Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu kể về cuộc hành quân thần tốc năm 1975

17:53 | 28/04/2013

3,168 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Chiến tranh đã lùi xa thế nhưng, ký ức của một thời hoa lửa vẫn còn sống mãi trong tâm khảm những con người đã một thời từng sống, chiến đấu trong những ngày tháng hào hùng ấy. Họ là những anh bộ đội Cụ Hồ trong thời lửa đạn, nhiều người may mắn được tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 30/4/1975 và chứng kiến giờ phút lịch sử trọng đại của dân tộc, ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trên mảnh đất linh thiêng Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình) vào đầu tháng 3 vừa qua, chúng tôi có dịp gặp đoàn cựu chiến binh của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nhân chuyến các ông về nguồn để chuẩn bị kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống Binh đoàn Quyết Thắng. Qua câu chuyện của ông, chúng tôi đã phần nào hiểu thêm về ý nghĩa của cuộc hành quân thần tốc quyết thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất miền tổ quốc năm 30/4/1975.

Nhớ lại năm tháng hào hùng của dân tộc, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu kể, cách đây 38 năm, khi chiến dịch Tây Nguyên nổ ra thì Binh đoàn Quyết Thắng vẫn đang huấn luyện ở Miền Bắc và chờ lệnh sẵn sàng chiến đấu. Khi đó, Nguyễn Huy Hiệu đang là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27 – Triệu Hải anh hùng của Sư đoàn 320B. Theo phân công của cấp trên, đơn vị này vẫn làm nhiệm vụ đắp đê ở huyện Yên Khánh (Ninh Bình) để nghi binh địch.

Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu (thứ 3 từ trái qua), vạch kế hoạch chiến đấu bảo vệ phía đông Thành cổ Quảng Trị (tháng 5/1972).

“Nếu nhìn bề ngoài, địch không thể ngờ rằng chúng ta đang chuẩn bị tiến hành mở trận đánh lớn. Ngày 18/3/1975, đơn vị của tôi nhận được lệnh của cấp trên, đưa toàn bộ Trung đoàn 27 lên tàu và xe ô tô, hành quân thần tốc vào Đông Hà (Quảng Trị). Quá trình vào tập kết, đơn vị vừa tiếp tục tổ chức, bổ sung, trang bị, đạn dược và bảo đảm hậu cần” – Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nhớ lại.

Đã nhiều năm trôi qua, nhưng với Nguyễn Huy Hiệu, ký ức về những ngày tháng hào hùng của cách mạng vẫn còn khắc sâu trong trí nhớ của ông. Vị tướng hồi tưởng: “Khi đó, đồng chí Nguyễn Hòa là Tư lệnh Quân đoàn, đồng chí Hoàng Minh Thi là Chính ủy Quân đoàn. Đồng chí Lưu Bá Sảo là Sư trưởng, Đỗ Mạnh Đạo là Chính ủy Sư đoàn. Còn tôi là Trung đoàn trưởng, đồng chí Trịnh Văn Thư là Chính ủy Trung đoàn 27, hay còn gọi là Trung đoàn Triệu Hải. Đơn vị của chúng tôi cùng với các lực lượng khác được tăng cường thêm đơn vị xe tăng, pháo binh, pháo cao xạ, thông tin… để làm nhiệm vụ dự bị đánh vào Huế khi đơn vị bạn gặp khó khăn. Được lệnh, chúng tôi đã thực hiện cuộc hành quân thần tốc vào Đông Hà - Quảng trị làm lực lượng dự bị cho đơn vị bạn đánh vào Huế và Đà Nẵng”.

Tướng Hiệu kể tiếp, ngày 26/3/1975, các đơn vị bạn đã đánh cho địch ở Huế tan rã, phải bỏ chạy. Lúc này, chúng tôi lại nhận được lệnh tiếp tục di chuyển theo hướng Bắc đèo Hải Vân để cùng với các lực lượng sư đoàn mạnh của Bộ đánh vào bán đảo Sơn Trà để tham gia giải phóng Đà Nẵng.

Cho đến thời điểm ngày 29/3, các đơn vị bạn lại đánh mạnh thì địch tại bán đảo Sơn Trà tiếp tục tan rã nhanh. Lúc này, đơn vị của chúng tôi hành quân qua chợ Cồn để vào bán đảo Sơn Trà thì gặp đồng chí Nguyễn Hữu An – Tư lệnh Quân đoàn 2. Đúng lúc đó, qua đài 15 oát, chúng tôi nhận được lệnh của đồng chí Phùng Thế Tài - Phó Tổng tham mưu trưởng là phải đưa toàn trung đoàn hành quân thần tốc cả ngày và đêm do xe của đoàn 559 bảo đảm, cùng với các lực lượng được tăng cường vào tập kết ở Đồng Xoài (Đông Nam Bộ).

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu

 

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu tâm sự, khi đơn vị của tôi và các đơn vị bạn hành quân đến đèo Ăng-Bun (trên đường Trường Sơn) thì nhận được bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đài 15 oát với nội dung: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!”.

Theo Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, sau khi nghe xong mệnh lệnh đó của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các chiến sĩ đều quên hết mệt mỏi, tiếp thêm ý chí để hăng hái tiến về tiền tuyến. Thời điểm cuộc hành quân diễn ra là vào mùa hanh khô, khói bụi mịt mù, đất đỏ phủ lên người như “tuyết”, có đoạn bụi lầy gần 1m… Thế nhưng, khí thế sục sôi của những người lính vẫn hừng hực, đoàn quân trùng trùng tiến ra tiền tuyến, chủ yếu đi bằng xe cơ giới qua đường Trường Sơn. Ngày ấy, những người lính còn gọi con đường Trường Sơn là “tuyến lửa”.

Chính những hình ảnh đoàn quân ra trận đã là cảm hứng để nhà thơ Phạm Tiến Duật viết lên rằng: “Từ nơi em đưa sang bên nơi anh, những binh đoàn nối nhau ra tiền tuyến, như tình yêu nối lời vô tận, là Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn…”.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đang kể về cuộc hành quân thần tốc quyết thắng năm 1975.

 

Tại vùng Đông Nam Bộ, trong rừng cây khộp và rừng cao su, đơn vị của Nguyễn Huy Hiệu và các đơn vị bạn tiếp tục huấn luyện bổ sung cách đánh thọc sâu bằng đội hình hợp đồng quân binh chủng Bộ binh – Cơ giới, được lực lượng địa phương hỗ trợ dẫn đường. Tại đây, các chiến sĩ cũng được huấn luyện cách đánh chiếm cầu và đánh trong thành phố. Trong lịch sử kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ chưa có cuộc hành quân nào dài như thế và đánh hợp đồng Bộ binh – Cơ giới như thế.

“Đây là nghệ thuật chỉ đạo hành quân nghi binh chiến lược của Bộ Chính trị và Bộ Tham mưu chiến lược là quân ủy Trung ương. Cuộc hành quân thần tốc này được coi là có một không hai để tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Nếu theo đúng kế hoạch ban đầu thì đến năm 1976 chúng ta mới giải phóng miền Nam, tuy nhiên, khi mặt trận Tây Nguyên bùng nổ làm rung chuyển quân địch, tạo thế và lực mới cho ta, Bộ Chính trị và quân ủy Trung ương đã sáng suốt và quyết đoán lãnh đạo trận đánh, thừa thắng xông lên, đưa tổng lực vào giải phóng miền Nam một cách nhanh chóng, thống nhất đất nước. Đây chính là tài thao lược của Đảng và Trung ương”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu chia sẻ.

 

Nguyễn Hường

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc