Tin nóng thế giới hôm nay - 29/1

19:42 | 29/01/2019

145 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Mỹ-Hàn giảm quy mô tập trận thúc đẩy đàm phán phi hạt nhân Triều Tiên. Tổng thống Venezuela tuyên bố sẵn sàng đàm phán với phe đối lập. Đan Mạch kêu gọi EU trừng phạt Nga liên quan tới sự cố trên biển Azov.
tin nong the gioi hom nay 291Thế giới đêm qua - 28/1
tin nong the gioi hom nay 291Tin nóng thế giới hôm nay - 28/1
tin nong the gioi hom nay 291
Hải quân Hàn Quốc tham gia cuộc tập trận chung với lính thủy đánh bộ Mỹ tại Pohang, Hàn Quốc ngày 2/4/2018. (Nguồn: AFP/TTXVN)

1. Mỹ-Hàn giảm quy mô tập trận thúc đẩy đàm phán phi hạt nhân Triều Tiên

Ngày 29/1, báo Global Times dẫn nguồn từ đài NHK của Nhật Bản cho hay Mỹ và Hàn Quốc sẽ giảm quy mô tập trận chung thường niên vào mùa Xuân nhằm thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Các cuộc tập trận “Giải pháp then chốt” và “Đại bàng non” dự kiến được triển khai vào tháng 3/2019 sẽ không bao gồm lực lượng lính cơ động, nhằm đảm bảo những nỗ lực ngoại giao không gây tổn hại đến tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Các lực lượng vũ trang của Mỹ và Hàn Quốc duy trì tập trận chung thường niên vào mùa Xuân nhằm diễn tập đối phó xung đột vũ trang có nguy cơ xảy ra trên Bán đảo Triều Tiên. Cuộc tập trận Giải pháp then chốt nhằm phối hợp, tăng cường khả năng chỉ huy trong quân đội, trong khi cuộc tập trận Đại bàng non nhằm diễn tập khả năng đổ bộ bờ biển của binh lính

2. Tổng thống Venezuela tuyên bố sẵn sàng đàm phán với phe đối lập

Phát biểu trong cuộc họp với các nhà ngoại giao Venezuela vừa trở về từ Mỹ, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tuyên bố ông sẵn sàng tổ chức đàm phán với các đối thủ chính trị. Ông Maduro nhấn mạnh: "Tôi sẵn sàng bắt đầu đàm phán, tiến hành đối thoại với toàn bộ phe đối lập Venezuela với mục tiêu duy nhất - vì hòa bình, hiểu biết và công nhận lẫn nhau", TASS/ Sputnik đưa tin.

Trước đó, ngày 28/1, Bộ trưởng Ngoại giao Venezuela Jorge Arreas cũng cho biết chính phủ luôn sẵn sàng nếu phe đối lập muốn ngồi vào bàn đàm phán. Ông Arreas cho rằng đây là cơ hội tuyệt vời để hai bên có thể đối thoại, theo đó đặt nền móng cho con đường chính trị trong tương lai.

3. Đan Mạch kêu gọi EU trừng phạt Nga liên quan tới sự cố trên biển Azov

Reuters đưa tin Ngoại trưởng Đan Mạch Anders Samuelsen ngày 29/1 đã kêu gọi các nước Liên minh châu Âu (EU) áp đặt trừng phạt đối với Nga liên quan tới cuộc xung đột với Ukraine trên Biển Azov. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Đan Mạch cho biết ông Samuelsen sẽ gặp Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin trong 2 ngày 29 và 30/1 và thăm thành phố cảng Mariupol bên bờ biển Azov.

Các nguồn tin ngoại giao hồi tuần trước nói với hãng tin Reuters rằng EU sẽ ban hành bản kiến nghị - một công hàm ngoại giao phản đối chính thức - tới Moskva sớm nhất là trong tuần này liên quan tới vụ Nga tiếp tục giam giữ 24 thủy thủ Ukraine bị bắt trong sự cố trên biển Azov hồi tháng 11 năm ngoái. Dự kiến, các bộ trưởng ngoại giao châu Âu sẽ nhóm họp vào ngày 31/1 tới để thảo luận về Ukraine và các vấn đề khác.

4. Hà Lan từ chối tiếp nhận gần 50 người di cư trên tàu cứu hộ

Giới chức Hà Lan ngày 28/1 đã từ chối đề nghị của Italy về việc tiếp nhận 47 người di cư trên tàu cứu hộ Sea Watch 3 mang cờ Hà Lan mà các cảng Italy trước đó đã từ chối cho cập cảng. Người phát ngôn Bộ An ninh và Tư pháp Hà Lan, Lennart Wegewijs khẳng định do không có một giải pháp toàn diện, La Haye sẽ không có hành động trong việc tiếp nhận người di cư trên tàu Sea Watch 3.

Tàu cứu hộ Sea Watch 3 do một tổ chức phi chính phủ của Đức vận hành, đã cứu người di cư châu Phi trên vùng biển Lybia hơn 1 tuần trước và hiện tàu cứu hộ này đang tạm neo trên vùng biển Sicily của Italy trong điều kiện thời tiết xấu. Hai nước thuộc vùng biển Địa Trung Hải là Italy và Malta đều từ chối cho tàu cập cảng.

Chính phủ Hà Lan nêu rõ đây không phải là trách nhiệm của Hà Lan bởi tàu cứu hộ trên hoạt động "theo sáng kiến riêng" và thuyền trưởng tàu phải có trách nhiệm tìm một cảng gần đó để đưa 47 người di cư lên bờ.

5. Singapore kỷ niệm 200 năm khai phá đất nước

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, ngày 28/1, Singapore đã tổ chức lễ kỷ niệm 200 năm ngày ông Thomas Stamford Raffles đến Singapore, tạo bước chuyển mang tính lịch sử đưa Đảo quốc Sư tử thành quốc gia phát triển như hiện nay. Phát biểu tại lễ kỷ niệm ở Bảo tàng các nền văn minh châu Á, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh dù đã có hàng trăm năm lịch sử, nhưng phải đến năm 1819, khi ông Thomas Stamford Raffles đặt chân đến Singapore và mở một cảng biển tự do tại đây, Đảo quốc Sư tử mới chính thức định vị được con đường phát triển và giành được những thành tựu to lớn như hiện nay. Đây không những là bước chuyển mang tính then chốt trong lịch sử, mà còn khẳng định thương mại và dịch vụ luôn là ngành “xương sống” trong sự nghiệp phát triển của Singapore.

Lâm Anh (t/h)