Thông điệp bóp méo lịch sử của Trung Quốc?

10:21 | 09/09/2015

35,690 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Diễn văn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Lễ duyệt binh 3/9 tại Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh đã truyền đi nhiều thông điệp bóp méo lịch sử.
van la dieu vo giuong oaiVẫn là 'diễu võ giương oai'
trung quoc ton 35 ty usd cho duyet binh 39Trung Quốc tốn 3,5 tỷ USD cho duyệt binh 3/9?
thong diep gi tu le duyet binh cua trung quocThông điệp gì từ lễ duyệt binh của Trung Quốc?

Không ít người nhận ra rằng, diễn văn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm Thắng lợi Cuộc kháng chiến chống Nhật của nhân dân Trung Quốc và Chiến thắng phát xít của thế giới tổ chức ngày 3/9 tại Quảng trường Thiên An Môn ở thủ đô Bắc Kinh, không hiểu vô tình hay hữu ý, đã bỏ qua hay làm mờ nhạt một số sự thật lịch sử, cũng như phát đi những thông điệp khiến người ta không khỏi nghi ngại.

Lãng quên hay muốn viết lại lịch sử?

“Thắng lợi của Cuộc kháng chiến chống Nhật của nhân dân Trung Quốc là thắng lợi toàn diện đầu tiên trong chống ngoại xâm của Trung Quốc trong lịch sử cận đại. Thắng lợi vĩ đại đó đã đập tan âm mưu của chủ nghĩa quân phiệt Nhật hòng nô dịch và áp bức Trung Quốc, đã sửa lại trang sử nhục nhã về Trung Quốc liên tục thất bại trong các cuộc chiến chống ngoại xâm trong thời cận đại.

Thắng lợi vĩ đại đó đã thiết lập vai trò nước lớn của Trung Quốc trên trường quốc tế, giành lại sự kính trọng của những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới đối với nhân dân Trung Quốc. Thắng lợi vĩ đại đó đã mở ra tiền đồ sán lạn nhằm thực hiện sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa, mở ra con đường mới cho đất nước Trung Hoa cổ kính được sống lại như chim phượng hoàng sau bao nỗi gian truân”.

“Trong cuộc kháng chiến đó, với sự hy sinh to lớn của dân tộc, nhân dân Trung Quốc đã gánh vác trọng trách tại chiến trường chính phương Đông trong cuộc chiến tranh chống phát xít của thế giới, đóng góp to lớn cho thắng lợi của Chiến tranh chống phát xít của thế giới”.

Đó chỉ là hai trong nhiều đoạn ca ngợi về chiến thắng chống quân xâm lược Nhật Bản của nhân dân Trung Quốc trong bài diễn văn của ông Tập Cận Bình. Ở đây, không bàn về chuyện Đảng Cộng sản Trung Quốc hay Quốc dân Đảng đóng vai trò chính trong cuộc chiến đấu này, khi kết quả của nó đã được khéo léo gộp chung là “thắng lợi của nhân dân Trung Quốc”.

Tuy nhiên, có thể thấy, trong cả bài diễn văn, ngoài câu “Xin chân thành cảm ơn chính phủ và bạn bè các nước từng ủng hộ và giúp đỡ nhân dân Trung Quốc chống ngoại xâm”, hay “Nhân dân Trung Quốc sẽ mãi mãi ghi nhớ sự đóng góp của nhân dân các nước cho thắng lợi của cuộc kháng chiến của Trung Quốc”, thì hầu như không còn lời cảm ơn nào đến một, hay một số đối tượng, quốc gia cụ thể nào. Trong khi đó, lịch sử lại phản ánh những sự thật khác.

thong diep bop meo lich su cua trung quoc
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Lễ duyệt binh ngày 3/9

Tạp chí Chính sách đối ngoại (Foreign Policy) thậm chí còn nói thẳng rằng: “Thông điệp Trung Quốc dẫn đầu đoàn kết chống phát xít ở châu Á là một sự hiểu sai về lịch sử, mặc dù nó phù hợp với sự tuyên truyền ngày nay về lòng nhân từ và trách nhiệm toàn cầu của Bắc Kinh”.

“Đối với Trung Quốc, chiến thắng năm 1945 không mang lại vinh quang mà chỉ đem thêm đau khổ và nhục nhã. Mặc dù trên giấy Trung Quốc là một cường quốc lớn, được giữ một chân thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mới được thành lập.

Nhưng trong thực tế, Bắc Kinh bị đối xử chỉ tốt hơn một quốc gia bị đánh bại một tí chút: Trung Quốc không được dự phần quyết định số phận của bản thân mình sau chiến tranh, một phần lãnh thổ bị chiếm, ngành công nghiệp bị tàn phá, chính trị nội bộ bị can thiệp và quyết định từ bên ngoài”.

Tất nhiên là có những người chiến thắng trong cuộc chiến tranh chống Nhật, nhưng Trung Quốc không nằm trong số họ. Mặc dù Trung Quốc đã chiến đấu với Nhật Bản dài nhất (từ tháng 7-1937), nhưng việc Hồng quân Liên Xô đập tan đạo quân Quan Đông mới là những yếu tố quyết định sự thua cuộc của Nhật Bản.

Lịch sử đã ghi lại rõ ràng rằng: Chính Tổng thống Mỹ Roosevelt và Thủ tướng Anh Churchill, trong các cuộc Hội nghị với lãnh tụ Liên Xô Stalin ở Tehêran (Iran) năm 1943 và Yanta năm 1944 đã đề nghị Liên Xô mở chiến dịch tiến công quân Nhật. Stalin đã cam kết, Liên Xô sẽ thực hiện yêu cầu đó của Mỹ và Anh.

Tại Hội nghị ở Potsdam năm 1945, Tổng thống Mỹ Harry Truman - Người kế nhiệm ông Roosevelt - cũng nhận được lời cam kết của Stalin rằng, Hồng quân Liên Xô sẽ tiến hành chiến dịch tiến công đội quân Quan Đông của Nhật sau 3 tháng kể từ khi phát xít Đức đầu hàng.

Đêm ngày 8 rạng sáng ngày 9/8/1945, Hồng quân Liên Xô mở chiến dịch tiến công tuyến phòng ngự của quân đội Nhật Bản ở Mãn Châu Lý. Việc đập tan đội quân Quan Đông của Nhật, giải phóng khu vực Mãn Châu Lý ở Đông Bắc của Trung Quốc và Triều Tiên, đã đập tan cơ sở kinh tế quân sự của Nhật Bản ở châu Á và địa bàn tiến công của Nhật Bản nhằm vào Liên Xô và Mông Cổ, tạo điều kiện cho những người yêu nước ở Trung Quốc giải phóng đất nước họ.

Ngày 2/9/1945, trên tuần dương hạm của Mỹ Mitsuri đậu trên vịnh Tokyo, người ta được chứng kiến đại diện toàn quyền của Chính phủ Nhật Bản ký kết Hiệp ước đầu hàng hoàn toàn và vô điều kiện trước đại diện các nước Đồng minh chống phát xít là Liên Xô và Mỹ, đánh dấu thời điểm cuối cùng kết thúc Thế chiến II kéo dài gần 6 năm và làm thiệt mạng hơn 50 triệu người.

Ấy vậy mà, chưa nói đến lực lượng quân Đồng minh như Mỹ, Anh, Pháp… ngay cả Liên Xô (cũ), quốc gia luôn luôn được cả thế giới vinh danh đầu tiên mỗi khi nhắc đến đóng góp to lớn cho thắng lợi của cả cuộc chiến chống phát xít của nhân loại, cũng bị làm mờ nhạt so với sự đóng góp của Trung Quốc, qua bài diễn văn của ông Tập.

Sự hy sinh lớn lao của hàng triệu triệu người con Xôviết cũng có phần ít hơn so với những thương vong mà dân tộc Trung Hoa phải trải qua:

“Ngọn lửa chiến tranh trong cuộc kháng chiến đó đã cháy khắp châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Đại Dương, có hơn 100 triệu quân nhân và người dân chết và bị thương, trong đó Trung Quốc có hơn 35 triệu người thương vong, Liên Xô có hơn 27 triệu người thiệt mạng”.

Mặc dù sự so sánh nào cũng là khiên cưỡng, nhưng cách tự tôn vinh mình và làm mờ nhạt, phủ nhận vai trò của các nước khác trong một lịch sử không thể đảo ngược như vậy có phần khiến người ta không khỏi “gợn gợn” về một kiểu “tô hồng” lịch sử, hãy thẳng thắn hơn là “viết lại lịch sử”.

