Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, khí đốt Nga còn lâu mới bị loại bỏ hoàn toàn, châu Âu đau đầu với ‘bàn cờ’ an ninh năng lượng

19:46 | 07/03/2024

3,418 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sự chuyển hướng sang LNG đã giảm đáng kể sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt Nga. Tuy nhiên, những diễn biến gần đây là lời nhắc nhở rằng hàng nhập khẩu từ xứ sở bạch dương còn lâu mới bị loại bỏ hoàn toàn ở lục địa già.
Khí đốt Nga. (Nguồn: AFP)
Với việc chấm dứt thỏa thuận quá cảnh 5 năm đối với khí đốt của Nga qua Ukraine vào ngày 31/12/2024 và Kiev cho biết họ sẽ không tìm cách gia hạn thỏa thuận, EU sẽ mất 5% tổng lượng khí đốt nhập khẩu. (Nguồn: AFP)

Hai năm sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine bùng phát (tháng 2/2022), Liên minh châu Âu (EU) một lần nữa cảnh báo về việc tăng giá năng lượng vào mùa Đông sau khi thỏa thuận khí đốt Nga-Ukraine kết thúc trong năm nay. Với việc chấm dứt thỏa thuận quá cảnh 5 năm đối với khí đốt của Nga qua Ukraine vào ngày 31/12/2024 và Kiev cho biết, họ sẽ không tìm cách gia hạn thỏa thuận, EU sẽ mất 5% tổng lượng khí đốt nhập khẩu.

Trong cuộc họp giữa các bộ trưởng năng lượng EU vào ngày 4/3 tại Brussels (Bỉ), an ninh năng lượng đã trở lại chương trình nghị sự. Mặc dù mức tiêu thụ giảm nhẹ nhưng cho đến nay, châu Âu vẫn chủ yếu tập trung vào đa dạng hóa nguồn nhập khẩu.

Bước tiếp theo là mở rộng chính sách giảm sử dụng khí đốt tự nhiên. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, Đức có thể đạt được mức giảm 78% lượng sử dụng khí đốt tự nhiên với một chi phí không quá lớn.

Là một phần của chiến lược giảm thiểu rủi ro thông qua đa dạng hóa nguồn cung, việc mở rộng các kho khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đã được ưu tiên trong nỗ lực an ninh năng lượng của châu Âu sau khi bùng phát xung đột Nga-Ukraine. Điều này được cho là cần thiết trong thời gian ngắn nhằm giảm bớt các tác động kinh tế và xã hội do tình trạng thiếu khí đốt ở Nga gây ra.Sự chuyển hướng sang LNG đã giảm đáng kể sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt Moscow. Tuy nhiên, những diễn biến gần đây là lời nhắc nhở rằng, hàng nhập khẩu từ xứ sở bạch dương còn lâu mới bị loại bỏ hoàn toàn.

Hơn nữa, EU phải thừa nhận rằng, chiến lược đa dạng hóa hiện tại của mình đã dẫn đến những sự phụ thuộc mới. Nhập khẩu LNG vào châu Âu đã tăng gấp đôi trong hai năm qua, đặc biệt là từ Mỹ và Qatar, khiến lục địa này phụ thuộc khoảng 40% vào LNG mua từ bên ngoài. Với việc Moscow tiếp tục cắt giảm nhập khẩu và lượng tiêu thụ khí đốt không giảm, những sự phụ thuộc này có thể sẽ ngày càng sâu sắc hơn.

Sự phụ thuộc mới đặt ra những rủi ro mới. Ông Mark Leonard thuộc Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu cho biết: “Các điểm nóng hiện nay - Ukraine, Gaza, Armenia và Azerbaijan - đều đánh dấu sự chuyển đổi sang thời kỳ ‘bất hòa’, nơi ‘mối liên hệ giữa con người và các quốc gia đang trở thành vũ khí’”.

Từ rủi ro khu vực đến toàn cầu

Việc kết thúc thỏa thuận vận chuyển khí đốt Nga qua Ukraine sẽ là một lời nhắc nhở rõ ràng về việc xem xét lại chính sách năng lượng của EU một cách rộng rãi hơn. Cả Đức và phần còn lại của châu Âu đều không thể dựa vào nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên ổn định và giá rẻ trong tương lai.

Trong khi đó, mối quan hệ với Mỹ không đảm bảo nguồn cung đáng tin cậy. Ông Trump không chỉ đang đặt câu hỏi về Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ai có thể chắc chắn rằng ông sẽ không vũ khí hóa việc xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Mỹ làm đòn bẩy cho chương trình nghị sự của mình nếu ông trở lại Nhà Trắng vào tháng 11 tới?

Thương mại toàn cầu có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung khác, từ các cuộc tấn công vào tàu ở Biển Đỏ hay thông báo của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) rằng thị trường phải điều chỉnh để phù hợp với triển vọng kinh tế kém hơn do căng thẳng địa chính trị.

Cho dù đó là một cuộc đình công tại các trạm giao hàng ở Australia hay sự leo thang tình hình an ninh ở một số khu vực, sự phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt ở châu Âu chỉ đơn thuần chuyển từ Nga sang bối cảnh toàn cầu.

Tuy nhiên, thị trường khí đốt giao ngay không phản ánh những rủi ro này. Chúng phản ánh sự thiếu hụt ngắn hạn. Ngoại tác (sự tác động ra bên ngoài của một đối tượng đến lợi ích hay chi phí của một hay một số đối tượng khác mà không thông qua giao dịch và không được phản ánh qua giá cả) an ninh năng lượng không được định giá.

Kể từ cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2022, ngoại tác này đã phải trả giá đắt - ít nhất là 264 tỷ Euro (286,39 tỷ USD) đối với Đức. Đây là những khoản vay mà chính phủ liên bang phải trả cho các gói cứu trợ và đó không phải là toàn bộ bức tranh. Chỉ riêng năm 2022, sản lượng kinh tế ở Đức thấp hơn dự báo 160 tỷ Euro.

Với những tác động bên ngoài này, thật đáng ngạc nhiên là châu Âu lại ít chú ý đến giải pháp thay thế cho những phụ thuộc mới: giảm nhu cầu sử dụng khí đốt tự nhiên. Giảm tiêu thụ là một trong những trụ cột trong phản ứng của lục địa này đối với tình trạng thiếu khí đốt trong ngắn hạn và EU đã đặt ra mục tiêu giảm 15% mức sử dụng cho mùa Đông năm 2022.

Tuy nhiên, chính sách của châu Âu đã không ưu tiên chấm dứt sự phụ thuộc khí đốt tự nhiên trong dài hạn. Thay vào đó, Nga vẫn chiếm 13% lượng nhập khẩu LNG của châu lục này.

Để tự chủ chiến lược và an ninh năng lượng, mức tiêu thụ phải giảm. Bằng chứng cho thấy điều này là khả thi và gần đây đã được Hội đồng độc lập năng lượng Đức, một nhóm chuyên gia độc lập, đưa ra như một kế hoạch chi tiết cho châu Âu.

Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, khí đốt Nga còn lâu mới bị loại bỏ hoàn toàn, châu Âu đau đầu với ‘bàn cờ’ an ninh năng lượng
Nhập khẩu LNG vào châu Âu đã tăng gấp đôi trong hai năm qua, đặc biệt là từ Mỹ và Qatar. (Nguồn: Reuters)

Nghiên cứu của họ cho thấy, Đức có thể dẫn đầu và giảm gần 80% sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên nếu các công ty và người dân tạo ra nhiệt bằng điện thay vì khí đốt tự nhiên trong tương lai.

Cái giá phải trả cho kế hoạch này là 526 tỷ Euro vào năm 2045, có vẻ là một khoản lớn. Tuy nhiên, con số này được đặt dưới một góc nhìn khác khi so sánh với cái giá phải trả của cuộc khủng hoảng năng lượng đối với nền kinh tế Đức - 424 tỷ Euro nợ mới và sản lượng kinh tế thấp hơn.

Sẽ là sai lầm khi so sánh chi phí mà bỏ qua các yếu tố tiết kiệm dài hạn và an ninh bên ngoài. Không ai có thể nghĩ đến việc tính toán lợi tức đầu tư vào một ngôi nhà từ chi phí xây dựng nó mà không tính đến khoản tiết kiệm tiền thuê nhà của chủ sở hữu khi sống trong đó.

Tổng chi phí cũng làm méo mó bức tranh: chỉ với 10 tỷ Euro đầu tư, ngành công nghiệp Đức có thể giảm một nửa mức tiêu thụ khí đốt.

Ngành công nghiệp quốc gia Tây Âu sử dụng khí đốt tự nhiên để làm khô hoặc tạo ra hơi nước. Trong hầu hết các trường hợp, điều này cũng có thể được thực hiện bằng điện.

Các công ty không phải chờ đợi hydro. Các công nghệ đã có sẵn - và đã có tính cạnh tranh trong nhiều quy trình.

Tuy vậy, hiện nay, mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên đã có thể giảm xuống. Hệ thống sưởi bằng điện đã có tính cạnh tranh trong ngành công nghiệp hóa chất với nhiệt độ lên tới 500°C và trong ngành công nghiệp thực phẩm.

Tạo niềm tin vào sự độc lập với khí đốt

Việc triển khai điện khí hóa không chỉ liên quan đến những vấn đề thông thường như hợp đồng carbon để có sự khác biệt hoặc trợ cấp. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất bảo thủ và cần có niềm tin vào công nghệ mới.

Báo cáo gợi ý rằng, điều quan trọng là phải khen thưởng các công ty tiên phong và làm cho chúng nổi bật - ví dụ: thông qua 'nền tảng tăng tốc chuyển đổi công nghiệp', trong đó các công ty cùng nhau học cách chuyển sang công nghệ không sử dụng khí đốt tự nhiên.

Điều quan trọng không kém là nguồn cung nhà ở. Ngày nay, một nửa số ngôi nhà ở Đức vẫn được sưởi ấm bằng gas. Các công ty nhà ở, nhà cung cấp dịch vụ năng lượng và tiện ích đô thị có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang các giải pháp thay thế tái tạo. Đây hiện là một thách thức đặc biệt lớn đối với các cơ sở tiện ích của các thành phố.

Trung bình, 1/4 thu nhập của họ phụ thuộc vào việc kinh doanh khí đốt tự nhiên. Các mô hình cho thuê và hợp đồng hệ thống sưởi ấm có thể giúp thay đổi mô hình kinh doanh - đồng thời giúp chủ nhà dễ dàng chuyển sang sử dụng hệ thống sưởi không dùng khí đốt tự nhiên.

Việc chuyển đổi này trong các tòa nhà dân cư có thể giảm hơn 1/3 mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên của Đức.

Điện khí hóa như một chương trình kích thích kinh tế

Nhìn chung, 526 tỷ Euro nên được coi là ít chi phí hơn một chương trình kích thích kinh tế cho nền kinh tế Đức đang bị khủng hoảng. Đây là chương trình chủ yếu mang lại lợi ích cho các ngành công nghiệp trong nước: các nhà sản xuất máy bơm nhiệt - những đổi mới của họ dẫn đầu toàn cầu, hay các kỹ sư cơ khí và nhà máy, người sẽ thay thế lò nung chạy bằng khí đốt tự nhiên bằng nồi hơi điện hoặc máy bơm nhiệt lớn.

Những diễn biến địa chính trị hiện nay sẽ là một lời cảnh tỉnh để không chỉ xem xét chính sách năng lượng từ góc độ hiệu quả chi phí ngắn hạn mà còn phải tính đến các yếu tố an ninh bên ngoài. Châu Âu nên giảm thiểu nhập khẩu khí đốt tự nhiên và cuối cùng là sử dụng nó như một sự đóng góp cho chính sách năng lượng theo định hướng an ninh.

Các nước khai thác dầu mong muốn giá dầu ở mức nào?Các nước khai thác dầu mong muốn giá dầu ở mức nào?
Rủi ro địa chính trị và nhu cầu của Trung Quốc có thể tác động giá dầuRủi ro địa chính trị và nhu cầu của Trung Quốc có thể tác động giá dầu
OPEC tự tin có thể giành lại thị phần dầu mỏ ở Ấn ĐộOPEC tự tin có thể giành lại thị phần dầu mỏ ở Ấn Độ