Thấy gì từ việc Cuba giữ chức Chủ tịch CELAC?

11:13 | 29/01/2013

687 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ngày 28/1, Cuba chính thức nhậm chức Chủ tịch luân phiên tổ chức Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribê (CELAC) nhiệm kỳ 2013. Một bằng chứng cho thấy sự thất bại trong chính sách thù địch của Mỹ với La Habana.

 

 

Chủ tịch Cuba Raul Castro phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh CELAC ở Santiago, Chile, hôm 28/1/2013.

Theo Giáo sư Arturo Lopez Levy ở trường Đại học Denver (Mỹ), đến nay không có bất kỳ một quốc gia nào ở Tây bán cầu - ngoại trừ Mỹ - là không có quan hệ với Cuba và tất cả đều phản đối chính sách bao vây cấm vận mà Washington áp đặt chống La Habana kể từ năm 1962. Ông Lopez Levy khẳng định chức Chủ tịch CELAC sẽ đưa hình ảnh của Chủ tịch Raul Castro và đất nước Cuba lên một tầm cao mới với tư cách là "thủ lĩnh" của khu vực, và đó là cái giá đắt mà Mỹ phải trả cho chính sách thù địch nhằm cô lập quốc đảo này.   

Trên thực tế, trong thời gian đầu khi lên nắm quyền lãnh đạo đất nước thay ông Fidel Castro, vai trò của Chủ tịch Raul Castro trên trường quốc tế không thực sự nổi bật. Tuy nhiên, trong 4 năm trở lại đây, chính phủ của ông Raul đã từng bước tăng cường liên kết với hầu hết các nước ở khu vực Mỹ Latinh. Năm 2009, khi Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) chính thức bãi bỏ nghị quyết khai trừ Cuba được áp dụng từ năm 1962, tất cả các nước Mỹ Latinh từng cắt quan hệ với La Habana do sức ép từ Washington trong những năm 60 của thế kỷ trước đã tái thiết lập hoàn toàn quan hệ ngoại giao với quốc đảo này, trong đó hai nước cuối cùng thay đổi lập trường của mình là El Savador và Costa Rica năm 2009.   

Mặc dù vậy, bản thân Cuba cũng không mặn mà với việc quay trở lại OAS, thay vào đó lại ủng hộ ý tưởng thành lập CELAC với sự tham gia của 33 nước ở châu Mỹ, ngoại trừ Mỹ và Canada. Học giả Carlos Alzugaray, một nhà ngoại giao kỳ cựu người Cuba, nhận định việc Cuba giữ chức Chủ tịch CELAC là mốc quan trọng cho sự khởi đầu của giai đoạn mà Cuba được hội nhập hoàn toàn với nền ngoại giao ở khu vực, và đây là một trong những thành tựu lớn nhất của ngành ngoại giao Cuba trong những năm qua.   

Một thành công lớn khác của Chính phủ Raul Castro về mặt ngoại giao là tháng 4/2012, tất cả các nước Mỹ Latinh và Caribê cùng lên tiếng yêu cầu cho phép Cuba tham dự Hội nghị Thượng đỉnh OAS tại Cartagena (Colombia). Đề xuất này không được Mỹ và Canada đồng thuận, dẫn tới việc lần đầu tiên hội nghị OAS đã không đưa ra được thông cáo chung.    

Nhà phân tích chính trị Lopez Levy bình luận, do không phải là một con người cá tính nên ban đầu Chủ tịch Raul Castro đôi khi “bị đánh giá thấp”, nhưng đó là một chính trị gia cực kỳ khôn khéo với phương thức điều hành và lãnh đạo đất nước không kém bất cứ một ai. Không thể so sánh vai trò thủ lĩnh khu vực của ông Raul và ông Fidel như một số người vẫn nhìn nhận bởi đó là hai con người có tính cách và ở vào hai thời điểm hoàn toàn khác nhau.    

Ông Lopez Levy nhấn mạnh, ở thời điểm hiện tại, việc thể hiện vai trò đầu tàu khu vực của Chủ tịch Raul Castro là tạo ra một môi trường thuận lợi để thúc đẩy những cải cách trong nước, chứ không phải đưa ra những dự án cách mạng quốc tế như lãnh tụ Fidel Castro đã từng làm trong giai đoạn của mình và đó là những thành công mà Cuba dưới thời của Raul Castro đang đạt được, qua đó cũng cho thấy chính sách cô lập của Mỹ đã lỗi thời và sớm muộn cũng phải chấm dứt.

Th.Long (Theo Voltaire)