Thông điệp “hòa bình” và mong mỏi “Trung Quốc làm như nói”

Một điều đáng phải ghi nhận là trong những năm gần đây, các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn luôn khẳng định như một sự trấn an với thế giới rằng, Trung Quốc cam kết kiên trì đi theo con đường phát triển hòa bình, không xưng bá, không bành trướng. Và diễn văn của ông Tập Cận Bình tại cuộc duyệt binh cũng không phải là ngoại lệ.

Diễn văn có đoạn: “Vì hòa bình, Trung Quốc sẽ kiên trì đi con đường phát triển hòa bình. Dân tộc Trung Hoa vốn yêu chuộng hòa bình. Bất cứ phát triển đến trình độ nào, Trung Quốc đều không xưng bá, không bành trướng, không áp đặt quá khứ thảm khốc mà bản thân đã trải qua cho các dân tộc khác…

Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc là quân đội của nhân dân, toàn thể các tướng lĩnh, cán bộ và chiến sĩ phải luôn nhớ về tôn chỉ căn bản là một lòng một dạ phục vụ nhân dân, thực hiện trung thành chức trách thiêng liêng bảo vệ an ninh Tổ quốc và cuộc sống hòa bình của nhân dân, chấp hành trung thành sứ mệnh cao cả bảo vệ hòa bình thế giới. Tôi tuyên bố, Trung Quốc sẽ cắt giảm 300.000 quân.”

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hongkong), khi cam kết Trung Quốc sẽ là người bảo vệ hòa bình và trật tự sau chiến tranh, kêu gọi tất cả các nước cùng nhau duy trì trật tự và củng cố hệ thống quốc tế bằng những mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, đồng thời thông báo giảm bớt một số lượng quân nhân thuộc biên chế trong quân đội của mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang cố gắng làm giảm những lo ngại về việc Bắc Kinh sẽ áp dụng sức mạnh quân sự trong bối cảnh nước này đang có những tranh chấp lãnh thổ căng thẳng với các nước láng giềng.

Tuy nhiên, các quan sát viên ngoại giao và các nhà phân tích cho rằng, bằng cách giới thiệu một số loại vũ khí tiên tiến nhất trong cuộc diễu binh lớn nhất trong lịch sử của mình, Trung Quốc đã và đang thể hiện vai trò là một cường quốc lãnh đạo của châu Á.

Bên cạnh đó, giới quan sát cũng nhận định, việc cắt giảm 300.000 quân nhận cũng sẽ không làm ảnh hưởng đến sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Việc tinh giản biên chế chỉ nhằm mục đích tái cơ cấu quân đội, không phải để làm Bắc Kinh yếu hơn.

“Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực khẳng định về sự trỗi dậy của mình, đặc biệt là với Nhật Bản và Hoa Kỳ, rằng ít nhất họ đã trở thành một nước mạnh nhất ở châu Á” - ông Lee Jung-nam, một chuyên gia về các vấn đề Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu châu Á của Đại học Hàn Quốc bình luận.

Trong nỗ lực vươn tới một vai trò lãnh đạo như vậy của khu vực, Trung Quốc đã cố gắng để tiếp tục duy trì vị trí trung tâm ở châu Á - một vị trí mà họ đã giành được từ lâu trước khi bị Nhật Bản xâm lược vào thế kỷ trước, nhà bình luận về các vấn đề châu Á, biên tập viên khu vực châu Á của tờ The Economist (Anh) Dominic Ziegler nhận xét.

Theo vị chuyên gia này, “Bắc Kinh đang tìm kiếm một sự thay đổi trong trật tự địa chính trị ở khu vực, đặc biệt là Đông Á”.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Philippines cho rằng, để thực hiện thông điệp “hòa bình” nói trên, Trung Quốc nên ngừng các hoạt động xây dựng và quân sự hóa, đồng thời loại bỏ các việc làm ảnh hưởng đến tự do hàng hải và hàng không ở các khu vực tranh chấp trên Biển Đông.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nên hành động thực tế thay vì nói những lời tuyên bố hoa mỹ trống rỗng về các nỗ lực hòa bình, trước khi sự hung hăng, hiếu chiến của họ gây ra những tổn thất lớn hơn và không thể khắc phục được cho khu vực và xa hơn nữa.

Linh Phương

Năng lượng Mới số 455