Tiểu sử Ðức Giáo hoàng Francis I

09:10 | 14/03/2013

3,211 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Hồng Y Jorge Mario Borgoglio vừa được bầu làm Giáo hoàng thứ 266 của Vatican sinh ngày 17/12/1936 tại Buenos Aires, Argentina, trong một gia đình có năm người con, mà cha là một công nhân đường sắt gốc Italia.

 

 

>> Ai sẽ là Giáo hoàng?

Tân Giáo hoàng Francis I

Ngài là vị linh mục đầu tiên của Dòng Tên (Jesuit) trở thành Giáo hoàng và là người đầu tiên chọn danh hiệu Francis.

Ngài thụ phong linh mục năm 1969, tốt nghiệp tiến sĩ thần học tại chủng viện San Miguel và sau đó trở thành giáo sư và viện trưởng trường đại học này từ năm 1980 đến năm 1986. Ngài cũng lấy bằng tiến sĩ tại Ðức, được thụ phong hồng y dưới triều Ðức Giáo hoàng John Paul II và trở thành tổng giám mục Tổng Giáo Phận Buenos Aires từ năm 1998 và đồng thời đã giữ nhiều chức vụ ở giáo hội. Tuy nhiên, ngài không có kinh nghiệm làm việc trong nội bộ Tòa Thánh Vatican.

Ðức Giáo hoàng Francis I nổi tiếng là người khiêm tốn, có cuộc sống giản dị. Ngài không sống tại ngôi biệt thự của tổng giám mục mà ở trong một căn hộ nhỏ, tự nấu ăn và không dùng xe riêng có tài xế, chỉ di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng.

Sau khi Ðức Giáo hoàng John Paul II qua đời, Hồng Y Jorse Mario Borgoglio được coi là người có thể trở thành Giáo hoàng, và được coi là có số phiếu bầu ngang ngửa với Hồng Y Joseph Ratzinger của Ðức, người sau này trở thành Ðức Giáo hoàng Benedict XVI, trong kỳ mật nghị năm 2005.

Về lập trường, Hồng Y Borgoglio thuộc khuynh hướng bảo thủ, chủ trương chống phá thai và việc tự ý đi tìm cái chết không đau đớn. Hồng y mạnh mẽ chống lại dự luật năm 2010 của Argentina, chấp nhận hôn nhân đồng tính. Ngài chủ trương công bằng xã hội, hướng đến sự giúp đỡ dân nghèo và nhấn mạnh đến tinh thần bác ái mà Chúa đã giảng dạy.

Sự kiện Hồng Y Ðoàn lần đầu tiên, qua lịch sử từ trên 1.000 năm, chọn lựa vị Giáo hoàng trong cộng đồng Công Giáo Nam Mỹ, là thể hiện một nhận thức thực tế và thích hợp với thời đại. Trong số 1,2 tỷ tín đồ Công Giáo trên toàn thế giới hiện nay, Nam Mỹ có 300 triệu người, tương đương 27.8%, là con số lớn nhất so với các châu lục khác. Châu Âu đứng thứ nhì với 284 triệu giáo dân, nhưng chỉ là 37.85% trong tổng dân số 750 triệu, so sánh với Nam Mỹ giáo dân chiếm 80.66% trong tổng số 371 triệu dân chúng.

Các Giáo hoàng từ trước đến nay đều là dân châu Âu trong đó đa số là người Italia. Khuynh hướng này đã có nhiều biến chuyển trong thế kỷ 20, tuy nhiên, vị tân Giáo hoàng lần này tuy xuất thân từ một quốc gia Nam Mỹ cũng vẫn là dân gốc Italia.

Vào lúc 8.30 giờ tối, ngày 13/3/2013 (giờ địa phương), tân Giáo hoàng đã xuất hiện và nói chuyện lần đầu tiên trước hàng trăm nghìn người chờ đón tại công trường St. Peter ở Vatican.

Từ ngày 12/3, hàng chục nghìn giáo dân bất chấp trời lạnh và mưa, đã tập trung ở công trường St. Peter để chờ kết quả, chỉ bằng cách theo dõi ống khói nhà nguyện Sistine.

Sau vòng bỏ phiếu đầu tiên chiều tối 12/3, khói đen bay ra không làm ngạc nhiên, vì mọi người đều hiểu rất khó có thể có ngay đa số phiếu 2/3 cho một vị nào trong số 115 Hồng y ở mật nghị. Theo thể thức từ nhiều năm qua, không có sự giới thiệu ứng viên nào và tất cả các Hồng y đều tự ý ghi tên người mình muốn bầu trên lá phiếu kín.

Sáng 13/3, kết quả của vòng bầu thứ nhì vẫn là khói đen bay lên lúc 11.30 giờ sáng (giờ địa phương). Mỗi ngày có 4 lần bỏ phiếu và sau đó các lá phiếu được đốt ngay trong lò sưởi và được cho thêm hóa chất để nếu chưa có kết quả 2/3, khói bay lên màu đen và nếu có kết quả khói bay lên màu trắng. Xưa kia chưa nhờ tới hóa chất, người ta đốt rơm ẩm hay rơm khô cùng với những lá phiếu, nhưng đã có khi mọi người bên ngoài lầm lẫn vì khó nhận rõ màu khói là đen hay trắng

Ba vòng bầu tiếp theo hôm qua vẫn đưa đến kết quả là khói đen. Nhưng đến vòng cuối cùng trong ngày (mỗi ngày tối đa 4 vòng bỏ phiếu) đã đưa đến kết quả nhanh hơn sự chờ đợi của dư luận.

Th.Long (Theo AP. Reuters)