“Sáng tạo” đáng báo động trong nghệ thuật múa

00:00 | 30/11/-0001

3,355 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Thời gian gần đây, hiện tượng ăn mặc lai căng, phản cảm cùng với vấn nạn đạo ý tưởng, bắt chước nước ngoài đang ngày một gia tăng và đã len lỏi vào đến mọi góc ngách của ngành nghệ thuật biểu diễn. Ngay như một loại hình nghệ thuật xưa nay vốn bình yên và ít scandal nhất là múa giờ cũng tràn lan những yếu tố sặc mùi vay mượn và lai căng.

Sáng tạo 1: “mượn sắc”

Đến các sân khấu biểu diễn múa dù chuyên hay không chuyên, một điều không khó để nhận thấy là sự tùy tiện trong trang phục biểu diễn. Khán giả có thể bắt gặp cảnh diễn viên mặc quần áo tân thời, gợi cảm để biểu diễn các điệu múa xòe, múa sạp của dân tộc Thái; cảnh các nghệ sĩ với trang phục váy áo dân tộc nhưng lại biểu diễn những động tác múa đương đại. Thậm chí một số tiết mục múa áo dài truyền thống, bản chất của điệu múa là sự mềm mại, nữ tính, thì không ít biên đạo lại cho diễn viên tung hứng, nhào lộn, đá cao, xoay vòng như các vũ điệu nóng bỏng của Nam Mỹ!

Tác phẩm múa "Vọng nguyệt" của Việt Nam mang nghi án copy ý tưởng của đạo diễn nước ngoài

Nhưng đấy chưa phải là những trường hợp “sáng tạo”, “cách tân” đáng báo động nhất. Tại một hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc mới được tổ chức, khán giả giật mình khi thấy trang phục biểu diễn của các nghệ sĩ múa giống y các diễn viên nước ngoài trên phim, trên băng đĩa ca nhạc đang bán tràn lan ngoài chợ! Đến ngay cánh các nhà phê bình nghệ thuật và ban giám khảo cũng phải lắc đầu ngao ngán: “Tôi xem một tiết mục múa của dân tộc Mông nhưng trang phục diễn viên mặc lại không phải là váy xòe thổ cẩm do người Mông làm mà lấp lánh kim tuyến y hệt trang phục của người Trung Quốc. Rất tiếc, tình trạng này lại xuất hiện nhiều trong hội diễn” - Nhà lý luận phê bình múa Thái Phiên trăn trở.

Khi được hỏi vì sao cả đoàn lại sử dụng trang phục giống y chang của nước bạn đến thế, hóa ra vì không có vải đẹp và cũng không có cơ sở nào may trang phục cho diễn viên múa. Vì vậy, thấy trang phục họ may sẵn khá hợp với ý mình, lại vừa rẻ, vừa đẹp, thế là mua luôn!? Không chỉ có tỉnh nọ mà rất nhiều đơn vị nghệ thuật ở phía bắc hiện nay đều sử dụng trang phục cho diễn viên có xuất xứ từ nước bạn, giá thành rẻ, kiểu dáng lại phong phú. Vì những lý do như thế mà màu sắc “ngoại” cứ “hồn nhiên” xuất hiện trên sân khấu múa khiến nhiều người giật mình!

Sáng tạo 2: “vay hương”

Đáng tiếc thay, hiện nay loại hình nghệ thuật này xuất hiện nhiều tiết mục không chỉ mượn “sắc” mà còn vay cả “hương” của nước ngoài. Một số tác giả biên đạo múa vì muốn kiếm tiền, muốn giành giải thưởng hay vì lý do nào khác nữa đã quá tùy tiện, dễ dãi trong sáng tạo nghệ thuật. Họ tìm trên mạng Internet, hoặc mua VCD nghệ thuật của nước láng giềng về xem, rồi “nghiên cứu”, sau đó bắt chước, “chế biến” thành tác phẩm của mình với những tổ hợp động tác na ná như những đứa trẻ sinh đôi, sinh ba từ tác phẩm của bạn.

Rồi cả phần âm nhạc. Hầu hết các tác phẩm múa hiện đại Việt Nam đều lấy âm nhạc nước ngoài để dàn dựng. Lý do thật đơn giản: vì ở ta còn quá ít nhạc sĩ viết nhạc cho múa. Vả lại lấy nhạc nước ngoài đỡ hẳn khâu trả tiền nhuận bút cho tác giả âm nhạc. Chưa kể, âm nhạc nước ngoài hay hơn, hấp dẫn hơn, thời thượng hơn! Kết quả là từ Bắc chí Nam đã xuất hiện không ít tác phẩm múa “đầu Ngô, mình Sở” (múa nội, nhạc ngoại) xa vời với thẩm mỹ, phong tục, tập quán, truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Múa hiện đại đã vay mượn là vậy, sự lai tạp trong những tiết mục múa dân tộc còn đáng nói hơn. Việc cách tân, cải biên nhiều khi thái quá của một số biên đạo đã làm biến dạng cái hồn, cái gốc của không ít điệu múa dân tộc truyền thống vốn đã ăn sâu bám rễ vào đời sống văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt. Cách đây chưa lâu, trong một cuộc thi tác phẩm múa các dân tộc Việt Nam, tác phẩm “Nữ thần đen” của Biên đạo trẻ Trần Ly Ly đã bị tước mất giải thưởng vào phút chót chỉ vì có ý kiến “phê” là “lai căng”, hỗn tạp trong ngôn ngữ thể hiện, “màu sắc” dân tộc thiếu đậm đặc. Những động tác múa sôi động đặc trưng của đồng bào dân tộc Tây Nguyên đã được tác giả sáng tạo thành những động tác lắc đầu, lắc tóc hoang dại như kiểu múa của thổ dân châu Úc.

Theo NSND Ứng Duy Thịnh, trong thời đại hội nhập quốc tế sâu rộng, đúng là nghệ thuật múa khuyến khích sự sáng tạo nhưng không được xa lạ, đề cao đổi mới nhưng vẫn phải đậm chất dân tộc. Đây cũng là những tiêu chí hàng đầu mà Đảng và Nhà nước ta đã đặt ra trong công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa văn nghệ Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc.

Sáng tạo 3: copy toàn phần

Chưa dừng lại ở việc vay mượn ý tưởng hay ráp nối tùy tiện, một số tiết mục múa còn “copy” đến 99% của người khác hay của nước ngoài mà không cần chỉnh sửa gì ngoài việc ghép tên mình vào để biểu diễn. Biên đạo múa Nguyễn Anh Phương đã có lần bức xúc tâm sự với báo giới, chị rất sửng sốt khi thấy bài múa “Chị em Tấm Cám” của mình trên truyền hình trong vai trò tiết mục dự thi tại một liên hoan ca múa nhạc với tác giả dàn dựng là Nguyên Hùng và hoàn toàn không thấy tên tác giả chính.

“Đây là bài múa rất nổi tiếng và thân quen trong phần thực tập biểu diễn của nhiều khóa học sinh Trường Múa. Vậy mà người ta cũng “mượn” để mang đi dự thi được! Tôi rất sẵn lòng chia sẻ, cho phép mọi người khai thác tư liệu từ tác phẩm của mình, nhưng ít nhất cũng phải trao đổi và có sự đồng ý của tôi” - Biên đạo múa Nguyễn Anh Phương cho biết!

Tác phẩm múa "Nữ thần đen" của Biên đạo Trần Ly Ly bị cho là giống điệu múa của thổ dân châu Úc

Để khó bị phát hiện hơn, một số người còn copy tác phẩm của nước ngoài. Khán giả chắc vẫn còn nhớ nghi án tác phẩm múa mang tên “Vọng nguyệt” được cho là “đạo” ý tưởng từ tiết mục múa trong chương trình nghệ thuật “Ấn tượng chị Ba Lưu” của đạo diễn danh tài thế giới Trương Nghệ Mưu… Vẫn là màn múa đẹp đến tuyệt mỹ, hay đến hút hồn người xem, chỉ khác thay vì sân khấu là mặt nước một khúc sông rộng, tác giả nọ đã mang màn múa “vẫn y nguyên” ấy lên sân khấu sàn gỗ, rồi từ một diễn viên thì “chế biến” thêm diễn viên vào cho khác của “ngoại” một chút, họ bập bềnh trên sông nước thật thì mình “đung đưa” đạo cụ để cho màn biểu diễn cũng bập bềnh… trên cạn. Những ai đã được xem cả hai màn múa này đều thấy… giật mình (!).

Thực tế, giống như âm nhạc chỉ có bảy nốt, nghệ thuật múa cũng chỉ có những động tác cơ bản nhất định nên ai cũng sử dụng được như của chung. Chuyện “đạo múa” hay không được xem xét dựa trên sự copy những sáng tạo về tổ hợp, đường đi nước bước dàn dựng cho toàn bài múa. Theo NSƯT Kim Quy: “Những ai bê nguyên tổ hợp, bê nguyên tiết mục thì chắc chắn là đạo múa”. Là Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa TP HCM, nghệ sĩ Kim Quy thường có mặt trong thành phần ban giám khảo các liên hoan nghệ thuật và chị thường phát hiện những bài múa của mình được trình diễn dưới cái tên của một tác giả khác! NSƯT Kim Quy cho rằng tình trạng này cần phải lên án, răn đe để đảm bảo quyền tác giả và làm trong sạch môi trường nghệ thuật múa.

Thời gian gần đây trên các diễn đàn văn hóa nghệ thuật, cũng đã có không ít khán giả vạch trần nạn “đạo” tác phẩm múa của một số tác giả bằng việc cung cấp những hình ảnh, tài liệu kèm theo băng ghi hình để chứng minh. Các cơ quan chức năng không vào cuộc quyết liệt hơn, thẳng thắn hơn và trách nhiệm hơn.

Liên Nhi

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan