Chính sách đối ngoại của Trung Quốc đang thay đổi:

Thê đội 5 muốn ngang hàng với thê đội 2

07:00 | 25/08/2014

2,736 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 22-8, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho rằng, các nguyên tắc do Đặng Tiểu Bình, hạt nhân lãnh đạo của thê đội 2 đặt ra vẫn phát huy ảnh hưởng trên chính trường Trung Quốc.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch quân uỷ Trung ương Tập Cận Bình, hạt nhân lãnh đạo của thê đội 5 muốn được xếp ngang hàng với Đặng Tiểu Bình. Vấn đề này được đề cập nhân dịp Bắc Kinh kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Đặng Tiểu Bình. Sở dĩ nói như vậy vì ông Tập Cận Bình tuy vẫn đang thực hiện các triết lý của Đặng Tiểu Bình trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh, nhưng đã bỏ qua lời khuyên của nhà lãnh đạo này - Trung Quốc cần giấu mình chờ thời, tránh đối đầu trong các vấn đề quốc tế để tập trung vào những vấn đề trong nước, khi bắt đầu phô diễn sức mạnh quân sự và khẳng định sự tham gia của Trung Quốc vào các vấn đề khu vực và thế giới.

Tập Cận Bình được cho là bản sao của Đặng Tiểu Bình trong quan hệ với láng giềng

Nhiều người cho rằng, phong cách của ông Tập Cận Bình có thể nói là bản sao của Đặng Tiểu Bình, nhưng mạnh dạn hơn. Bởi dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, Bắc Kinh đã đơn phương áp đặt vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông, thúc đẩy các hoạt động khẳng định yêu sách (vô lý, phi pháp) trên Biển Đông.

Giáo sư khoa học chính trị tại Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ, Taylor Fravel cho rằng, Trung Quốc đã sẵn sàng chủ động hơn trong việc để đạt được cái họ muốn như bảo vệ yêu sách (vô lý, phi pháp) trong tranh chấp lãnh thổ với các nước hữu quan, nhất là độc bá toàn bộ Biển Đông. Nhưng tham vọng này bị giới hạn bởi Bắc Kinh chưa sẵn sàng để trở thành nhà lãnh đạo thế giới trong vấn đề an ninh vì chi phí cho điều này quá cao. Theo ông Kim Lạn Vinh, Giáo sư quan hệ quốc tế đến từ Đại học Nhân Dân Bắc Kinh cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc đã làm tăng sự tự tin, giúp Bắc Kinh trở nên quyết đoán (hung hăng) hơn trong tranh chấp lãnh thổ.

Theo giới truyền thông, chiến lược ngoại giao của Đặng Tiểu Bình xuất hiện vào đầu thập niên 1990 (sau sự sụp đổ của Liên Xô), và khi đó Bắc Kinh cũng đang cố gắng để ổn định tình hình trong nước sau “sự kiện Thiên An Môn năm 1989”. Khi phát biểu tại cuộc nói chuyện hồi tháng 12-1990, Đặng Tiểu Bình từng nhấn mạnh: Chúng ta không thể là người lãnh đạo bởi không đủ sức mạnh, cho dù một số nước trong thế giới thứ 3 muốn Trung Quốc là nhà lãnh đạo. Đây là chính sách cơ bản của Trung Quốc.

Đặng Tiểu Bình cũng từng tuyên bố, Trung Quốc nên tránh đi đầu trong chính trị quốc tế, nhưng phải bảo vệ cái gọi là "lợi ích cốt lõi". Hạt nhân lãnh đạo của thê đội 3 và 4 là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đều tái khẳng định các chủ trương của Đặng Tiểu Bình.

Đặng Tiểu Bình đang cố gắng đội chiếc mũ cao bồi trong chuyến thăm Mỹ năm 1979

Ngày 21-8, tờ Gulf News bình luận, Trung Quốc đang nỗ lực tìm cách thống trị các tuyến hàng hải trọng yếu, nếu Mỹ không còn nhu cầu. Trung Quốc muốn kiểm soát các vùng biển này cũng như khởi động chiến lược vươn ra đại dương. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gate đã tiết lộ suy nghĩ ngắn hạn của Washington khi cung cấp đầy đủ các tài liệu tham khảo về cắt giảm ngân sách và các chiến lược đặc biệt của Quốc hội Mỹ trong cuốn sách của mình. Theo đánh giá của giới chuyên môn, thời gian gần đây tình hình Biển Đông trở nên đáng lo ngại hơn không chỉ bởi tranh chấp lãnh hải, tài nguyên, mà còn vì sự lo lắng trong khu vực về sự trỗi dậy của Trung Quốc, cùng với lịch sử nghi ngờ và thù địch giữa Trung Quốc với các nước láng giềng.

