Toàn cảnh chương trình phòng thủ tên lửa của Trung Quốc (Kỳ cuối)

11:00 | 15/06/2013

437 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Các nhà phân tích của Mỹ cũng như các nước trên thế giới và khu vực không thể không quan tâm và lo ngại trước những phát triển của chương trình phòng thủ tên lửa mang đặc điểm Trung Quốc.

>> Trung Quốc tiếp tục chuẩn bị cho chiến tranh?

Tên lửa chống vệ tinh mới - Dong Ning-2 (DN-2) - của Trung Quốc được cho là có thể tiêu diệt các vệ tinh phục vụ cho mục đích hàng hải, thông tin hay tình báo của Mỹ

Đề cập tới những tác động gây mất ổn định rất lớn của một hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia rộng lớn hơn, Li Bin cho biết hệ thống phòng thủ điểm sẽ giúp khả năng răn đe hạt nhân của Trung Quốc tin cậy hơn và bảo đảm sự ổn định chiến lược của Trung Quốc đối với các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân khác.

Đánh giá này dường như phù hợp với các tuyên bố sau hai vụ thử của các sĩ quan quân đội Trung Quốc cho rằng khả năng phòng thủ sẽ cải thiện khả năng tồn tại của các lực lượng hạt nhân chiến lược của Trung Quốc. Mặc dù các tuyên bố không chỉ rõ vai trò chính xác của các phương tiện đánh chặn tên lửa giữa hành trình của Trung Quốc, nhưng dường như phù hợp với việc triển khai của chúng nhằm thực hiện vai trò bảo vệ các ICBM của Trung Quốc.

Hiện nay, khoảng 20 tên lửa ICBM đặt dưới hầm ngầm của Trung Quốc có thể là các ứng cử viên thích hợp nhất cho mục đích này. Thực tế Trung Quốc nhận thấy các tên lửa ICBM dễ bị tổn thương trước một cuộc tiến công đánh đòn phủ đầu nhiều hơn các tên lửa ICBM cơ động trên đường.

Ngoài ra, sử dụng phòng thủ tên lửa trong vai trò này có thể ít khó khăn và ít tốn kém hơn các nỗ lực triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia hạn chế. Li Bin cho biết so với một hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia, hệ thống phòng thủ điểm sẽ đòi hỏi kỹ thuật đơn giản hơn và chi phí thấp hơn nhiều.

Nếu theo đuổi kế hoạch triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa, Bắc Kinh cần các phương tiện đánh chặn đặt căn cứ trên mặt đất nhiều hơn nữa. Ngoài ra, các nhà phân tích Trung Quốc còn chỉ rõ Bắc Kinh cũng cần có các khả năng bổ sung cho hệ thống phòng thủ tên lửa như các vệ tinh cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo. Hiện nay, Trung Quốc đang thiếu các vệ tinh cảnh báo sớm như Chương trình Hỗ trợ Phòng thủ của Mỹ (DSP) và các vệ tinh Hệ thống Tia hồng ngoại Đặt Căn cứ trong Không gian (SBIRS). Về các tác động lớn hơn của chương trình phòng thủ tên lửa của Trung Quốc, các nhà phân tích của Trung Quốc khẳng định chương trình phòng thủ tên lửa sẽ tăng cường chứ không làm suy yếu khả năng răn đe chiến lược. Thực tế, mặc dù tiếp tục phản đối các hệ thống phòng thủ tên lửa mà họ coi là nhân tố gây mất ổn định chiến lược, nhưng Bắc Kinh dường như không nhận thấy hệ thống phòng thủ tên lửa của họ cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an ninh và ổn định của khu vực và thế giới. Đặc biệt, các nhà phân tích Trung Quốc dường như không quan tâm tới việc phát triển chương trình phòng thủ tên lửa của Trung Quốc sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang.

Hệ thống tên lửa chống vệ tinh (ASAT) của Trung Quốc

Chừng nào Trung Quốc còn hạn chế các kế hoạch triển khai phòng thủ tên lửa nhằm thực hiện vai trò phòng thủ điểm, tiếp tục tuân thủ chính sách truyền thống “Không Sử dụng Đòn hạt nhân Đầu tiên” (NFU) và duy trì sức mạnh của lực lượng hạt nhân theo hướng trả đũa, thì tư tưởng này còn không mâu thuẫn với quan điểm rộng lớn hơn của Trung Quốc về phòng thủ tên lửa.

Vì vậy, Bắc Kinh có thể cho rằng chương trình phòng thủ tên lửa của họ không mâu thuẫn với lập luận cho rằng các hệ thống phòng thủ tên lửa có khả năng phủ nhận sự răn đe chiến lược của một kẻ thù đang gây mất ổn định, đặc biệt khi kết hợp với học thuyết và khả năng phát động đòn tiến công đầu tiên.

Đề cập tới mức độ phát triển công nghệ phòng thủ tên lửa của Bắc Kinh gắn với các chương trình vũ khí chiến lược khác của Trung Quốc, một số nhà phân tích Trung Quốc mô tả chương trình phòng thủ tên lửa của Trung Quốc như một sức mạnh răn đe chiến lược mới nổi. Ví dụ, sau vụ thử phương tiện đánh chặn tên lửa tháng 1/2013, Đại tá Shao Yongling của trường Cao đẳng trực thuộc Bộ chỉ huy Lực lượng Pháo binh II của PLA tuyên bố với các phương tiện truyền thông rằng phát triển công nghệ đánh chặn tên lửa giữa hành trình của Trung Quốc chứng tỏ hệ thống răn đe chiến lược của Trung Quốc đang thay đổi từ chỗ chỉ dựa vào vũ khí tấn công sang các hệ thống vũ khí tấn công và phòng thủ.

Hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ cho phép Trung Quốc tiếp tục duy trì một số vũ khí hạt nhân để gia tăng khả năng phòng thủ của Trung Quốc. Chừng nào có đủ các loại vũ khí hạt nhân để phát động các cuộc tấn công đánh đòn phủ đầu, Trung Quốc còn có thể tiến hành trả đũa hạt nhân chống lại những kẻ tấn công. Do đó, khả năng phòng thủ mạnh mẽ có tầm quan trọng rất lớn đối với an ninh quốc gia của Trung Quốc.

Rõ ràng, trước hai vụ thử phương tiện đánh chặn tên lửa của Trung Quốc, các nhà phân tích của Mỹ cũng như các nước trên thế giới và khu vực không thể không quan tâm và lo ngại trước những phát triển của chương trình phòng thủ tên lửa mang đặc điểm Trung Quốc.

H.Phan (Tổng hợp)