Thời của thảm họa nghệ thuật biểu diễn

16:12 | 30/12/2011

746 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước tình hình nóng của nhiều vấn đề trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn một năm qua, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã tổ chức hội nghị "Nâng cao thẩm mỹ trong nghệ thuật biểu diễn” tại TP HCM vào ngày 27/12/2011 nhằm chỉ ra thực trạng và tìm kiếm giải cho môi trường này. Petrotimes xin trích một số phát biểu đáng chú ý tại hội nghị này.

Ông Trần Minh Phương, Trưởng phòng Nghệ thuật, Sở VHTT&DL TP HCM): “Có nơi có lúc, một vài chương trình vẫn không tránh khỏi những sai sót, như: đơn vị tổ chức tự ý thay đổi một vài tiết mục trong chương trình, trang phục, phong cách biểu diễn của nghệ sĩ gây phản cảm, hát nhép, múa minh họa không phù hợp với nội dung bài hát,v.v… Những sai sót này, có thể do chủ quan của nhà tổ chức, có thể do lỗi của người biểu diễn, người biên tập chương trình,… nhưng vì lý do nào, thì những “hạt sạn” như thế cũng rất khó chấp nhận trong một chương trình nghệ thuật, đặc biệt là những chương trình nghệ thuật có quy mô lớn, có tính nghệ thuật cao.

Trong năm vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã xử lý hai trường hợp (Công ty Venus và Công ty TNHH Nghệ thuật giải trí Bạch Kim) do tự ý thay đổi trang phục không đúng với nội dung giấy phép công diễn. Về công tác đào tạo, cần xây dựng đội ngũ làm văn học nghệ thuật, được đào tạo dài hạn và chính quy trong nước và nước ngoài.

Đồng thời phải xây dựng một đội ngũ lý luận phê bình chuyên môn sâu, có trách nhiệm, khách quan, có cái nhìn cởi mở, khoan dung và bình tĩnh trước cái mới, đồng thời biết hướng dẫn văn học nghệ thuật phát triển lành mạnh, đúng định hướng. Cần củng cố và tăng cường đội ngũ biên tập ở các nhà xuất bản, các đơn vị nghệ thuật, các hãng sản xuất băng đĩa ca nhạc, sân khấu, các hãng phim, các chương trình nghệ thuật,v.v Cần xây dựng lại kế hoạch và chương trình giảng dạy các bộ môn văn học nghệ thuật trong trường phổ thông. Xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn”.

Ông Chu Thơm, nguyên Phó trưởng phòng nghệ thuật, Cục Nghệ thuật biểu diễn: “Dư luận xã hội dồn dập dóng những hồi chuông báo động về một loạt thảm họa của nghệ thuật biểu diễn, đó là “thảm họa” nhạc Việt, “thảm họa” phim Việt, “thảm họa” thời trang Việt, thậm chí có người còn nói rằng đây là “thời đỉnh cao của thảm họa” khi dẫn ra việc những sản phẩm văn học, nghệ thuật kém chất lượng đến mức phản văn hóa, phản cảm, hành hạ khán giả và gây tác hại lớn đối với đời sống xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ. Càng lo ngại hơn khi đây lại đang là xu hướng phản cảm có chủ đích của một số người nổi tiếng.

Ông Chu Thơm - nguyên Phó trưởng phòng nghệ thuật, Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Tình trạng này không chỉ cho thấy sự xuống cấp trong tư duy, đạo đức làm nghề của một số diễn viên, ca sĩ, người mẫu, mà còn cho thấy sự dễ dãi của truyền thông cũng như sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của các đơn vị chức năng”.

“Tại sao chúng ta không làm theo bóng đá: Cầu thủ dù nổi tiếng đến mấy đã ra sân thì cũng bị xử phạt như cầu thủ bình thường. Tại sao chúng ta không làm theo bộ y tế: Thực phẩm không sạch phải bị tiêu hủy? Tại sao chúng ta không cấm có thời gian hoặc vĩnh viễn những nghệ sĩ thường xuyên biểu diễn phản cảm, phản văn hóa cũng như không cấp phép phát hành những “thảm họa nghệ thuật” của họ?.

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn: Trong nghệ thuật sáng tác cũng như biểu diễn, nhất là trong nghệ thuật biểu diễn ca khúc, chúng ta không phủ nhận yếu tố năng khiếu bẩm sinh, năng khiếu mang tính bản năng. Nhưng cái năng khiếu, cái bản năng ấy chỉ có thể hát được một số bài hát, hoặc một vài loại ca khác nào đó thôi. Mà nếu như chỉ cần hát những bài “nhạc sến” trước đây hay những bài “não tình” hiện nay thì đúng là “ca sĩ” không cần phải học hành gì cả. Họ tha hồ hát theo ý mình, hát sai nhạc, hát luyến láy tự do, gào thét, uống éo vô tội vạ, miễn chiều được thị hiếu lạc hậu của một bộ phận công chúng.

Nhạc sĩ Trần Long Ẩn.

Bà Nguyễn Thị Minh Châu, nhà nghiên cứu âm nhạc: Một khi câu khách trở thành mục tiêu của showbiz, thì dưới lớp váng màu mè bắt mắt có bao nhiêu là sạn. Liên tiếp những hình ảnh phản cảm trên sàn diễn. Xôn xao những câu chuyện hậu trường vô bổ và những tình tiết đời tư “người của công chúng” trên mặt báo. Ca sĩ này diện đồ xuyên thấu, mỏng hơn cánh chuồn chuồn, hở trên lộ dưới…; ca sĩ nọ mê váy hở ngực, mặc quần như không… La liệt bài giật tít úp mở như vậy trên nhiều đầu báo khác nhau đã phần nào lý giải vì sao ăn mặc phản cảm lại trở thành “thương hiệu của sao”, vì sao ca sĩ chẳng buồn ganh nhau giọng hát mà chỉ đua nhau diện đồ gây sốc.

Bà Nguyễn Thị Minh Châu - nhà nghiên cứu âm nhạc.

Các nhà tổ chức quản lý biểu diễn cần có tầm nhìn xa trông rộng, chứ không thể mơ hồ, cảm tính trong quy chế và kiểm duyệt. Cần có những giải pháp cụ thể chuyên nghiệp để có những văn bản kín kẽ, không hở sườn; các quyết định mang tính thuyết phục cao về mặt chuyên môn; ra quy định về mức đầu tư hoặc xử phạt hợp lý. Một điều không thể bỏ qua là xã hội hóa các hoạt động của Cục Nghệ thuật biểu diễn, thủ tục hành chính được giải quyết với tinh thần thân thiện chứ không phải hành là chính.

Ca sĩ Thanh Thúy: Cần phải nâng cao nhận thức trong nghệ thuật biểu diễn đối với khán giả và người biểu diễn. Ngoài ra, cần đào tạo nghệ sĩ trẻ, đầu tư vào đội ngũ quản lý văn hóa – nghệ thuật, có biện pháp chế tài cho các hành vi, sản phẩm thiếu tính thẩm mỹ. Cũng cần quan tâm đến chế độ khuyến khích tài năng, có chính sách tốt cho công tác xã hội hóa nghệ thuật, và phải quản lý tốt các cơ quan truyền thông.

Ca sĩ Thanh Thúy.

Ông Vương Duy Biên, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn: Cần chú trọng công tác quản lý từ trên xuống đến các đơn vị nghệ thuật, nhấn mạnh vai trò người đứng đầu. Công tác quản lý đối với truyền thông cũng cần tăng cường. Đào tạo nghệ sĩ về nghiệp vụ, nhận thức nghĩa vụ, trách nhiệm xã hội, đồng thời nâng cao nhận thức trong công tác lý luận phê bình, nâng cao kiến thức của giới truyền thông về thẩm định nhận xét.

Ông Vương Duy Biên - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Cục đã hoàn thành nghị định nghệ thuật biểu diễn làm tiền đề cho luật biểu diễn ra đời trong tương lai. Sau khi Nhà nước ban hành thì luật thì Cục sẽ làm thông tư hướng dẫn để thực hiện, đáp ứng với tình hình nghệ thuật biểu diễn hiện nay.

Nguyễn Hiển

ghi