Tiến trình toàn cầu hóa đang ở đâu?

08:00 | 27/01/2017

1,390 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Toàn cầu hóa đã đem lại sự tăng trưởng cho thế giới. Đây là điều không thể phủ nhận. Nhưng sự thịnh vượng đã không được chia sẻ đồng đều và đây là lý do tiến trình này đã bị chậm lại trong những năm gần đây. Có nhiều ý kiến cho rằng, kỷ nguyên toàn cầu hóa sắp kết thúc.

Đúng vào thời điểm Liên minh châu Âu (EU) và Canada ký kết Hiệp định Thương mai tự do (CETA), Nhà xuất bản Seuil (Pháp) cho tái bản cuốn sách nổi tiếng của Giáo sư kinh tế Jacques Sapir, có tên “La démondialisation- Phi toàn cầu hóa”. Ngày 29-10-2016, EU và Canada đã ký Hiệp định Thương mại tự do. Bản thỏa thuận dày 1.600 trang, bãi bỏ hầu hết các sắc thuế nhập khẩu được kỳ vọng là sẽ tạo thêm công ăn việc làm, thúc đẩy tăng trưởng, giúp buôn bán giữa hai bờ Đại Tây Dương tăng thêm 20%, đem về thêm cho châu Âu 13 tỉ USD và cho Canada thêm 9 tỉ USD mỗi năm. Đây được coi là một thành công mới của việc toàn cầu hóa kinh tế.

Thuật ngữ toàn cầu hóa xuất hiện vào những năm 50 của thế kỷ trước, với sự phổ biến các phương tiện vận tải có động cơ và sự gia tăng các trao đổi thương mại; và được chính thức sử dụng rộng rãi từ những năm 90. Toàn cầu hóa được định nghĩa một cách khách quan nhất là sự phụ thuộc qua lại không ngừng giữa các quốc gia và các cá nhân. Sự phụ thuộc qua lại có thể xảy ra trên lĩnh vực kinh tế, công nghệ, môi trường, văn hóa hay xã hội... Mục đích của toàn cầu hóa theo khái niệm chung này là hình thành nên một ngôi làng toàn cầu, dẫn tới một nền văn minh toàn cầu.

Bài viết này chỉ đề cập tới vấn đề toàn cầu hóa kinh tế. Đó là thương mại tự do và sự gia tăng về quan hệ giữa các thành viên của một ngành công nghiệp ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Toàn cầu hóa kinh tế có thể được xem là trái ngược hẳn với khái niệm chủ nghĩa kinh tế quốc gia và chủ nghĩa bảo hộ. Nền tảng của toàn cầu hóa kinh tế là tự do mậu dịch, đầu tư trực tiếp nước ngoài, ổn định tài chính quốc tế.

tien trinh toan cau hoa dang o dau
Biểu tình chống Hiệp định CETA ở Paris ngày 15-10-2016

Trong gần 4 thập niên, kinh tế toàn cầu đã phát triển nhờ tổng kim ngạch trao đổi mậu dịch được nhân lên gấp 10 lần vào cuối những năm 2010 so với thời điểm đầu những năm 1980. Trong cùng thời kỳ, một loạt các nước chậm phát triển đã vươn lên để trở thành những “voi”, “rồng” hay “cọp” ở châu Á, hay châu Mỹ Latinh. Trung Quốc, Brazil ngày càng hội nhập vào các hoạt động kinh tế của thế giới.

Tất cả những thành tựu đó như thể đều chứng minh rằng: thế giới sẽ thịnh vượng hơn khi không còn biên giới, cởi trói cho các hoạt động giao thương là chìa khóa tạo ra tăng trưởng, công việc làm cho nhân loại. Các định chế đa quốc gia, từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB)… đồng loạt khuyến khích, “tự do hóa, toàn cầu hóa” kinh tế thế giới.

Trong bối cảnh đó, khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) ra đời, hàng loạt những hàng rào quan thuế và phi quan thuế đã được gỡ bỏ, Âu - Mỹ cũng đã nhanh chóng mở cửa thị trường tài chính để bảo đảm một chính sách xuyên suốt”. Nhiều bài tham luận đã nói tới thế kỷ XXI như một “kỷ nguyên của thế giới không biên giới”.

Tuy nhiên, trong 10 năm gần đây, tiến trình này bị chững lại và được thể hiện bằng cuộc khủng hoảng tài chính 2007/2008. Giữa năm 2009, tổng trao đổi mậu dịch trên thế giới giảm 12% do tác động dây chuyền từ vụ Ngân hàng Mỹ Lehman Brothers phá sản (tháng 9-2008). Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng đã tăng chậm hơn. Nhiều người cho rằng, đó chỉ là những khó khăn nhất thời. Nhưng 6 năm sau, các hoạt động thương mại vẫn chưa khởi sắc trở lại bất chấp kinh tế thế giới đã từng bước phục hồi.

