Thang máy chung cư - đừng đùa với tính mạng người dân!

06:39 | 16/07/2014

863 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dư luận quan tâm chuyện ông Trần Anh Tuấn, bảo vệ nhà N5A Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính bước hụt thang máy và chết tức tưởi. Đó có thể coi là giọt nước tràn ly về tình trạng nhếch nhác, xuống cấp và trở thành một cái bẫy thường trực của thang máy chung cư cho những cư dân phải sử dụng nó hằng ngày.

Năng lượng Mới số 339

Sống chung với thang máy hỏng

Sau cái chết bất ngờ của ông Trần Anh Tuấn vào 8h30 ngày 30/6 vừa qua, người ta đã đưa ta một nhận định và gọi đó là nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn: “Ông Tuấn là bảo vệ, chức năng của bảo vệ là chỉ bảo vệ an ninh, trật tự và tài sản của nhân dân trong khu vực, vụ việc xảy ra vừa qua là do anh Tuấn tự ý mở cửa thang máy và không hề báo cáo lãnh đạo xí nghiệp!”.

Những người dân tại tòa nhà N5A bức xúc lên tiếng rằng, thang máy số 1 thường xuyên trục trặc, cư dân đã nhiều lần đề nghị nhưng không được sửa chữa kịp thời. Theo Quyết định 19/2013/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, tại các tòa nhà thuộc khu tái định cư đều có 2% kinh phí trích từ tiền mua nhà của người dân để duy trì, bảo dưỡng tòa nhà nhưng không biết vì lý do gì, đơn vị quản lý không sử dụng để sửa chữa thang máy.

Trước sức ép từ dư luận, những cơ quan có trách nhiệm trong vụ việc này lại bắt đầu… đổ trách nhiệm cho nhau. Phòng Phát triển nhà, Sở Xây dựng Hà Nội thì khẳng định rằng, cơ quan chịu trách nhiệm chính thuộc về Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội. Là bởi, số tiền 2% quỹ bảo trì chung cư được công ty này giữ lại và chi tiêu theo sự giám sát của TP Hà Nội để quản lý vận hành các khu tái định cư.

Thang máy chung cư - đừng đùa với tính mạng người dân!

Thang máy tại tòa nhà N5A Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, nơi bảo vệ Trần Anh Tuấn thiệt mạng

Cái chết tức tưởi của ông Tuấn chỉ là giọt nước tràn ly khi tình trạng nhếch nhác, nguy hiểm từ những thang máy chung cư đã diễn ra từ nhiều năm qua và có vẻ như bài toán giải quyết vấn đề này đang lâm vào bế tắc.

Không phải đến bây giờ người dân mới phải tri hô lên rằng, thang máy chung cư giờ chẳng khác gì một cái bẫy có thể hại người bất cứ lúc nào. Và, ngày nào người dân cũng phải đánh cược mạng sống của mình khi phải di chuyển trong những thang máy như vậy.

Khảo sát về chất lượng thang máy tại chính khu vực mới xảy ra vụ tai nạn thương tâm thì thấy rằng, ngay ở khu đô thị Nam Trung Yên, người dân sống tại tòa nhà B11D (13 tầng, hơn 100 hộ sống) đã đồng loạt phản ánh: Hệ thống thang máy tại đây hoạt động rất tậm tịt, phải sửa chữa thường xuyên.

Ông Đặng Kim Thành, 72 tuổi, người sống trong tòa nhà này bức xúc: “Thang máy ở đây giống như người bị ốm vặt, chúng tôi sống gặp rất nhiều khó khăn, khi có người ốm đau phải đưa đi bệnh viện chờ nửa buổi không có thang máy đi xuống, có 2 thang máy, cái thì hỏng, cái còn lại thì bị rung, giật. Các quạt thông gió đã hỏng từ lâu”.

Theo ghi nhận, tại tòa nhà B10B, có hai thang máy nhưng một thang máy đã “đắp chiếu” nhiều ngày nay. Sự việc đã được báo cáo lên bộ phận quản lý tòa nhà nhưng đến nay thang máy này vẫn chỉ như “cục sắt bất động”.

“Thang máy này bị hỏng cách đây hơn mười ngày. Dân ở đây bức xúc lắm, đi làm bị trễ giờ là thường xuyên. Khi báo hỏng, nhân viên bảo dưỡng đến sửa nhưng được vài hôm lại hỏng. Lần gần đây nhất, mình báo cho tổ dân phố, báo lên công ty nhưng đến nay vẫn chưa có ai đến sửa. Họ bảo đang chờ kinh phí” - bảo vệ tòa nhà cho hay.

