Tuyển sinh đại học 2014: Có thể lạc quan?

06:30 | 02/07/2014

1,296 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chỉ còn vài ngày nữa thôi, thí sinh cả nước bắt đầu dự đợt 1 kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) chính quy năm 2014. Đây là năm đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo có những điều chỉnh căn bản về phương pháp, cách thức tuyển sinh để phù hợp với thực tế đào tạo của các trường và nhu cầu tuyển dụng của xã hội...

Năng lượng Mới số 335

Đề thi phân loại thí sinh

Đối với đề thi ĐH, CĐ năm 2014, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Bùi Văn Ga cho biết, đề thi tốt nghiệp phổ thông và đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ tiệm cận dần với mục tiêu kiểm tra năng lực hướng tới một kỳ thi quốc gia sử dụng cho cho cả hai mục đích.

Thứ trưởng lý giải: “Đề thi sẽ ra kiểu mở, đề thi không đánh đố, không bắt buộc thí sinh học thuộc lòng một cách máy móc, hướng đến kiểm tra năng lực, khả năng ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống... đã được xã hội và thí sinh đồng tình sẽ tiếp tục được phát huy trong kỳ thi tuyển sinh năm nay”.

So sánh với các đề thi của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2014 vừa qua, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, đề thi ĐH, CĐ sẽ có độ phân hóa cao hơn đề thi tốt nghiệp. Các thí sinh cần nắm chắc kiến thức phổ thông để vận dụng vào thực tiễn, không phải lo học thuộc lòng quá nhiều.

Như vậy, đề thi tuyển sinh luôn có phần dễ, phần trung bình, phần khó và phần rất khó chỉ những thí sinh thật giỏi mới có thể làm được. Trên cơ sở này  thí sinh chuẩn bị cho mình cách làm bài phù hợp, giúp học sinh phát huy năng lực và sự suy luận của mình…

Thi sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH,CĐ năm 2013

Cũng theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, với các môn khoa học xã hội, trước khi ra đề thi phải bốc thăm chọn chủ đề ngẫu nhiên và các cán bộ ra đề thi theo chủ đề đã chọn. Điều này cũng có nghĩa, những vấn đề thời sự nóng có thể có trong đề thi, nhưng là hoàn toàn ngẫu nhiên, chứ không dễ “đoán” hay “bắt bài” như một số ý kiến dư luận nêu. Ông Trần Văn Nghĩa (Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD&ĐT) nói thêm, để đảm bảo bí mật của việc ra đề thi, bảo mật đề thi, việc biên soạn đề thi được tổ chức tại một địa điểm biệt lập, quy trình nghiêm ngặt.

Về đề thi ngoại ngữ ĐH, CĐ năm nay, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định: “Cấu trúc đề thi ĐH, CĐ năm nay vẫn giữ ổn định như năm trước, không có thêm phần viết như đề thi ngoại ngữ tốt nghiệp phổ thông”.

Một điểm mới quan trọng trong thi ĐH, CĐ năm nay là quy định về điểm sàn. Theo Bộ GD&ĐT, hội đồng xác định điều kiện đảm bảo chất lượng đầu vào căn cứ kết quả thi của thí sinh trong cả nước đề xuất Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét công bố một số mức (3 hoặc 4 mức) điểm xét tuyển cơ bản (tổng điểm 3 môn thi không nhân hệ số) cho từng khối thi, trong đó có mức điểm tối thiểu xét tuyển vào đại học và mức điểm tối thiểu xét tuyển vào cao đẳng. Thực ra đây không phải điểm quá mới, vì năm nào các trường cũng có ngưỡng điểm tuyển, trên mức sàn tối thiểu của Bộ, cái khác là năm nay Bộ cho phép các trường nhân đôi hệ số môn chính.

Trước thay đổi này, lãnh đạo Bộ GD&ĐT giải thích: “Sự khác biệt của quy định xét tuyển này với quy định về điểm sàn trước đây: thứ nhất, phân chia phổ điểm thành nhiều mức theo tỉ lệ thí sinh đạt yêu cầu để các trường tự quyết định chọn điểm xét tuyển ở mức nào phù hợp, qua đó khẳng định uy tín của trường trong xã hội; thứ hai, đưa ra nguyên tắc để các trường tùy theo yêu cầu của từng ngành nghề đào tạo mà quy định điểm chuẩn xét tuyển có tính hệ số môn chính, giúp các trường có cơ hội tuyển được thí sinh có năng lực phù hợp”.

Trước đây, khi chưa có quy định này thì nhiều trường cũng đã nhân đôi hệ số môn chính đối với các môn năng khiếu, ngoại ngữ…, song chỉ nhân hệ số khi điểm trên điểm sàn. Thí sinh có kết quả thi điểm môn chính rất cao, nhưng tổng điểm 3 môn dưới điểm sàn cũng không được xét tuyển. Năm nay, các trường được phép nhân đôi hệ số môn chính, kể cả những thí sinh có tổng điểm dưới ngưỡng tối thiểu, với điều kiện điểm bình quân sau khi nhân hệ số không được thấp hơn điểm bình quân của ngưỡng tối thiểu. Như vậy, dù tổng điểm 3 môn thấp, nhưng điểm môn chính cao thì vẫn có cơ hội trúng tuyển.

Điều này đồng nghĩa với việc các trường sẽ mở rộng diện xét tuyển, khả năng trúng tuyển. Nhưng nếu các trường chạy theo số lượng và thí sinh chạy bằng được theo bằng cấp, thì đây có thể vẫn là nguy cơ lớn làm suy yếu chất lượng đào tạo và làm tăng thêm đội quân thất nghiệp vốn đã báo động trong toàn xã hội.

Siết chặt thi riêng

Đây là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT cho phép thực hiện tuyển sinh riêng nên các trường đều kết hợp giữa tuyển sinh theo kỳ thi chung của Bộ và tuyển sinh riêng theo đề án của trường. Ban Đề thi của Bộ đã bắt đầu làm việc từ tuần trước, đảm bảo giao đề thi cho các cơ sở in sao đúng hạn.

Theo quy định mới của Bộ GD&ĐT, năm nay, các trường ĐH, CĐ phải công bố môn thi chính. Đến thời điểm này, 62 trường ĐH, CĐ đã công bố danh sách 231 ngành học có nhân hệ số môn thi chính trong kỳ thi tuyển sinh sắp tới. Đa số trường đều chọn nhân hệ số đối với các ngành có môn ngoại ngữ và các môn năng khiếu. Ngoài ra, các trường cũng chọn các môn khoa học như toán, văn, lịch sử, địa lý… làm môn thi chính.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, cách thức tuyển sinh này sẽ giúp các trường có cơ hội tuyển được thí sinh có năng lực phù hợp với đặc thù đào tạo. Với cách này, các trường sẽ tuyển thí sinh có năng lực cao nhất ở một môn thi chính. Điều đó giúp khắc phục tình trạng thí sinh có điểm cao trong môn thi quan trọng của khối thi nhưng lại không trúng tuyển vì những môn khác có điểm thấp; ngược lại, thí sinh có môn phụ được điểm cao lại trúng tuyển dù môn chính có điểm kém. Cách đổi mới này cũng giúp những thí sinh có năng lực, sở trường riêng có điều kiện phát huy thế mạnh của mình thay vì phải dàn trải đều ở cả 3 môn thi như các năm trước đây.

Trước những băn khoăn của dư luận xã hội về việc buông lỏng chất lượng đầu vào ĐH, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga nhấn mạnh: “Trong đề án tuyển sinh riêng của các trường, Bộ đã yêu cầu phải công bố các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào. Trong đó đối với thí sinh vào ĐH thì phải có kết quả phổ thông tối thiểu từ 6 trở lên, CĐ phải từ 5,5 trở lên. Những thí sinh này nếu thi ĐH, CĐ cũng có khả năng đậu. Với quy định đó thì xã hội không lo chất lượng đầu vào sẽ bị giảm sút vì chỉ có khoảng 50 -60% số thí sinh đủ điều kiện này. Đồng thời năm nay, Bộ có chủ trương đổi mới thi cử, đặc biệt là khâu ra đề thi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua cho thấy đề thi đã được cải tiến nhằm đánh giá được tư duy của các em. Vì vậy, kết quả thi phổ thông cũng được đánh giá một cách chính xác hơn. Do đó, chất lượng xét tuyển vào ĐH từ kết quả phổ thông của các em cũng không lo bị hạ thấp.

Để giám sát chất lượng tuyển sinh của các trường, Bộ sẽ tiến hành kiểm tra công tác tuyển sinh ở tất cả 62 trường có tuyển sinh riêng. Việc kiểm tra sẽ được tiến hành sau khi các trường tuyển sinh xong để đánh giá và rút kinh nghiệm. Nếu phát hiện tiêu cực ở bất cứ trường nào, vào thời điểm nào thì cũng đều bị xử lý”.

Khánh An

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...