Chất lượng rau tốt sẽ có nơi tiêu thụ

16:41 | 20/07/2019

397 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Đại diện một hợp tác xã (HTX) cho biết, kể từ khi được cấp chứng nhận đạt VietGAP vào năm 2013, HTX đã ký được nhiều hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, với sản lượng tiêu thụ 2-3tấn/ngày.

Chia sẻ tại Diễn đàn Khuyến nông nông nghiệp “Phát triển sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm”, ông Nguyễn Văn An – Giám đốc HTX RAT Gò Gông (Tiền Giang) cho biết, từ năm 2009, HTX bắt đầu tham gia dự án “Xây dựng vùng sản xuất rau an toàn (RAT) tỉnh Tiền Giang”, thị trường rau của HTX bắt đầu có triển vọng với lượng tiêu thụ 0,5 – 1 tấn/ngày.

"Kể từ khi được cấp chứng nhận đạt VietGAP vào năm 2013, HTX đã ký được nhiều hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, với sản lượng tiêu thụ 2-3tấn/ngày" - ông An cho hay.

chat luong rau tot se co noi tieu thu
(Ảnh minh họa)

Từ 6ha sản xuất RAT với 20 thành viên ban đầu, HTX RAT Gò Công đã mở rộng diện tích sản xuất lên 18ha/55 xã viên, hàng năm cung cấp cho thị trường 2.600 tấn rau đạt chuẩn VietGAP. Các sản phẩm của xã viên đều được HTX bao tiêu với giá cao hơn thị trường 500 – 1.000 đồng/kg.

“Thời gian đầu, để tìm được thị trường, chúng tôi một phần nhờ địa phương hỗ trợ, còn lại chính lãnh đạo HTX phải đi tìm. Chúng tôi đến gặp Saigon Co.op, Metro, Bách hóa xanh. Giám đốc và kế toán đi chào hàng khắp nơi, đến các bếp ăn tập thể… Người ta xem xét thấy sản phẩm tốt, giá được nên đặt mua” - ông An kể.

Ngoài ra, cũng theo ông Nguyễn Văn An, các đầu mối mua hàng của HTX như siêu thị kiểm tra thường xuyên, chi phí test tại chỗ khoảng 2 triệu đồng/mẫu, không đạt phải đem hủy chứ không được đem về để bán cho nơi khác.

Theo thạc sĩ Lê Thanh Tùng (Cục Trồng trọt), đối với những vùng rau có quy mô trên 50ha/vùng, ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng khép kín (điều này phải do chính quyền thực hiện) thì bắt buộc phải hình thành các chuỗi liên kết RAT có sự tham gia của người sản xuất, sơ chế - chế biến- phân phối, kinh doanh - tiêu thụ.

Cần duy trì và xây dựng một số chợ quy mô nhỏ để thuận tiện cho việc tiêu thụ RAT ở các vùng sản xuất lớn nằm xa chợ đầu mối. Xây dựng và phát triển mạng lưới tiêu thụ RAT theo các hình thức: Quầy RAT tại các khu dân cư, tùy theo quy mô của khu dân cư để bố trí 1 – 3 cửa hàng RAT/khu; quầy RAT tại các chợ (chủ yếu là khu vực nội thành); gian hàng RAT tại các siêu thị…

M.T