Vì sao ngành công nghiệp sáng tạo Việt Nam còn tụt hậu?

19:00 | 13/12/2013

3,667 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp văn hóa hay còn gọi là công nghiệp sáng tạo Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, nhất là tại các thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tuy nhiên, so với sự phát triển ngành công nghiệp văn hóa của nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và rộng hơn là châu Á thì Việt Nam còn tụt hậu xa trong lĩnh vực này.

Năng lượng Mới số 282

Nguồn thu lớn bị bỏ quên

Ở các quốc gia phát triển như châu Âu chẳng hạn thì thuật ngữ công nghiệp văn hóa (CNVH) hay còn gọi là công nghiệp sáng tạo (CNST) gắn với tập hợp các ngành kinh tế khai thác và sử dụng hiệu quả tính sáng tạo kỹ năng sở hữu trí tuệ, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ có ý nghĩa văn hóa xã hội. Trong đó có 11 ngành được liệt vào danh sách này như quảng cáo, kiến trúc, giải trí kỹ thuật số, mỹ thuật đồ cổ và thủ công mỹ nghệ, thiết kế mỹ thuật, phim ảnh và video, in ấn xuất bản, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, phát thanh truyền hình và phần mềm vi tính. Trên thế giới, CNVH đã trở thành ngành trụ cột trong nhiều nền kinh tế. Chẳng hạn, ở châu Âu, ngành công nghiệp này tạo ra khoảng 3% GDP (tương đương 500 tỉ euro/năm) và giải quyết việc làm cho khoảng 6 triệu người.

Còn tại Canada ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 46 tỉ USD vào tổng sản phẩm quốc nội và thu hút 600.000 lao động chỉ tính riêng trong năm 2007. Ở châu Á, riêng lãnh thổ Hongkong (Trung Quốc) 85% thu nhập quốc dân có được từ nguồn thu dịch vụ giải trí, truyền hình, quảng cáo… Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia có ngành CNVH rất phát triển. Chỉ tính riêng bộ phim hoạt hình “Doremon” của Nhật Bản có tổng doanh thu lên đến hơn 2 tỉ USD. Còn Hàn Quốc, trong 15 năm trở lại đây, ngành công nghiệp sáng tạo đã đem đến khoản lợi nhuận kếch xù cho quốc gia này từ điện ảnh, nhạc KPop, thời trang, mỹ phẩm, du lịch, ẩm thực… Tỷ lệ chiếu phim nội địa Hàn Quốc lên đến 51% và doanh thu cũng cao hơn phim Hollywood chiếu tại thị trường nước này.

Bản sắc văn hóa dân tộc là một trong những giá trị của ngành công nghiệp sáng tạo

Lý giải thành công này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Du lịch Hàn Quốc nhấn mạnh vai trò hợp tác giữa nhà nước và tư nhân trong lĩnh vực sản xuất phim. Bên cạnh việc mở nhiều hội chợ giới thiệu phim, thu hút các nhà phát hành phim trong khu vực, Chính phủ Hàn Quốc rất chú trọng việc tuyên truyền để người dân ủng hộ phim nội. Đặc biệt, các nhà làm phim đã bám sát thị hiếu, sở thích của người xem, đưa công nghệ hiện đại vào quy trình sản xuất, tạo bộ mặt rất hiện đại cho nền điện ảnh ở xứ sở Kim chi.

Việt Nam còn tụt hậu

Nhìn ra khu vực và thế giới, chúng ta không khỏi chạnh lòng. Trong năm 2012 và 2013, tại Việt Nam đã có nhiều hội thảo xung quanh việc phát triển ngành CNVH Việt Nam với sự tham gia của nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có sự tham vấn của UNESCO.

Riêng lĩnh vực điện ảnh đã thấy Việt Nam tụt hậu xa so với thế giới, mỗi năm sản xuất khoảng 10 phim nhựa, nhưng chỉ có 2-3 trong số phim này được người xem tiếp nhận ngoài thị trường, thậm chí tỷ lệ này còn không ổn định. Cả nước có 129 đơn vị biểu diễn nghệ thuật, trong đó có 12 đơn vị trực tiếp do Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch quản lý, chỉ tính riêng 12 đơn vị này mỗi năm Nhà nước đầu tư trung bình 100 tỉ đồng nhưng trực tiếp vào vở diễn chỉ chừng 10 tỉ đồng, còn phần lớn dành cho bảo trì cơ sở vật chất, điện nước, lương bổng, chính sách... Vì thế mà mỗi đơn vị chỉ dựng được 2-3 vở diễn trong một năm. Doanh thu bán vé từ tất cả các đơn vị này không vượt nổi con số 30 tỉ đồng/năm, không bằng phần nhỏ doanh thu của một công ty tổ chức biểu diễn tư nhân trong nước.

Do đó, Việt Nam có ngành CNVH hay không và thực trạng CNVH hiện nay ra sao? PGS.TS Lương Hồng Quang - Phó viện trưởng Viện Văn học Nghệ thuật từng cho rằng, Việt Nam có CNVH nhưng thực sự nó chưa “ra hồn”, nói là có cũng được và không cũng được! Phó viện trưởng Viện Văn học Nghệ thuật còn cho rằng, các lĩnh vực trong CNVH đã xuất hiện nhưng chúng ta lại chưa có được chiến lược tổng thể để phát triển. Trong khi trên thực tế cho thấy, tiềm năng cho ngành CNVH ở Việt Nam rất lớn nhưng không được hiểu một cách đầy đủ cũng như được khai thác hiệu quả. Còn chuyên gia Tom Fleming của UNESCO thì nhận định, trong thời gian nghiên cứu tại Việt Nam, chúng tôi thấy sự mơ hồ và cả băn khoăn của những người mà chúng tôi tham vấn, mọi người hay nghĩ một cách hẹp đó chỉ là văn hóa truyền thống, là vấn đề bản sắc, là vấn đề kiểm duyệt… hoặc nói đến CNVH là nghĩ đến chuyện thương mại hóa.

Nhiều ý kiến cho rằng, ngành CNVH ở Việt Nam hiện mang một khuôn mặt buồn, vừa là thực trạng vừa là nguyên nhân kìm hãm. Quản lý phức tạp, thiếu sự lãnh đạo rõ ràng nên đã bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển, thiếu các tổ chức phi chính phủ thực sự trong ngành, tiếp cận quan liêu và không rõ ràng trong quản lý tài chính và hỗ trợ tài chính, thiếu một nền kinh tế hỗn hợp cho ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Bên cạnh đó là cơ sở hạ tầng văn hóa kém phát triển, thiếu một hệ sinh thái sáng tạo tổng thể, tiếp cận nguồn tài chính khó khăn…

Mới đây, đầu tháng 12/2013 trong diễn đàn “Kinh tế sáng tạo châu Á và châu Âu: Trụ cột mới của phát triển và tăng trưởng kinh tế” tổ chức tại Hà Nội do Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch cùng với Quỹ Á - Âu (ASEF) phối hợp với Liên đoàn Quốc tế các Hội đồng nghệ thuật và Cơ quan Văn hóa (IFACCA) cũng đã có những nhìn nhận thẳng thắn về ngành CNVH tại Việt Nam hiện nay. Các diễn giả đều cho rằng, Việt Nam đang tụt hậu quá xa trong ngành CNVH, trong khi Việt Nam có nhiều giá trị văn hóa có thể phát triển thành ngành CNST có giá trị quốc tế.

Cần có lộ trình

Tuy nhiên, TS Tom Fleming - chuyên gia về CNVH UNESCO cũng có những phân tích khá lạc quan đối với Việt Nam khi cho rằng diễn đàn này rất có ý nghĩa, Việt Nam đi sau có điều kiện kế thừa và rút ra kinh nghiệm từ các nước đi trước trong xây dựng chính sách, tạo điều kiện phát triển thích hợp, đề ra phương hướng mang tính khả thi cho sự phát triển ngành CNST ở Việt Nam. Điều quan trọng là nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam đã nhận ra tầm quan trọng của giá trị văn hóa và chính sách văn hóa trong ngành CNST. Văn hóa cũng tạo ra của cải, tạo công ăn việc làm, tạo ra thương hiệu quốc gia và đóng góp đáng kể cho nền kinh tế của đất nước.

Trước mắt Việt Nam cần hướng tiếp cận có hệ thống hơn, đưa ra tầm nhìn và những cam kết của Chính phủ trong phát triển CNVH. TS Tom Fleming từng đặt vấn đề: “Chúng tôi đề xuất Chính phủ Việt Nam cần kết nối với các đối tác từ nhà nước cho đến tư nhân và xã hội dân sự để xây dựng chiến lược phát triển cho CNVH hay còn gọi là CNST bằng những bước đi ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Để phục vụ cho chiến lược này là những dự án nền tảng.

Còn nhiều chuyên gia và nhà nghiên cứu khác thì cho rằng để ngành CNVH Việt Nam phát triển thì quan trọng nhất là cơ chế chính sách và cách thức tổ chức. Và chuyên gia William Codjo của UNESCO cho rằng, muốn chiến lược và tầm nhìn khả thi thì phải có nền tảng đầu tư tốt, trong đó cơ chế tài chính là tiên quyết và cốt lõi trong phát triển ngành CNST.

Có lẽ trước mắt, chúng ta cần học hỏi những nước trong khu vực châu Á như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… trong lĩnh vực CNST, kế đến là kinh nghiệm của nhiều quốc gia có nền CNST rất phát triển như Mỹ chẳng hạn. Trước hết, Việt Nam nên hạn chế điệp khúc “xin cấp kinh phí” mà nhà nước hãy tạo một cơ chế thông thoáng để nhà đầu tư yên tâm bỏ tiền làm và có khả năng thu lợi nhuận cao từ ngành CNST.

Thanh Thanh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.