Trước đó, đầu tháng 6/2013, hàng trăm người dân sinh sống tại tòa nhà chung cư Nơ 14B tổ 27C thuộc phường Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng gặp khó khăn trong việc đi lại khi thang máy của tòa nhà không hoạt động. Người dân sống tại khu chung cư cho biết, thời gian đầu sống tại khu chung cư mọi thứ đều tốt. Nhưng một vài năm gần đây, tòa nhà bắt đầu xuống cấp. Đáng phàn nàn hơn cả là hệ thống thang máy liên tục hỏng và gặp sự cố.

Đó mới chỉ là một vài ví dụ nhỏ khi khảo sát thang máy ở một vài chung cư. Chất lượng của các công trình xây dựng nói chung và thang máy nói riêng vốn đã không phải là câu chuyện mới. Nói về chất lượng của thang máy chung cư, có một cai thầu xây dựng bật mí rằng, khoản tiền chênh lệch trong việc đấu thầu, mua bán, lắp đặt thang máy là một món hời béo bở.

Vì lợi nhuận, nhiều nhà thầu đã đánh tráo nhiều loại linh kiện xuất xứ từ châu Âu với những tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe bằng những linh kiện mua từ Trung Quốc với giá rẻ hơn rất nhiều lần. Chỉ tính riêng một bo mạch lắp đặt trong thang máy mua từ Trung Quốc, người ta đã có thể ăn chênh lệch vài trăm triệu đồng là chuyện bình thường. Đó là chưa kể đến chuyện những thiết bị kỹ thuật của thang máy bị đánh tráo bằng những linh kiện cũ nát, đã quá hạn sử dụng. Mà những linh kiện này nằm trong ruột thiết bị nên thường rất khó kiểm tra.

Thế nên mới có chuyện, chung cư mới tinh nhưng thang máy đã kêu cọt kẹt, lên xuống lắc rung bất thường và có thể… đứt cáp thang bất cứ lúc nào.

Mất bò mới lo làm chuồng

Trước sức ép của dư luận về tình trạng xuống cấp của hàng loạt thang máy của các khu chung cư, mới đây UBND TP Hà Nội đã gấp rút yêu cầu Sở Xây dựng tổ chức kiểm tra, báo cáo tình trạng an toàn của tất cả thang máy trong các tòa nhà tái định cư.

Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã yêu cầu Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, rà soát tình trạng an toàn của thang máy nhà chung cư, tình hình quản lý sử dụng kinh phí bảo trì và việc thành lập, hoạt động của Ban Quản trị nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Sở Xây dựng TP Hà Nội sẽ phải gấp rút tổ chức kiểm tra, báo cáo tình trạng an toàn của tất cả các thang máy trong các tòa nhà tái định cư; tình hình thành lập Ban Quản trị nhà chung cư; xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc không sử dụng kinh phí bảo trì trong quá trình vận hành thang máy và không thành lập Ban Quản trị nhà chung cư.

UBND thành phố cũng giao UBND các quận, huyện, thị xã rà soát tất cả các tòa nhà chung cư trên địa bàn, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc chậm thành lập Ban Quản trị nhà chung cư, đồng thời, có biện pháp yêu cầu các chủ đầu tư, người quản lý, sử dụng nhà chung cư thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý sử dụng nhà chung cư.

Nhưng thử hỏi, động thái “mất bò mới lo làm chuồng” sẽ đạt được hiệu quả gì khi việc phân định trách nhiệm, quy trình xử lý khi xảy ra sự cố thang máy chung cư vẫn còn lúng túng. Chỉ tính riêng trong vụ ông Tuấn, khi mà đổ trách nhiệm vòng quanh thì việc cải thiện chất lượng thang máy chung sư sẽ như thế nào?

Thế nên, song song với việc rà soát, kiểm tra tình trạng hệ thống thang máy chung cư, Sở Xây dựng cần có một giải pháp tổng thể nhằm khắc phục tình trạng này. Cụ thể thang máy hỏng thì sửa ngay, không sửa được thì thay, chủ đầu tư chịu trách nhiệm cấp kinh phí và phải có ban quản lý lo việc bảo trì, kiểm tra tình trạng thang máy chung cư.

Có thể thấy, hàng ngàn người dân sống trong các khu chung cư ở Hà Nội sẽ còn phải “sống trong sợ hãi” khi mà chính số tiền do mình bỏ ra để duy trì sự an toàn mỗi khi “chui” vào thang máy không được đảm bảo với hàng loạt các lý do lãng xẹt được đưa ra. Và đương nhiên, điều mà dư luận cũng không thể không đặt câu hỏi, đó là vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về xây dựng đã được đặt ở đâu trong trường hợp này?

Vũ Minh Tiến