Thí sinh thi khối C: Việc hiếm, tiền ít

07:58 | 14/05/2012

1,004 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, tình trạng èo uột hồ sơ đăng ký dự thi khối C tiếp tục tái diễn, thậm chí “bi đát” hơn năm trước. Nguyên nhân được cho là do thí sinh “hẹp cửa” với khối thi này, đầu ra xin việc khó, thu nhập của các vị trí công việc ở lĩnh vực xã hội lại không cao.

Cả trường không có hồ sơ khối C

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội, tổng số hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) ĐH, CĐ năm 2012 Sở này nhận được là gần 164.000 bộ. Trong đó, số lượng hồ sơ ĐKDT vào khối A nhiều nhất với trên 47%, số hồ sơ đăng ký vào khối B hơn 14%, khối D hơn 24,5% và khối C chỉ 4,5%.Ghi nhận của phóng viên tại một số trường THPT ở Hà Nội, số học sinh lớp 12 đăng ký dự thi khối C chỉ “đếm trên đầu ngón tay”, thậm chí có trường không nhận được bộ hồ sơ nào của khối thi này.

Thí sinh thi đại học

Theo thống kê của Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (quận Thanh Xuân), số hồ sơ ĐKDT khối A, A1 chiếm áp đảo với khoảng 70%; khối D khoảng 30% và không có hồ sơ đăng ký các ngành khối C. Số liệu cho thấy số phận của ngành thi các khối C ngày càng “bi đát” vì năm ngoái trường này ít ra còn có 1 học sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Đây cũng là tình hình chung của hầu hết các trường THPT ở Hà Nội trong mùa tuyển sinh năm nay.

Tại Trường THPT Thăng Long (quận Hai Bà Trưng), số hồ sơ đăng ký dự thi khối C chỉ vẻn vẹn 5 bộ trong tổng số hồ sơ nhà trường thu được là 2.000 bộ. Trường THPT Lê Quý Đôn (quận Đống Đa) cũng chỉ có 6-7 bộ hồ sơ dự thi khối C trong tổng số hơn 1.000 bộ hồ sơ của 700 học sinh lớp 12. Tại THPT Nguyễn Tất Thành (quận Cầu Giấy), số hồ sơ dự thi khối C cũng chỉ khoảng 6-7 trong tổng số xấp xỉ 1.000 bộ.

Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (quận Hà Đông) mặc dù có khoảng 115 học sinh ở các lớp chuyên Văn, Sử, Địa nhưng số em đăng ký dự thi khối C chỉ khoảng 1/4 con số này.

“Học sinh lớp chuyên Văn đa phần thi khối D, nhiều em học lớp Sử, Địa cũng thi khối A, A1, D hoặc thi Toán, Văn, Sử vào Trường An ninh chứ cũng không chọn khối C”, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó hiệu trưởng THPT chuyên Nguyễn Huệ cho biết.

Khối C thất sủng cũng là tình trạng “không tránh khỏi” ở các trường THPT tại TP HCM. Theo số liệu thống kê của nhiều trường, số hồ sơ dự thi khối C phổ biến dưới con số 10. Như tại Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) chỉ có 1 bộ hồ sơ duy nhất đăng ký dự thi vào khối C trên tổng số 1.100 bộ; Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền cũng chỉ có 2-3 bộ hồ sơ ĐKDT khối C lạc giữa trên 2.000 bộ hồ sơ; THPT Gia Định có 5/2.448 hồ sơ dự thi khối C…

Khó đủ đường lại nghèo

Theo nhiều học sinh, nguyên nhân khiến số lượng thí sinh dự thi khối C ngày càng ít là do “lối vào thì hẹp đường ra lại khó”. Thậm chí, một số thí sinh chê khối thi này vì cho rằng, khi ra trường làm các công việc liên quan đến khoa học xã hội và nhân văn thu nhập thấp hơn nhiều so với các công việc ở lĩnh vực khác.

Chỉ đạt học lực trung bình ở các môn Toán, Lý, Hóa nhưng Tuấn Anh, học sinh lớp 12 Trường THPT Xuân Đỉnh (huyện Từ Liêm, Hà Nội) vẫn một mực đăng ký dự thi ĐH khối A, khối D vì cho rằng khối thi này có nhiều sự lựa chọn hơn, ngay cả khi rớt đại học. “Thi khối A nếu thiếu điểm hệ ĐH thì em còn có nhiều cơ hội xét tuyển vào các trường cao đẳng, trung cấp cùng khối chứ khối C thì được mấy trường?”, Tuấn Anh chia sẻ. Mặc dù yêu thích một số ngành học liên quan đến thi khối C như: Văn học, Hán Nôm, Việt Nam học nhưng Nguyễn Thị Yến, học sinh lớp 12, THPT Quang Trung (quận Đống Đa, Hà Nội) không đủ “can đảm” theo đuổi đam mê vì sợ khi ra trường “không chạy” được việc.

Ngoài những lý do trên, một số học sinh khi được hỏi “vì sao chê khối C?” đã thẳng thắn trả lời: “Làm các công việc ở lĩnh vực xã hội, lương ba cọc ba đồng, không đủ sống”. “Lương giáo viên thấp nhưng một số thầy cô dạy các môn chính hoặc các môn trong khối A thì còn có thu nhập ngoài từ việc dạy thêm chứ như tôi, học sinh ngày càng chê khối này thì lấy đâu ra học sinh để dậy. Nếu một người phải lo kinh tế gia đình mà làm công việc này thì khó mà bám nghề được”, cô giáo Đỗ Thị Hà dạy THPT ở Hà Nội chia sẻ.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ cũng cho rằng, việc thí sinh “chê” khối C không thể đổ lỗi cho học sinh. Bởi lẽ, ngay từ khâu phân phối khối ngành tuyển sinh của Bộ GD&ĐT đã có sự mất cân đối rõ rệt.

“Các môn học khối C không phải không hay nhưng nó mông lung nên khiến nhiều em sợ. Trong khi đó, sự lựa chọn trường thi ở khối này không dồi dào như các khối khác nên các em cũng chán. Hơn nữa, học sinh bây giờ cũng biết nhìn vào xu hướng thị trường để chọn ngành nghề chứ không như thời bao cấp”, ông Sơn nói.

Sẽ có nhiều gà công nghiệp?

Với tư cách một nhà giáo, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ – Hà Nội cho rằng, nếu không học giỏi các môn xã hội, những người giỏi ở các lĩnh vực khác khi ra ngoài đời sẽ gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Sơn một người giỏi kỹ thuật nhưng không biết diễn giải, không biết nói việc mình làm hoặc nói mà không có sự hiểu biết về xã hội thì người đó cũng chỉ là con gà công nghiệp.

Còn với góc nhìn của một nhà xã hội học, ông Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học Việt Nam cho rằng, khi những lĩnh vực có tính chất ứng dụng, kinh tế có thể đưa lại tiền bạc, vị thế… thì chắc chắn nó sẽ làm cho tuyến ngành nghề gắn liền với khoa học xã hội và nhân văn có đồng lương, sự đãi ngộ, trả công của xã hội quá nhạt nhẽo và rẻ rúm không còn sức hút.

Từ đó dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực của nhóm ngành nghề này một cách trầm trọng, đồng thời làm mất sự cân đối giữa các ngành nghề. Ngoài ra, nếu để tình trạng coi nhẹ, mất cân bằng các môn học xã hội so với các môn khác kéo dài sẽ dẫn đến hậu quả sau này chúng ta sẽ rất thiếu những người làm công tác quản lý, chiến lược, xâu chuỗi, tương tác giữa các ngành.

Cũng theo ông Bình, nếu không có sự tác động, can thiệp thì phải mất ít nhất 7-8 năm hoặc 10 năm nữa, sự cân bằng giữa các ngành nghề mới có thể trở lại. Bởi lẽ, theo quy luật tự nhiên, khi guồng quay xã hội quá méo mó thì nó sẽ phải trở lại và chúng ta sẽ phải trả giá cho quãng thời gian đó.

Theo đó, ông Bình cho rằng, việc trước mắt, ngành giáo dục cần tác động ngay tới việc phân luồng các ngành học, ban học từ trong nhà trường để ngăn chặn tình trạng học sinh học lệch, chọn ngành nghề lệch. Sau đó, nhà nước cũng cần có những tác động vĩ mô để hạn chế sự mất cân đối, bất bình đẳng giữa nhiều lĩnh vực nghề nghiệp trong xã hội.

            Thái Dương