Có hai lý do giải thích cho đà sụt giảm của trao đổi mậu dịch trên thế giới. Một là trong ngắn hạn, khi kinh tế bị co cụm lại, như là trường hợp sau cuộc khủng hoảng năm 2008, tổng trao đổi mậu dịch toàn cầu giảm mạnh (-50%) nhiều tập đoàn trên thế giới do hoảng hốt đã thu vốn về hoặc đình chỉ các dự án đầu tư ra ngoại quốc. Nhưng bên cạnh đó là bản thân kinh tế Trung Quốc, nền kinh tế thứ hai toàn cầu đang “chuyển hướng”, giảm bớt mức độ lệ thuộc vào ngoại thương và lấy tiêu thụ trong nước là chủ lực.

Thứ hai, trong hơn 3 thập niên qua, Trung Quốc đã biến mình thành công xưởng của thế giới, lấy xuất khẩu làm kim chỉ nam để phát triển. Chiến lược đó thành công nhờ Trung Quốc thu hút được đầu tư ngoại quốc và cả vốn nội địa. Trong trường hợp của Trung Quốc, giao thương với thế giới là con đường ngắn nhất để đưa nước này vươn lên. Nhìn tới trường hợp của một nền kinh tế đang trỗi dậy khác là Brazil, thì quốc gia ở châu Mỹ này phát triển được là nhờ vào nội lực. Nga cũng tương tự. Ấn Độ thì cho tới gần đây vẫn chưa thực sự “cất cánh” và ngoại trừ một vài lĩnh vực như tin học, thì Ấn Độ chưa hẳn là một đối tác lớn trên bàn cờ thương mại thế giới.

Theo chuyên gia kinh tế Jacques Sapir, Giáo sư Trường Đại học Kinh tế Moskva, tác giả cuốn “La Démondialisation”, những quốc gia hưởng lợi nhiều nhất nhờ giao thương quốc tế không còn biên giới, lại là những quốc gia bảo vệ thị trường nội địa chặt chẽ nhất. Trong ván bài toàn cầu hóa đó, đừng quên là có rất nhiều nước chậm phát triển bị bỏ lại phía sau. Chỉ cần nhìn vào ngành dệt may của Tunisia hay Marocco, chúng ta cũng thấy được điều ấy. Tựu trung, để trả lời câu hỏi: Toàn cầu hóa có cho phép thúc đẩy tăng trưởng mậu dịch trên thế giới hay không, thì câu trả lời là có. Nhưng sự thịnh vượng đó đã không được chia sẻ đồng đều. Trong khi chỉ một số ít quốc gia hưởng lợi thì những vùng như châu Phi, đại đa số các nước nam Mỹ và kể cả một số quốc gia châu Á vẫn bị gạt ra ngoài tiến trình toàn cầu hóa đó.

Sự sụt giảm của ngoại thương toàn cầu là một bằng chứng về tiến trình phi toàn cầu hóa. Một dấu hiệu phi toàn cầu hóa khác, đó là nếu như vào những năm 1990-2000 IMF từng mạnh mẽ bảo vệ chính sách toàn cầu hóa, thì ngược lại, từ gần một chục năm nay, tức là trước khi nổ ra khủng hoảng tài chính 2008, IMF cũng bắt đầu thay đổi khi nhận thấy chính sách toàn cầu hóa trong lĩnh vực tài chính kéo theo nhiều hậu quả tiêu cực.

Thêm một thí dụ thứ ba cho thấy tiến trình toàn cầu hóa trong địa hạt tài chính cũng đã bị chững lại, là khi các nền kinh tế trên thế giới nhận thấy rằng, họ không thể để cho thị trường tài chính tùy nghi tấn công vào đơn vị tiền tệ để kiếm lời. Trong bối cảnh đó, từ Hàn Quốc đến Brazil và cả Đài Loan, Trung Quốc, Chile và trong một chừng mực nào đó là cả Mỹ đã từng bước gia tăng các biện pháp kiểm duyệt tài chính ngân hàng. Chỉ riêng có châu Âu là khu vực duy nhất trên thế giới không có những biện pháp để bảo vệ mình. Từ đó mới dẫn tới những vụ như là đồng euro liên tục bị tấn công khi khủng hoảng Hy Lạp lên tới đỉnh điểm.

Giấc mơ dùng chính sách hội nhập để xua tan đe dọa xung đột vũ trang trong 4 thập niên qua chưa bao giờ trở thành hiện thực. Trong công cuộc toàn cầu hóa, các nước lớn luôn tận dụng thế mạnh để áp đặt luật chơi mở ra những cánh cổng trên các thị trường mới.

Giáo sư Jacques Sapir cho rằng, không phải cứ EU ký kết hiệp định thương mại tự do với Canada là tiến trình toàn cầu hóa không thể đảo ngược. Việc nhiều nước trì hoãn phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ khởi xướng hay sự đóng băng vô thời hạn việc đàm phán Hiệp định Thương mại Mỹ - EU là những minh chứng cho thấy sự nghi ngờ về lợi ích mà tiến trình toàn cầu hóa kinh tế đem lại.

S.Phương (tổng hợp)