Thí điểm gắn nhãn “Rau an toàn Hà Nội”

14:16 | 08/11/2011

851 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
 Sản phẩm rau an toàn của vùng rau Văn Đức (Gia Lâm Hà Nội) đã được gắn nhãn “Rau an toàn Hà Nội”.

Nhu cầu các sản phẩm rau an toàn trên thị trường Hà Nội là rất lớn.

Nhằm giải quyết tình trạng rau an toàn không được dán nhãn mác trong quá trình lưu thông trên thị trường, mới đây, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội phối hợp với Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản vừa triển khai chương trình “Thí điểm kiểm soát rau theo chuỗi từ vùng đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn đến nơi tiêu thụ”. Theo đó, các sản phẩm rau an toàn sẽ được gắn nhãn “Rau an toàn Hà Nội”.

Được biết, tính đến thời điểm hiện tại, các quận, huyện, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã lập 21 dự án xây dựng vùng sản xuất rau an toàn trên tổng diện tích 1.506ha. Trong đó, 8/21 dự án đã được phê duyệt với tổng diện tích 403ha, hiện đang thi công hạ tầng. Đáng chú ý, vùng rau xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội đã đi vào hoạt động và cung cấp một sản lượng lớn rau sạch trên thị trường Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Hồng Anh – Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội, vùng sản xuất rau của Văn Đức nằm trong định hướng quy hoạch mạng lưới sản xuất rau an toàn (RAT) của TP đến năm 2020. Đến nay, Chi cục BVTV đã phối hợp với địa phương chỉ đạo toàn bộ 250ha vùng rau Văn Đức đạt tiêu chí RAT với sản lượng khoảng 17.500 – 18.000 tấn năm (45 – 50 tấn/ngày). Trong đó, 25ha đạt tiêu chuẩn VietGap (tiêu chuẩn về rau an toàn).

"Để đạt được những kết quả đó, trong quá trình thực hiện, Chi cục BVTV thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình. Đồng thời, tiến hành lấy một số mẫu ngẫu nhiên gửi đi phân tích, kiểm tra chất lượng về dư lượng thuốc BVTV, hàm lượng Nitrat…”, ông Anh nhấn mạnh.

Qua tìm hiểu được biết, toàn bộ chi phí xây dựng nhà sơ chế đã được Cty TNHH Hương Cảnh đầu tư và kí hợp đồng bao tiêu rau thường xuyên cho các hộ dân trong khu vực rau VietGap (sản lượng 0,8 – 1,3 tấn/ngày). Tuy nhiên, hầu hết sản lượng lớn RAT chỉ được đóng bao tại đầu bờ, không có nhãn mác, tem niêm phong; không nhận diện nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Để giải quyết tình trạng này, Chi cục BVTV Hà Nội phối hợp với Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản vừa triển khai chương trình “Thí điểm kiểm soát rau theo chuỗi từ vùng đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT đến nơi tiêu thụ”. Theo đó, sản phẩm RAT của vùng rau Văn Đức đã được gắn nhãn “Rau an toàn Hà Nội”.

Bà Nguyễn Thị Hoa – Chi cục Trưởng Chi cục BVTV Hà Nội cho rằng, chương trình thí điểm gắn nhãn tại xã Văn Đức – Gia Lâm là cơ sở ban đầu quan trọng. Từ nay đến cuối năm, Chi cục BVTV sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương để triển khai thực hiện, đồng thời đánh giá rút kinh nghiệm để cải tiến và đề xuất nhân rộng ra các vùng rau an toàn trên địa bàn TP từ năm 2012. Hy vọng, với ý thức trách nhiệm của các vùng rau và từng người nông dân cùng sự giám sát của các cơ quan chức năng, trong đó có vai trò rất lớn của các cơ quan tuyên truyền, hướng triển khai này sẽ thành công.

Thanh Ngọc