải học ngành này, sau này mới có thể nuôi thân”. Cha mẹ nên giúp trẻ phát huy sở trường của mình. Ngoài ra, các em cũng như xã hội cần có nhận thức đầy đủ về các ngành khoa học nói chung, chứ không nên thiên lệch. Chọn những ngành học không đúng theo sở trường, sở thích dễ dẫn đến sự chấp vá, không đáp ứng được yêu cầu ngành học, thất vọng sau này.

PV: Thưa thầy, cũng trong tình hình hiện nay, các học sinh ngày càng ít lựa chọn ngành Xã hội Nhân văn để học, nên một số người đánh giá rằng giớii trẻ hiện nay “xem nhẹ” những giá trị nhân văn. Thầy nhận định điều này như thế nào?

PGS TS Hà Minh Hồng: Theo tôi, cũng đừng nặng nề với giới trẻ. Mình không thể kết tội giới trẻ không quan tâm đến đất nước, các giá trị văn hóa, trong điều kiện xã hội, giáo dục như thế. Những người đi trước, những người quản lý phải có định hướng, tạo điều kiện cho tuổi trẻ quan tâm đến vấn đề văn hóa, chính trị của đất nước. Không phải do giới trẻ mà chính do tổ chức, xã hội chưa tạo được sự quan tâm cho giới trẻ đến những vấn đề đó nên buộc giới trẻ phải quan tâm đến những vấn đề khác đang chiếm phần phổ biến trên sách, báo, phương tiện truyền thông như: thần tượng, sao… Cái đáng trách không phải là tuổi trẻ hiện nay không quan tâm đến giá trị nhân văn mà ta nên tạo điều kiện cho các em quan tâm đến giá trị nhân văn như thế nào thì thật sự hiện nay ta đang thiếu.

Đây là vấn đề của cả một xã hội, một đất nước, của nhiều thế hệ dồn lại. Và thế hệ trẻ là người phải gánh chịu. Thấy giới trẻ như thế lại trách chúng vô cảm, bàng quan với các vấn đề văn hóa, đạo đức xã hội. Trong thực tế, đó trách nhiệm của những người đi trước, những người làm quản lý, những người làm giáo dục, đã làm không nổi, chứ không phải ở giới trẻ. Tôi không bao giờ đồng tình với quan điểm đi trách cứ sự sao nhãng của thanh niên của tuổi trẻ bây giờ. Đó không phải lỗi của giới trẻ mà xuất phát từ cách đào tạo và cách xã hội định hướng. Cũng như chúng ta không thể trách các em không yêu thích môn sử trong điều kiện giảng dạy như hiện nay. Sự yêu thích là không thể nào ép buộc được mà phải được tạo điều kiện, phải làm như thế nào để tự bản thân các em yêu thích.

PV: Những bất ổn trong dạy và học sử đã được lên tiếng từ nhiều năm nay, nhưng đến nay tình hình dường như vẫn chưa có gì cải thiện. Theo thầy, làm thế nào để cải cách được việc dạy và học sử?

PGS TS Hà Minh Hồng: Tình trạng dạy và học sử khó có thể thay đổi ngay trong một lúc được. Có quá nhiều vấn đề dồn lại trong một thời gian dài. Cả một hệ thống rất nặng nề, muốn thay đổi, không phải là vấn đề đơn giản. Đánh động bây giờ là phải đánh động từ bên trên chứ không chỉ động bên dưới nữa. Những người chịu trách nhiệm về điều này phải chung tay để cùng nhau giải quyết, từ Bộ Chính trị, Chính phủ, đến ngành Giáo dục… Việc này không thể nóng vội, nhưng cũng không vì thế mà không làm gì và cứ chờ đợi. Những điều chúng ta làm hiện nay, dù chỉ như là một hạt cát thì chúng ta cũng vẫn phải làm. Phải có những hạt cát nhỏ mới có thể tạo thành bãi cát.

PV: Cảm ơn thầy về cuộc trò chuyện này!

Mai Phương

thực hiện

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc