Tăng viện phí: Nhiều đối tượng sẽ bị ảnh hưởng

15:04 | 16/09/2011

410 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đến thời điểm này, Việt Nam có gần 40% dân số chưa có thẻ Bảo hiểm Y tế (BHYT). Giá viện phí điều chỉnh khiến các đối tượng chưa tham gia BHYT phải gồng mình tự chi trả cho khoản tăng này.

>> Năm 2012: Triển khai mức viện phí mới

Việc điều chỉnh tăng giá 350 dịch vụ trong lĩnh vực khám – chữa bệnh đã được Bộ Y tế thông báo rộng rãi. Bộ khẳng định, việc điều chỉnh sẽ không ảnh hưởng vì khoảng 53 triệu người Việt Nam đã có thẻ BHYT (chiếm 62% dân số). Tuy nhiên, bộ vẫn không dám hứa tăng viện phí thì sẽ tăng chất lượng điều trị, người bệnh thoát cảnh nằm ghép 3-4 người/giường, giảm tải BV… 90% đối tượng cận nghèo trắng BHYT.

Việc tăng giá dịch vụ y tế là hợp lý, điều đó không thể phủ nhận vì quy định mức giá khám – chữa bệnh (KCB) từ năm 1995 đã quá lỗi thời. Theo TS Trần Đức Long – Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế khi trả lời với phóng viên vào sáng 15/9 cho rằng, trong khi vật giá leo thang từ 3-5 lần thì mức KCB hơn 15 năm nay vẫn không thay đổi, chỉ từ 500-3.000 đồng/lần khám. Chi phí này không đủ để mua găng tay, khẩu trang kể cả nhiều chi phí trực tiếp khác như vật tư, điện, nước, dụng cụ.

Vì thế, Bộ Y tế đề xuất mức điều chỉnh từ 6.000-25.000 đồng tùy theo từng hạng BV, từng chuyên khoa sẽ có mức phù hợp. Việc tăng viện phí không ảnh hưởng nhiều tới 53 triệu người đã có thẻ BHYT vì chi phí KCB của đối tượng này về cơ bản đã được BHYT chi trả, kể cả một số dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn…

Tăng viện phí khiến người nghèo như ngồi trên đống lửa.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, Việt Nam có gần 40% dân số chưa có thẻ BHYT. Giá viện phí điều chỉnh khiến các đối tượng chưa tham gia BHYT phải gồng mình tự chi trả cho khoản tăng này.

Trong số đó, 90% đối tượng cận nghèo chưa có bảo hiểm y tế. Thực tế cho thấy, từ năm 2010, Nhà nước hỗ trợ cho hộ cận nghèo 50% phí bảo hiểm nhưng họ vẫn không mặn mà mua. Việc tăng viện phí sẽ là gánh nặng lớn khi họ chẳng may bị tật bệnh trong việc phải tự bỏ tiền túi ra chi trả.

Trước vấn đề trên, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, bộ đang đề nghị nâng mức hỗ trợ tối thiểu đến 70% (thay vì 50% như hiện hành) khi tham gia BHYT và tiến đến đạt mục tiêu BHYT toàn dân vào năm 2014. Tuy nhiên, lý thuyết là thế nhưng trên thực tế, việc tuyên truyền để đối tượng thuộc diện cận nghèo tham gia mua BHYT là điều không dễ. Lâu nay, tại nhiều tỉnh, thành, bên cạnh việc Nhà nước hỗ trợ 50% phí bảo hiểm cho các hộ cận nghèo, nhiều nhà hảo tâm, tổ chức xã hội tham gia hỗ trợ với tổng nguồn lên đến 80% và số còn lại do đối tượng này đóng góp chỉ 20% nhưng họ vẫn không tham gia. Minh chứng rõ nhất là con số 90% đối tượng cận nghèo không có thẻ BHYT cũng cần phải suy nghĩ.

Nhiều người bệnh không chịu nổi cảnh xếp hàng chờ đợi đành bỏ tiền túi ra khám dịch vụ vừa nhanh, vừa khỏe.

Người dân không mặn mà với BHYT

Câu hỏi được đặt ra, viện phí tăng nhưng ngành y tế có đảm bảo chất lượng KCB đặc biệt là những đối tượng KCB theo BHYT liệu có được tăng theo? Lâu nay, việc KCB theo BHYT tại Việt Nam đang có nhiều “chướng ngại vật” khiến người bệnh bỏ BHYT và móc tiền túi trả khi vào viện. Một thực trạng mà những người trong diện KCB theo BHYT thường gặp chính là bị phân biệt đối xử được ví von như con ghẻ và con ruột.

Tại các BV tuyến quận huyện ở TP HCM như BV quận Tân Bình, Phú Nhuận, Tân Phú… một thực tế lâu nay vẫn chưa được giải quyết đó chính là việc người khám có thẻ BHYT phải xếp hàng từ 3-4 giờ sáng để lấy số khám. Nhiều người bệnh không chịu nổi cảnh xếp hàng chờ đợi đành bỏ tiền túi ra khám dịch vụ vừa nhanh, vừa khỏe.

Điển hình nhất tại 2 BV Nhi lớn tại TP HCM là Nhi Đồng 1; 2 theo quy định trẻ dưới 6 tuổi được miễn phí hoàn toàn trong việc KCB. Tuy nhiên nhiều gia đình quay lưng lại với quy định miễn phí trên và đành chấp nhận bỏ tiền túi nằm phòng dịch vụ. Phỏng vấn ba phụ huynh đưa con đến khám bệnh tại BV Nhi Đồng 1 thì cả ba đều khẳng định không quan tâm đến thẻ BHYT thậm chí chẳng nhớ để ở đâu. Theo họ, khám dịch vụ vừa an toàn, nhanh, yên tâm.

Việc quá tải BV đang trở thành căn bệnh mạn tính khi tổng số giường bệnh trên cả nước hiện có chỉ khoảng 190.000 giường với tỉ lệ 22,1 giường /10.000 dân. Đây là con số rất thấp so với nhiều nước trong khu vực. Chính vì điều này khiến áp lực 3-4 bệnh nhân BHYT phải nằm chung một giường là điều không tránh khỏi dù có tăng viện phí lên bao nhiêu lần. Đó là chưa kể đến quá tải khiến hiệu quả việc KCB bị hạn chế. Các hạn chế vừa nêu trên khiến người bệnh dần quay lưng lại với BHYT.

TS Lý Ngọc Kính – Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế y tế Việt Nam trong một lần trả lời với báo chí đã cho rằng: “Quyền lợi người dân được hưởng từ BHYT cũng còn thấp do danh mục thuốc được bảo hiểm thanh toán bị hạn chế, nhất là các dịch vụ kỹ thuật cao. Bệnh nhân sử dụng thẻ BHYT phải chờ đợi lâu, mất nhiều thời gian khi khám và điều trị…, chưa kể chi phí đi lại, khiến người dân ngại và không muốn tham gia BHYT. Vì thế, hiện nay, Việt Nam thuộc vào nhóm có tỉ lệ tự chi trả cao nhất trong các nước phát triển”.

Tăng giá viện phí lần này, ngành y tế đừng lý tưởng rằng, 62% dân số đã có thẻ BHYT sẽ không bị ảnh hưởng khi tăng giá viện phí.

Theo LĐO