Theo giới chuyên môn, các vùng biển và đại dương sẽ là chiến trường trong thế kỷ 21, các cường quốc kinh tế cũ và mới sẽ đấu tranh để chiếm lĩnh các tuyến đường hàng hải, nơi 90% giá trị hoạt động thương mại thế giới phải đi qua - sẽ sử dụng lực lượng hải quân để thực hiện, đồng thời để mắt tới những tài nguyên thuộc những vùng biển này. Không chỉ Trung Quốc lo lắng và tìm kiếm lợi ích ở Biển Đông, các quốc gia Vùng Vịnh cũng quan tâm tới tuyến hàng hải trọng yếu này bởi đây là nơi vận chuyển 2/3 nguồn cung cấp năng lượng cho Hàn Quốc, 60% cho Đài Loan và Nhật Bản… Ngoài mưu đồ độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc còn xây dựng 4 địa điểm để tiến vào Ấn Độ Dương để kiểm soát tuyến đường vận chuyển dầu mỏ từ Vùng Vịnh về đại lục một cách dài hạn như cảng Chahbahar ở Iran, cảng Gwadar ở Pakistan, 1 cảng lớn trên đảo Ramree ở Myanamar và 1 nằm ở Hambantota, Sri Lanka.

Theo Trung tâm Đông Tây, chiến lược vươn ra đại dương của Trung Quốc được công khai gần đây nhất là năm 2013 và đây là lần đầu tiên Bắc Kinh thể hiện rõ quan điểm "bảo vệ quyền và lợi ích hàng hải", bảo vệ "quyền lợi của Trung Quốc ở nước ngoài" là mục tiêu quan trọng đối với quân đội Trung Quốc. Nhưng trước đó, ông Lưu Hoa Thanh, nguyên Tư lệnh hải quân Trung Quốc giai đoạn 1982-1988 là tác giả của bản kế hoạch 3 giai đoạn để tăng cường quyền lực biển của Trung Quốc. Theo đó, đến năm 2050, Trung Quốc có khả năng "thích làm gì thì làm" ở Biển Đông và đây sẽ là mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với Nhật Bản, Hàn Quốc và các nhà cung cấp ở Vùng Vịnh.

Giới kinh tế cảnh báo, Trung Quốc đang tính khai thác dầu khí tại Biển Đông ở vùng nước sâu và xa bờ khi cân nhắc dùng tàu FLNG để xử lý thành phẩm chuyển dầu từ Biển Đông về Trung Quốc. Theo ông Stewart Taggart người đứng đầu Grenatec, tổ chức chuyên nghiên cứu về cơ sở hạ tầng trong khai thác năng lượng, nếu làm như vậy sẽ lỗ.

Ngày 21-8, khi phân tích trên tờ Financial Times, nhà báo, nhà bình luận thời sự Hongkong Philip Bowring nhận định, sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông không phải chủ yếu được thúc đẩy bởi nguồn tài nguyên dầu khí hay nghề cá, mà vì ví trí chiến lược của Biển Đông và tư duy của người Hán là trùm trong thiên hạ. Ngày 20-8, khi tham dự và phát biểu  tại Lễ khai mạc Hội nghị quan chức cấp cao APEC (SOM) lần thứ 3, Uỷ viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì cho biết, châu Á-Thái Bình Dương có vị trí chiến lược quan trọng. Bởi 21 thành viên APEC chiếm 40% dân số, 57% tổng sản lượng kinh tế và 46% tổng lượng thương mại thế giới.

Trong kế hoạch hiện thực hóa yêu sách độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc đã sử dụng tàu cá của ngư dân làm vũ khí lợi hại, cùng với tàu hải giám và tàu chiến tạo thành vành đai tầng tầng lớp lớp như cây cải bắp. Trên Defense News, tác giả Wendell Minnick nhận định, việc sử dụng chiến thuật dàn trận bằng tàu cá để khẳng định và bảo vệ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông đang là một xu hướng "không thể dừng được". Bình luận trên tờ National Interest, tác giả Harry Kazianis cho rằng, vũ khí lợi hại nhất của Bắc Kinh không phải là quân sự, mà có thể là tàu cá.

Từ Sơn-Bắc Ninh