Bán bảo hiểm không còn “màu mỡ” tại VIB

15:03 | 09/04/2024

8,210 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - VIB từng kỳ vọng bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance) tiếp tục khởi sắc như giai đoạn 2017-2021. Tuy nhiên, hoạt động bancassurance hiện không còn "màu mỡ" như trước.
VIB phát hành hơn 421,5 triệu cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đôngVIB phát hành hơn 421,5 triệu cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông
VIB dồn dập huy động nghìn tỷ từ trái phiếuVIB dồn dập huy động nghìn tỷ từ trái phiếu

Bảo hiểm không còn là "gà đẻ trứng vàng" tại VIB

Trong các năm trước, hoạt động bán chéo bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance) là một nguồn thu lớn với các nhà băng. Tuy nhiên, hoạt động này có nhiều vấn đề phát sinh như ép mua bảo hiểm, nhân viên tư vấn sai lệch sản phẩm bảo hiểm thành sản phẩm tiết kiệm... Tình trạng này khiến nhiều khách hàng rơi vào tình cảnh trớ trêu khi tiền gửi tiết kiệm biến thành hợp đồng bảo hiểm, không thể rút tiền ra thậm chí có thể bị mất trắng.

Giữa bối cảnh niềm tin của khách hàng bị đánh mất, cơ quan quản lý liên tiếp ra thông điệp thắt chặt thì tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 diễn ra ngày 15/3, Chủ tịch HĐQT VIB nhận định hoạt động bancassurance của ngân hàng sẽ tiếp tục khởi sắc, khi VIB đa dạng hóa các sản phẩm bảo hiểm, cân bằng giữa bán cho khách hàng vay, gửi và thanh toán; định hướng khách hàng vay tiền tại VIB mua bảo hiểm khoản vay.

Bán bảo hiểm không còn “màu mỡ” tại VIB

Theo tìm hiểu, năm 2023, VIB đàm phán với Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Prudential (Việt Nam) gia hạn hợp đồng trong 13 năm tới. Trước đó, vào năm 2015, VIB và Prudential Việt Nam chính thức ký kết thỏa thuận đối tác chiến lược lâu dài, triển khai mô hình kinh doanh bancassurance trong thời hạn 15 năm. Tuy nhiên, ở một diễn biến khác, vào tháng 6/2023, Prudential Việt Nam bị thanh tra và phát hiện ra một số sai phạm.

Kể từ khi hợp tác cùng Prudential Việt Nam, nguồn thu từ hoa hồng bảo hiểm tại VIB ngày càng tăng.

Theo báo cáo tài chính, từ năm 2017-2022, doanh thu từ dịch vụ hoa hồng bảo hiểm của VIB ghi nhận tăng trưởng mạnh, đạt 79 tỷ đồng năm 2017 và 240 tỷ đồng năm 2018. Từ năm 2019 đến 2022 đều đạt trên 1.000 tỷ đồng.

Cụ thể, năm 2019, thu nhập từ dịch vụ hoa hồng bảo hiểm đạt 1.111 tỷ đồng, tăng gấp 4,6 lần so với năm 2018. Năm 2020 đạt hơn 1.217 tỷ đồng. Đến năm 2021, bất ngờ giảm nhẹ 2% so với năm 2020 còn 1.196 tỷ đồng. Năm 2022 tốc độ tăng trưởng thu nhập từ dịch vụ hoa hồng bảo hiểm của VIB chậm lại, chỉ tăng nhẹ 9% so với năm 2021, đạt 1.302 tỷ đồng, chiếm 29% thu nhập từ hoạt động dịch vụ.

Tuy nhiên, đến năm 2023, thu nhập hoạt động dịch vụ từ hoa hồng bảo hiểm sụt giảm tới 32% so với năm 2022, chỉ thu về hơn 879 tỷ đồng, chỉ chiếm 18% thu nhập từ hoạt động dịch vụ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận sau thuế tại VIB chỉ tăng nhẹ hơn 1% so với năm 2022, đạt 8.562 tỷ đồng.

Đặc biệt, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 diễn ra ngày 2/4 vừa qua, lãnh đạo VIB cho hay trong quý đầu năm 2024, ngân hàng ước lãi 2.600 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước (2.694 tỷ đồng).

Lý giải về việc lợi nhuận giảm, Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ cho hay do quý I/2024 đã có một tháng là kỳ nghỉ tết, cùng với đó hoạt động bancassurance giảm sút.

Bán bảo hiểm không còn “màu mỡ” tại VIB

Tại phần thảo luận tại ĐHĐCĐ, Tổng giám đốc VIB Hàn Ngọc Vũ chia sẻ bancassurance là hoạt động rất phức tạp liên quan đến ngân hàng và công ty bảo hiểm nhân thọ, các yêu cầu đúng pháp luật nên VIB đều quan tâm thực hiện, sau những trường hợp lùm xùm thì rủi ro hoạt động này càng cao hơn.

Đồng thời Chủ tịch HĐQT Đặng Khắc Vỹ cho biết, VIB bán bancassurance theo sự tự nguyện để thể hiện cam kết. VIB muốn biến bancassurance không phải là sản phẩm bán kèm hay bắt ép mà bancassurance phải là quyền lợi của khách hàng, phải truyền tải thông tin bảo hiểm là quyền lợi cho khách hàng.

Tăng trưởng tín dụng trong 3 tháng đầu năm đạt 1%, kế hoạch lãi hơn 12.000 tỷ đồng

Tại ĐHĐCĐ năm nay, VIB kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.045 tỷ đồng, tăng 13% so với mức thực hiện của năm 2023. Chỉ tiêu lợi nhuận năm nay thấp hơn so với kế hoạch lợi nhuận năm 2023 (12.200 tỷ đồng) từng được ĐHĐCĐ thông qua.

Tổng tài sản tính đến cuối năm 2024 dự kiến tăng 20% lên 492.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ tín dụng dự kiến tăng 20% lên 320.600 tỷ đồng. Huy động vốn tăng trưởng 21% lên mức 315.200 tỷ đồng trong khi tỷ lệ nợ xấu kỳ vọng dưới 3%.

Đồng thời, VIB sẽ chia cổ tức với tỷ lệ 29,5% trên vốn điều lệ. Trong đó, mức chia cổ tức bằng tiền mặt tối đa là 12,5%, chia cổ tức bằng cổ phiếu là 17%.

Riêng về cổ tức tiền mặt, ngày 21/2/2024, VIB đã tạm ứng cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 6%. Như vậy, cổ đông VIB sẽ còn được hưởng 1 đợt cổ tức tiền mặt năm 2023 với tỷ lệ 6,5%.

Đáng chú ý, tại phần thảo luận, Chủ tịch HĐQT Đặng Khắc Vỹ cho biết, 3 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng tín dụng của ngân hàng là 1%, cao hơn mức trung bình ngành. Chất lượng ngân hàng bán lẻ khác hẳn ngân hàng bán buôn. Hiện hơn 90% các khoản vay là có tài sản đảm bảo và hơn 5% là vay tín chấp, do đó chất lượng tín dụng của chúng ta là tốt. Theo thời gian, nhà đầu tư sẽ nhìn thấy sự khác biệt gữa ngân hàng bán lẻ và bán buôn.

Tổng nợ xấu của VIB chỉ khoảng 7.000-8.000 tỷ đồng, đối với ngân hàng bán lẻ thì chỉ tương đương với khoản nợ tái cấu trúc một doanh nghiệp, nói để cho cổ đông thấy rằng nợ xấu đang không quá lớn.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng - Hà Phương