Tin nóng thế giới hôm nay - 25/1
![]() |
![]() |
![]() |
Hàng trăm nghìn người biểu tình trên các đường phố ở thủ đô Caracas ngày 23/1 (Nguồn: AFP) |
1. Chính phủ Tổng thống Maduro tiếp tục nhận sự ủng hộ của nhiều nước
Ngày 24/1, Liên minh Bolivar cho các Dân tộc châu Mỹ - Thỏa thuận Thương mại giữa các Dân tộc (ALBA-TCP) đã ra thông cáo khẳng định sự ủng hộ và công nhận Tổng thống Nicolas Maduro là nhà lãnh đạo hợp pháp của Venezuela.
Tuyên bố khẳng định các quốc gia thuộc nhóm ALBA chỉ công nhận các đại diện của Venezuela, ở cấp độ đa phương và song phương, là những quan chức ngoại giao do chính quyền hành pháp của Venezuela, với người đứng đầu là Tổng thống Nicolas Maduro bổ nhiệm. ALBA bác bỏ sự hiện diện của bất kỳ một đại diện nào do chính phủ vi hiến của ông Juan Guaido chỉ định trong các tổ chức đa phương.
Tổ chức khu vực này cũng cáo buộc một số nước Mỹ Latinh âm mưu làm suy yếu và gây bất ổn chính quyền hợp pháp của Venezuela thông qua sự ủng hộ vi hiến đối với một chính phủ song song tại quốc gia Nam Mỹ này. Bên cạnh ALBA, nhiều nước cũng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với chính quyền hợp hiến của Tổng thống Maduro, trong đó có Mexico, Bolivia, Cuba, Thổ Nhĩ Kỳ.
2. Trung Quốc buộc tội công dân Australia gốc Hoa làm gián điệp
Tại buổi họp báo ngày 24/1 ở Bắc Kinh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết ông Yang Hengjun, công dân Australia gốc Hoa bị bắt giữ do hoạt động gián điệp “đe dọa an ninh quốc gia Trung Quốc” và tham gia “các hoạt động phạm pháp”. Bà Hoa Xuân Oánh cho hay vụ việc đang được xử lý theo pháp luật, song quyền và lợi ích hợp pháp của ông Yang vẫn được bảo đảm đầy đủ.
Cũng trong ngày 24/1, Ngoại trưởng Australia Marise Payne yêu cầu được thông tin chi tiết về cáo buộc đối với ông Yang và cho biết hiện chưa có bằng chứng về việc vụ bắt giữ có liên quan đến căng thẳng quốc tế xung quanh tập đoàn Huawei của Trung Quốc.
Phía Trung Quốc thông báo cho Canberra về vụ bắt giữ 4 ngày sau khi xảy ra vụ việc, muộn hơn một ngày so với quy định về thời hạn thông báo quy định trong thỏa thuận lãnh sự giữa hai nước.
3. Anh cam kết hỗ trợ tài chính cho Pháp để chặn người nhập cư trái phép
Chính phủ Anh cam kết hỗ trợ hàng triệu USD cho Pháp triển khai thiết bị giám sát mới nhằm ngăn chặn người nhập cư trái phép vào Anh qua eo biển Manche. Thỏa thuận trên đạt được tại cuộc gặp ngày 24/1 giữa Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner và người đồng cấp Anh Sajid Javid tại thủ đô London nhằm thúc đẩy những nỗ lực chấm dứt tình trạng người vượt biển trái phép bằng thuyền nhỏ từ Pháp vào Anh.
Hai bên đã ký kết một kế hoạch hành động, trong đó có chia sẻ thông tin tình báo, lắp đặt các camera CCTV tại những cảng biển và khu vực tại Pháp mà người di cư có thể lên thuyền vượt eo biển đến Anh.
Chính phủ Anh sẽ hỗ trợ 7 triệu euro (7,9 triệu USD) chi trả phí lắp đặt, cũng như mua mới camera và kính nhìn xuyên đêm để ghi lại biển số và tự động chuyển thông tin này cho cảnh sát. Khoảng 50% khoản tiền này đã được cam kết trong một thỏa thuận tương tự mà Anh và Pháp ký hồi tháng 1/2018.
4. Chính phủ Afghanistan điều tra vụ không kích thường dân
Tân Hoa xã đưa tin ngày 25/1, Bộ Quốc phòng Afghanistan cho biết chính phủ nước này đã phát động một cuộc điều tra vụ không kích khiến nhiều thường dân bị thiệt mạng tại tỉnh bất ổn Helmand ở miền Nam nước này.
Tuyên bố không nêu chính xác số người bị thiệt mạng, nhưng cho biết bộ trên đã chỉ định một nhóm đánh giá sự việc để điều tra kỹ lưỡng vụ việc và sẽ cung cấp kết quả cho chính phủ cũng như người dân Afghanistan.
Truyền thông địa phương cho biết ít nhất 13 người dân đã bị thiệt mạng trong cuộc không kích đêm 23/1 và vẫn chưa rõ ràng rằng vụ không kích do Không quân Afghanistan hay các lực lượng liên quân do NATO cầm đầu thực hiện.
5. Tranh cãi tại Hy Lạp xung quanh thỏa thuận đổi tên nước Macedonia
Quốc hội Hy Lạp ngày 24/1 đã lùi thời gian bỏ phiếu thông qua thỏa thuận giữa nước này với quốc gia láng giềng Macedonia về việc đổi tên nước Macedonia thành Cộng hòa Bắc Macedonia khi nhiều người xuống đường biểu tình phản đối thỏa thuận.
Cuộc bỏ phiếu trên lẽ ra được tổ chức sau nửa đêm theo kế hoạch ban đầu, song đã được lùi sang trưa 25/1 (giờ địa phương), do khoảng 230 nghị sỹ muốn phát biểu về vấn đề này. Nhiều nghị sỹ đã bày tỏ phản đối thỏa thuận, trong khi Chủ tịch đảng Dân chủ mới Kyriakos Mitsotakis tuyên bố thỏa thuận sẽ dẫn tới những vấn đề mới.
Để thỏa thuận giữa Athens và Skopje được thông qua, cần ít nhất 151 nghị sỹ trong tổng số 300 nghị sỹ Quốc hội Hy Lạp bỏ phiếu ủng hộ. Trong khi đó, bên ngoài trụ sở quốc hội, hàng trăm người biểu tình phản đối thỏa thuận trên. Một số thanh niên quá khích đã ném đá buộc cảnh sát phải dùng hơi cay để giải tán.
Lâm Anh (t/h)
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Thủ tướng: "Ai làm tốt thì giao việc"
-
Thủ tướng: 3 kiến tạo để chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm
-
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thông điệp chính sách tại Hội nghị P4G Việt Nam 2025